Ninh Bình là địa phương có tiềm năng chủ yếu về khoáng sản làm VLXD như đá vôi xi măng, đá vôi làm nguyên liệu sản xuất vôi công nghiệp, đá vôi làm VLXD thông thường, đolomit, sét xi măng, sét gạch ngói, đất đá san lấp… Trong đó, đá vôi xi măng có trữ lượng khoảng trên 1,5 tỷ tấn, đá vôi làm VLXD thông thường có trữ lượng khoảng 400 triệu m3, đolomit khoảng 2,3 tỷ tấn, đất đá hỗn hợp làm vật liệu san lấp tập trung nhiều ở các huyện Nho Quan, TP. Tam Điệp với trữ lượng khoảng 100 triệum3. Ngoài ra, còn có các loại khoáng sản khác như than mỡ, than nâu, than bùn, quặng antimon, kaolin, nước khoáng nóng…
Theo nhận định của UBND tỉnh Ninh Bình, thời gian gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (đặc biệt là khoáng sản đất đá san lấp làm VLXD) có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh do nhu cầu xây dựng, phát triển mở rộng cơ sở hạ tầng, khu dân cư đô thị. Nguyên nhân, do nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản của một số cáp ủy, chính quyền địa phương cấp xã và các tổ chức, cá nhân vẫn còn hạn chế; Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép. Hoạt động khai thác trái phép diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; Thanh tra chuyên ngành khoáng sản còn thiếu nên chưa phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản không phép, phát hiện những chưa ngăn chặn hoặc xử lý ngăn chặn chưa triệt để.
Để công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được chặt chẽ, UBND tỉnh Ninh Bình cũng quy rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan. Theo đó, Sở TN&MT phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh lý Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về khoáng sản khu vực giáp ranh giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định làm cơ sở để phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Đồng thời, chủ trì, tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các địa bàn thường xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép hoặc có nguy cơ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Lực lượng nòng cốt là thanh tra chuyên ngành, phòng Khoáng sản, Chi cục Quản lý đất đai, Chi cục BVMT, lực lượng chức năng tại địa phương, các sở ngành, chức năng và công an tỉnh được huy động tham gia phối hợp để xử lý vụ việc có tính chất phức tạp. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, giải quyết các tranh chấp, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định…
Công an tỉnh bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc đất dành riêng cho an ninh các khu vực thuộc quy hoạch đất an ninh. Ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, hủy hoại gây ô nhiễm môi trường, gây mất an ninh trật tự xã hội. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, kiểm tra, xử lý hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành trong tỉnh có liên quan thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo quy định về công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Về trách nhiệm của UBND cấp huyện, UBND cấp xã nếu để hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý, gây bức xúc trong dự luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật từ và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép, thỏa thuận cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.
Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.
Mong rằng với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh, sở, ban, ngành cho đến các địa phương Ninh Bình sẽ đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn toàn tỉnh.