Hệ luỵ do đốt rơm rạ
Theo chu kỳ, cứ sau các vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ lại diễn ra phổ biến. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường có thói quen đốt rơm rạ dọn đồng, chuẩn bị cho vụ mới với quan điểm đốt lấy tro bón cho đất cũng như giảm thiểu được chi phí, nhân công xử lý rơm rạ, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại…
Tuy nhiên, việc đốt rơm trên đồng đã gây ra nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng và lãng phí nguồn nguyên liệu để tái sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp còn tạo ra một lượng lớn các khí có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện. Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người ta ho, hắt hơi, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở...
Thay vì rơm được lấy cho trâu bò ăn, nhiều người nông dân đem ra những cánh đồng không để đốt. |
Mặc dù vậy, trên thực tế, tình trạng người dân phơi rơm, thóc hoặc đốt rơm tràn lan diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Ninh Bình. Mỗi khi đến mùa thu hoạch, máy tuốt lúa sẽ được để ngay bên vệ đường, khi xong, thóc được đóng vào các bao tải, còn rơm được chất đống phơi ngoài đường, đợi đến khô mọi người sẽ đem ra đốt.
Chị Nguyễn Thị Thuỷ, người dân ở thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết, vào mùa thu hoạch người dân đốt rơm rạ ngoài đồng, ở lề đường cũng gây khó chịu, ai đi qua, ở gần cũng nóng bức, thậm chí cay mắt vì khói. Thế nhưng, cũng không ai nói hay lên tiếng. Vì thói quen, sự cảm thông cho nhau, ai cũng tặc lưỡi cho qua vì ngày mùa nên thông cảm. Không ai ý kiến gì cả, thậm chí có ý kiến thì chắc cũng không có cách nào khắc phục triệt để.
“Thu hoạch lúa rồi, rơm rạ phát sinh phải xử lý chứ biết làm sao? Trâu, bò giờ không ai nuôi, cũng không ai dùng để đun nấu như xưa. Nói không đốt thì chắc rơm rạ cũng chất đống ở ngoài đồng”, chị Thuỷ cho hay.
Thu gom rơm bằng máy giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ, nắm bắt nhu cầu sử dụng rơm, rạ trong trồng trọt, chăn nuôi ngày càng tăng, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình, anh Bùi Văn Thảo ở thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư – Giám đốc HTX chăn nuôi dê Ninh Bình đã mạnh dạn đầu tư hơn 700 triệu đồng để thực hiện mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm.
Anh Thảo cho biết, máy cuốn rơm hoạt động tốt trên cả nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau đó, rơm được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động thành các cuộn to.
Trung bình chỉ cần 40 - 45 giây để hoàn thành mỗi cuộn rơm. Công suất thu gom rơm đạt từ 50 - 70 cuộn/giờ (tùy thuộc vào trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy). Được biết, mỗi héc-ta thu được hơn 100 cuộn rơm, mỗi vụ anh Thảo ước đạt 10.000 cuộn rơm. Mỗi cuộn rơm có trọng lượng từ 17 - 20kg/cuộn.
Máy cuốn rơm hoạt động trên một cánh đồng ở thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư. Ảnh: HH |
Theo anh Thảo, rơm rạ sau thu gom được vận chuyển và nhập cho các trang trại trong và ngoài tỉnh để làm thức ăn chăn nuôi, hoặc cung ứng cho các hộ làm nấm, làm phân bón, che phủ cho cây trồng,... Ngoài ra, anh còn thuê kho rộng 6.000 m2 để dự trữ số cuộn rơm chờ xuất trong mùa đông sẽ cho giá cao.
Giá bán cuộn rơm tùy theo chất lượng rơm, những loại rơm khô xỉn màu do ảnh hưởng của mưa sẽ bán với giá rẻ để che phủ cây trồng, từ 15.000 - 20.000 đồng/cuộn, rơm khô chất lượng tốt bán giá cao hơn để làm thức ăn cho gia súc với giá 30.000 đồng/cuộn. Trừ chi phí vật tư, nhiên liệu và khấu hao máy, mỗi vụ trung bình anh thu về từ 70 - 80 triệu đồng/vụ.
Trong vụ vừa qua, mô hình máy cuộn rơm của anh Thảo đã mở rộng địa bàn hoạt động ở khắp các địa phương trong tỉnh và sang các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định...
Để việc đầu tư máy cuốn rơm có hiệu quả, anh Thảo cho rằng, cần lưu ý nắm bắt được thời gian thu hoạch lúa của từng vùng, ưu tiên triển khai cho những vùng trọng điểm sản xuất lúa, có quy mô diện tích lớn, tập trung; vùng nào thu hoạch trước, đến thu rơm trước.
Đặc biệt, để tránh tình trạng người dân đốt rơm khi máy chưa kịp thu gom, anh chủ động liên hệ trước với các đầu mối là các hợp tác xã nông nghiệp, các thôn, xóm để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen đốt rơm rạ có hại cho môi trường.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, việc thu gom rơm rạ bằng máy cuốn rơm còn hạn chế ô nhiễm môi trường; rơm rạ được thu gom để sử dụng trong chăn nuôi, làm nấm, che phủ đất để trồng cây, chế biến phân hữu cơ, giảm lượng rơm phơi trên đường, làm cho đường làng ngõ xóm sạch hơn...