Là cơ quan thực hiện các giao dịch liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; vì vậy, cải cách thủ tục hành chính được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, song song với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình.
Theo ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình, trong thời gian qua, việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình luôn bám sát nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Sở đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-STNMT ngày 21/01/2022 về việc triển khai công tác kiểm soát, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của Sở năm 2022; Triển khai thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong đó đã nêu rõ trách nhiệm và hành vi không được làm của cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình đã thực hiện rà soát, cập nhật 102 quy trình nội bộ, quy trình điện tử, đảm bảo từng quy trình được thông suốt trên môi trường mạng, tích hợp chữ ký số và kết quả thực hiện từ bước tiếp nhận hồ sơ đến bước phê duyệt, trả kết quả.
Đồng thời, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 20/5/2022 về việc Phê duyệt Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các phòng, đơn vị chuyên môn cập nhật quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Giao Văn phòng Đăng ký đất đai chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện quy trình điện tử giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường đảm bảo đúng quy định.
Tất cả TTHC được UBND tỉnh công bố thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT hiện nay được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đối với tổ chức; đối với hộ gia đình, cá nhân được thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của các huyện, thành phố. Khi tiếp nhận hồ sơ, công chức, viên chức tại Bộ phận tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra thành phần hồ sơ, hướng dẫn đầy đủ, một lần để bổ sung (nếu thiếu), giảm sự phiền hà cho tổ chức, cá nhân. Việc trả kết quả đều có Phiếu hẹn cụ thể, rõ ràng về thời gian. Sở đã cho rà soát đơn giản hóa quy trình liên thông, quy trình nội bộ để thời gian giải quyết các TTHC được đảm bảo đúng tiến độ, thông suốt và minh bạch.
Đặc biệt, để làm cơ sở cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TNMT đạt hiệu quả, Sở đã chủ trì xây dựng báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 3 Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực đất đai vào kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XV. Đó là Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc: Thông qua danh mục dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022; Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022; sửa đổi theo Nghị quyết số 120/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc thông qua danh mục dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022…
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung rà soát, xác định nguyên nhân, triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC và nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đối với chỉ số thành phần do ngành phụ trách.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 41.150 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó: đã giải quyết 37.018 hồ sơ, còn 4.132 hồ sơ đang trong quá trình giải quyết.