Ninh Bình: Khẩn trương số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai

Tuyết Chinh| 23/12/2021 11:11

(TN&MT) - Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đề nghị tỉnh quan tâm, chỉ đạo bố trí kinh phí, điều kiện để ngành tài nguyên và môi trường thực hiện số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn; tập trung hoàn thành kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh.

Còn bất cập, chưa đồng bộ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những công cụ quản lý quan trọng, đã được quy định kể từ khi Luật Đất đai năm 1987, 1993, 2003 và 2013. Thời gian qua, quy hoạch sử dụng đất đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện và dần đi vào nề nếp; là biện pháp phân bổ đất đai vào các mục đích nhằm sử dụng bền vững, mang lại lợi ích cao nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch và các Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. Đối với tỉnh Ninh Bình, công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh và các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát định hướng, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Một góc TP Ninh Bình. Ảnh: TM

Về trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan, đảm bảo đúng chỉ tiêu sử dụng đất được Chính phủ phân khai cho tỉnh. Việc lập, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định; các công trình, dự án xác định trong Kế hoạch sử dụng đất đảm bảo trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được phê duyệt.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết thu hồi, Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, là căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế địa phương cho thấy, hiện nay việc triển khai lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp đồng bộ với các quy hoạch ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai còn chậm và lúng túng. Thực tế tại địa phương khi triển khai lập các quy hoạch còn chưa đồng bộ ở các cấp dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh cho phù hợp.

Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất chưa chú trọng đến công tác đánh giá đất đai (chất lượng, tiềm năng, kinh tế đất đai) để định hướng sử dụng đất bền vững, đặc biệt là định hướng khai thác không gian ngầm, khoảng không và khai thác sử dụng đất bãi bồi ven biển, lấn biển. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn những hạn chế; chưa xem xét kỹ đến khả năng bố trí nguồn kinh phí và rà soát chủ trương đầu tư thực hiện các công trình, dự án để đăng ký nhu cầu sử dụng đất theo từng ngành, lĩnh vực.

Sớm phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh

Để khắc phục tình trạng bất cập, chưa đồng bộ và thống nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đề xuất một số giải pháp hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền như: Trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được phê duyệt đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường sớm phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh để thực hiện đồng bộ việc lập, trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch cho tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia và các Quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời sớm có hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, hồ sơ, biểu mẫu lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, phương án khai thác bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước và khắc phục hậu quả do nước gây ra; bảo vệ thăm dò khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản...

Trên cơ sở phân tích đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế về công tác quy hoạch, bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường cần chủ động, linh hoạt hơn trong công tác xây dựng kế hoạch sử dụng đất, công tác phối hợp để thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch theo đúng tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa việc công khai thông tin đầy đủ, lắng nghe ý kiến của người dân để thực hiện tốt công tác phản biện của nhân dân. Báo cáo đề xuất UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm, chỉ đạo bố trí kinh phí, điều kiện để ngành thực hiện số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh. Tập trung hoàn thành kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh theo đúng quy trình và thời gian đã đề ra.

UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng “Quy hoạch sử dụng đất cụ thể hoá quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên cơ sở tiềm năng đất đai”
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Khẩn trương số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO