Được biết, trong những năm 2007 - 2012, vợ chồng bà Đỗ Thị Tâm, ông Đỗ Văn Vị kinh doanh bất động sản, có 13 lô đất đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tất cả thế chấp để vay Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ninh Bình 10 tỷ đồng vào năm 2010 - 2011. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản đóng băng nên các món vay không trả được đúng hạn, trở thành nợ xấu và phía ngân hàng đã khởi kiện.
Tại Bản án sơ thẩm số 02/2014/KDTM-ST ngày 8/7/2014 của Toà án nhân dân TP. Ninh Bình xét xử vụ án “kinh doanh thương mại”, có nội dung “tranh chấp hợp đồng tín dụng”, nêu rõ: “Chị Đỗ Thị Tâm có quan hệ vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam từ năm 2011, cụ thể: Ngày 1/10/2011 vay 500.000.000 đồng theo hợp đồng tín dụng số 51465/11/HĐ ngày 30/9/2011…; Ngày 18/10/2011 vay 1.000.000.000 đồng theo hợp đồng tín dụng số 51583/11/HĐ ngày 15/11/2011… Ngày 15/11/2011 vay 1.500.000.000 đồng theo hợp đồng tín dụng số 51781/11/HĐ ngày 15/11/2011…; Ngày 17/11/2011 vay 1.350.000.000 đồng theo hợp đồng tín dụng số 51797/11/HĐ ngày 17/11/2011...; Ngày 22/11/2011 vay 450.000.000 đồng theo hợp đồng tín dụng số 51817/11/HĐ ngày 21/11/2011…”
Biệt thự BT32 của vợ chồng ông Đỗ Văn Vị, bà Đỗ Thị Tâm ở TP. Ninh Bình có giá thị trường khoảng 16 tỷ đồng nhưng đem đấu giá chỉ có gần 5,6 tỷ đồng. |
Chi nhánh BIDV Ninh Bình làm đơn khởi kiện đòi nợ trong khuôn khổ 5 hợp đồng tín dụng nêu trên. Do không trả nợ được đúng hạn nên năm 2012, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ninh Bình chuyển thành nợ xấu.
Theo tòa án, để bảo đảm 5 khoản vay đó, vợ chồng bà Đỗ Thị Tâm đã thế chấp các GCNQSDĐ số AC 587387 ngày 06/6/2007 tại xã Ninh An, huyện Hoa Lư; số AQ 142989 ngày 22/6/2009 Khu đất đô thị Quảng Trường phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình; số AI 645952 ngày 14/9/2007 phường Bích Đào, TP. Ninh Bình, thêm nữa “Nhà biệt thự và quyền sử dụng đất tại khu dân cư phía Đông đường trục xã Ninh Tiến, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, đất đã được UBND TP. Ninh Bình cấp GCNQSDĐ số AC 587387 ngày 06/6/2007 mang tên Đỗ Thị Tâm” (tức lô BT32).
Tuy nhiên, trong quá trình thụ lí vụ án, do không xem xét thấu đáo, không thẩm định kỹ hồ sơ dẫn đến bản án đã có một số nội dung sai lệch.
Bản án kết luận số tiền vay cao hơn số vay thực tế
Theo phân tích của Luật sư Đinh Thế Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Sự Thuận (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), việc phán quyết không chính xác của Thẩm phán Phạm Viết Hoàng trong bản án đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho vợ chồng ông, bà Đỗ Thị Tâm - Đỗ Văn Vị... Một bản án sau 5 năm đã 2 lần phải ban hành “Quyết định sửa đổi, bổ sung”, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử trong vụ án này. Bản án đã kết luận số tiền vay cao hơn số vay thực tế theo hợp đồng tín dụng (HĐTD).
Cụ thể: Bản án kết luận bà Đỗ Thị Tâm vay theo HĐTD số 51583/11/HD ngày 17/10/2011 số tiền 1.000.000.000 đồng, nhưng thực tế số tiền ghi trong HĐTD tại hợp đồng thế chấp (HĐTC) chỉ có 800.000.000 đồng. Cụ thể: Quyền sử dụng đất số sổ AC 587387 tại HĐTC số 50389/11/HD ngày 17/10/2011 bảo đảm cho số tiền vay tại HĐTD số 51583/11/HD ngày 17/10/2011 = 240.000.000 đồng; Quyền sử dụng đất số sổ AQ 142989 tại HĐTC số 50388/11/HĐ ngày 17/10/2011 bảo đảm cho số tiền vay tại HĐTD số 51583/11/HĐ ngày 17/10/2011 = 560.000.000 đồng.
Như vậy bản án kết luận sai cho bà Tâm 200.000.000 đồng.
Sau khi bị khiếu nại, ngày 23/5/2019 Thẩm phán Phạm Viết Hoàng phải kí Quyết định số 01/QĐ-SĐBSBA về việc “Sửa chữa, bổ sung” bản án sơ thẩm số 02/KDTM-ST ngày 8/7/2014, đính chính các số liệu cho khớp với số tiền vay.
Phán quyết kiểu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Cũng theo phân tích của Luật sư Đinh Thế Hùng, bản án đã có dấu hiệu đưa tài sản thế chấp cho HĐTD khác gán vào thế chấp bảo đảm cho các HĐTD khởi kiện nêu trong bản án.
