Dự án được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ – UBND ngày 30/10/2018 với tổng mức đầu tư là 93,796 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu là trên 80,296 tỉ đồng (chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng) và vốn từ ngân sách tỉnh là 13,5 tỉ đồng (chi phí đền bù, GPMB). Dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 – 2020.
Điều đáng nói là khi Dự án được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt thì nghiễm nhiên UBND huyện Yên Khánh nơi có dự án đi qua phải khẩn trương thành lập Hội đồng đền bù, GPMB, triển khai công tác kiểm đếm, lên phương án, áp giá đền bù. Đồng thời phải nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch cho Chủ đầu tư để thi công đảm bảo tiến độ. Thế nhưng UBND huyện Yên Khánh có vẻ như không “mặn mà” lắm với việc đặc biệt quan trọng quyết định đến tiến độ của dự án, đó là công tác GPMB.
Những cột điện bắt buộc phải thi công khi chưa bàn giao mặt bằng sạch gây bức xúc trong dư luận |
Cụ thể, sau 4 tháng khi phê duyệt dự án, ngày 22/2/2019, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT có Công văn số 106/CV – BQL về việc triển khai GPMB dự án này. Theo đó, đề nghị UBND huyện Yên Khánh thành lập Hội đồng đền bù GPMB và triển khai công tác kiểm đếm… để công trình sớm triển khai thi công, đảm bảo tiến độ được giao.
Nửa năm sau không thấy động thái gì từ phía UBND huyện Yên Khánh, Ban lại tiếp tục có Công văn số 581/CV – BQL ngày 12/8/2019 đề nghị UBND huyện Yên Khánh thành lập Hội đồng đền bù GPMB và triển khai công tác kiểm đếm để Chủ đầu tư triển khai dự án.
Đến ngày 4/2/2020, khi thời hạn thực hiện dự án chỉ còn 10 tháng, Ban có Công văn số 52/CV – BQL, trong đó nêu rõ: Đến nay, UBND huyện Yên Khánh vẫn chưa bàn giao mặt bằng sạch cho Ban quản lý để triển khai thi công các vị trí do đất nông nghiệp và đất nhà ở chiếm chỗ. Đề nghị UBND huyện Yên Khánh chỉ đạo Hội đồng đền bù, GPMB của dự án sớm giao mặt bằng cho Chủ đầu tư để dự án được triển khai đảm bảo tiến độ.
Đến ngày 26/11/2020, khi thời gian thực hiện dự án đã gần hết, nhưng UBND huyện Yên Khánh vẫn chưa bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai thi công.
Điều đáng nói là trong Quyết định phê duyệt dự án, chi phí cho đền bù, GPMB có 13,5 tỷ đồng, nhưng phương án tổng thể GPMB mà UBND huyện Yên Khánh xây dựng (tại thời điểm tháng 7/2020) lại có kinh phí lên đến 18,365 tỷ đồng. Việc này khiến chủ đầu tư đề nghị UBND huyện Yên Khánh rà soát lại, tính toán lại khối lượng GPMB với nguồn kinh phí không vượt quá 13,5 tỷ đồng.
Những cột điện hư hỏng có nguy cơ gãy, đổ bất cứ lúc nào |
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Thịnh, Giám đốc Ban QLDA cho biết: Theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Ninh Bình, tuyến đường qua địa bàn xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh thuộc bờ tả sông Dưỡng Điềm được nâng cấp thành tuyến đường cứu hộ, cứu nạn theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng với tổng chiều dài trên 6km, rộng 9m. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do vướng mắc trong công tác GPMB dẫn tới việc chậm tiến độ thi công.
Cũng theo ông Thịnh việc GPMB dự án, trong đó có cả việc di dời các cột điện trên tuyến đường qua địa bàn xã Khánh Thủy do UBND huyện Yên Khánh thành lập Hội đồng đền bù GPMB. Tuy nhiên đến nay, những cột điện trên vẫn chưa được di dời. Để đảm bảo tiến độ chúng tôi bắt buộc phải thi công. Việc chậm GPMB không chỉ làm chậm tiến độ dự án mà còn ảnh hưởng đến việc cắt giảm nguồn vốn nếu không hoàn thành đúng thời hạn.
Còn về phương án tổng thể GPMB mà UBND huyện Yên Khánh xây dựng (tại thời điểm tháng 7/2020) lại có kinh phí lên đến 18,365 tỷ đồng, chúng tôi yêu cầu tính toán lại, kết hợp với Sở Tài chính thì hiện còn 13,5 tỷ, đúng với quyết định đầu tư, ông Thịnh cho biết thêm.
Đến nay, dự án gần 100 tỷ này đã được gia hạn đến hết năm 2021, song với thực trạng GPMB như hiện nay của chính quyền địa phương thì dự án có nguồn vốn Trung ương này có lẽ còn phải “khóc ròng” mới được bàn giao mặt bằng sạch để thi công?