Cụ thể: Tài sản thửa đất BT32 số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) BA 877805 ngày 11/5/2010 ghi trong HĐTC số 50195 ngày 25/5/2011 là để bảo đảm cho HĐTD số 50682/11/HD ngày 25/5/2011.
Đây là Hợp đồng thế chấp BĐS số 50195/11/HĐ ngày 25/5/2011 không liên quan đến thế chấp tín dụng nào ngân hàng khởi kiện nhưng TAND TP. Ninh Bình đưa vào Bản án để cưỡng chế tài sản. |
HĐTC số 50195/11/HĐ ngày 25/5/2011 ghi rõ tài sản thế chấp là: “Quyền sử dụng đất (QSDĐ)... theo Giấy chứng nhận QSDĐ số BA 877805 ngày 11/5/2019 thửa BT32; khu dân cư phía Đông đường trục xã Ninh Tiến, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình bảo đảm cho HĐTD 50682/11/HD ngày 25/5/2011”.
Như vậy, tài sản thửa đất BT32 không phải thế chấp cho các HĐTD nêu trong bản án là: HĐTD số 51465/11/HD ngày 30/9/2011 vay ngày 1/10/2011 số tiền vay là 500.000.000 đồng; HĐTD số 51583/11/HD ngày 17/10/2011 vay ngày 18/10/2011 số tiền vay là 1.000.000.000 đồng; HĐTD số 51781/11/HD ngày 15/11/2011 vay ngày 15/11/2011 số tiền vay là 1.500.000.000 đồng; HĐTD số 51797/11/HD ngày 17/11/2011 vay ngày 17/11/2011 số tiền vay là 1.325.000.000 đồng; HĐTD số 51817/11/HD ngày 21/11/2011 vay ngày 22/11/2011 số tiền vay là 450.000.000 đồng.
Thế nhưng, tại Quyết định số 02/2019/QĐ-SCBSBA ngày 15/7/2019 quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm, Thẩm phán Phạm Viết Hoàng đã sửa đưa thêm tài sản thế chấp là “QSDĐ và nhà biệt thự tại lô BT32...”. Thực tế, khi vợ chồng ông Vị, bà Tâm thế chấp thì trên thửa đất BT32 chưa xây ngôi biệt thự như thẩm phán nêu.
Như vậy là thẩm phán đã đưa thêm cả quyền sở hữu tài sản trên đất của vợ chồng ông Vị, bà Tâm là ngôi biệt thự không thế chấp bảo đảm cho số tiền vay của bất cứ HĐTD nào vào bảo đảm cho các HĐTD bị khởi kiện nêu trong bản án.
Chính vì sự phán quyết thêm không đúng với thực tế tài sản đã thế chấp nên cơ quan thi hành án suốt gần 5 năm không thể thi hành bản án được.
Để “khắc phục” sai lầm, ngày 15/7/2019 Thẩm phán Phạm Viết Hoàng phải ký tiếp Quyết định số 02/2019/QĐ-SĐBSBA “Sửa chữa, bổ sung” bản án sơ thẩm, lại phán quyết “sai chồng sai”. Cụ thể, “Nay sửa đổi, bổ sung như sau: Quyền sử dụng đất và nhà biệt thự tại lô số BT32, tờ bản đồ quy hoạch, diện tích 309,0 m2; Địa chỉ: Khu dân cư phía Đông đường trục xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, đất đã được UBND TP. Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 877805 ngày 11/5/2010 mang tên Đỗ Văn Vị và Đỗ Thị Tâm”.
Như vậy là cùng một lô đất, ở trên thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 687387 mang tên Đỗ Thị Tâm, quyết định sửa đổi, bổ sung thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 877805 mang tên Đỗ Văn Vị và Đỗ Thị Tâm thành ra có hai biệt thự?
Dấu hiệu sai ở chỗ “Hợp đồng thế chấp bất động sản số 50195/11/HĐ ngày 25/5/2011 thế chấp tại lô biệt thự BT32 có GCNQSDĐ số BA 877805 ngày 11/5/2010 chứ không phải là hợp đồng thế chấp QSDĐ đất số AC 587387 ngày 06/6/2007 như phán quyết nêu ở trên (trang 2 bản án). Đồng thời, hợp đồng tín dụng theo hợp đồng thế chấp này không có trong danh mục ngân hàng khởi kiện.
Việc phán quyết kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” đã gây ra nhiều hệ lụy, kéo dài tình trạng khiếu nại, tố cáo, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức liên quan. Được biết, cơ quan thi hành án đã 2 lần tổ chức đấu giá tài sản BT32; lần thứ 2 vào ngày 27/3/2020, Công ty Đấu giá hợp danh Hà Nam Ninh đã tổ chức bán đấu giá, giá trúng đấu giá là 5.564.000.000 đồng và đã cưỡng chế buộc vợ chồng ông Đỗ Văn Vị, bà Đỗ Thi Tâm bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá (trong khi theo giá thị trường thì lô đất và biệt thự BT32 có giá trị cao gấp khoảng 3 lần giá trúng đấu giá).
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.