Ninh Bình: Bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ đa dạng sinh học

Tuyết Chinh| 22/09/2021 11:03

(TN&MT) - Xác định vai trò quan trọng của đa dạng sinh học trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Những năm qua, Ninh Bình đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị mà các hệ sinh thái tiêu biểu mang lại.

Ninh Bình là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, phân thành 5 hệ đặc trưng mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học, tập trung tại các khu vực đã được bảo tồn, bảo vệ như: Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và khu rừng Văn hóa-lịch sử Hoa Lư. Các hệ sinh thái đều mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học.

Dựa trên nguyên tắc “phát triển bền vững”

Từ quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình đã dựa trên quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch phát triển bền vững các khu rừng đặng dụng đảm bảo phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương;  trên cơ sở phân vùng lãnh thổ, phân vùng chức năng phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình)

Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về đa dạng sinh học gắn với bảo vệ môi trường như: Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 14/4/2009 của UBND tỉnh về việc “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh”; Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình...

Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch và sự chỉ đạo của tỉnh Ninh Bình, các ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về đa dạng sinh học, chung tay bảo vệ sự suy giảm đa dạng sinh học, tích cực trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, không săn bắn, sử dụng thực phẩm từ các loài động vật hoang dã, quý hiếm...

Đồng thời, triển khai các biện pháp sử dụng bền vững và thực hiện các cơ chế chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Khuyến khích phát triển vùng đệm các khu bảo tồn bằng việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, hạn chế việc lấy gỗ củi, săn bắn động vật hoang dã của người dân sống trong và ven rừng.

Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã chủ động, tích cực trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 13 vụ vi phạm hành chính về lâm nghiệp, tiếp nhận 9 cá thể tê tê, rùa, culi, khỉ, cua từ các hộ gia đình tự nguyện giao nộp và tái thả 28 cá thể culi và rùa nhân sa.

Gắn phát triển du lịch với bảo tồn ĐDSH

Hiện nay, Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch, hình thành các khu du lịch quốc gia, nhằm khai thác tiềm năng tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù gắn với thương hiệu “Ninh Bình - Tràng An”. Phát triển du lịch, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị di sản, kết hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đó là hướng đi chuyên nghiệp, bền vững, tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.

Gắn phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tạo công ăn việc làm, vừa là một kênh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Khu Bảo tồn đất ngập nước Vân Long được đánh giá cao nhờ hệ sinh thái đa dạng, phong phú

Điển hình như tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã có cơ chế khuyến khích người dân tham gia nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, dỗ trợ đầu tư cho các thôn, bản giáp ranh xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình hỗ trợ con giống phát triển kinh tế như nuôi ong, gà, hươu, lợn rừng, nhím, trâu, bò,... nhằm giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế-xã hội cho người dân.

Cùng với đó, Ninh Bình triển khai các công cụ quản lý kinh tế trong công tác bảo tồn, như thu kinh phí từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của các tổ chức, cá nhân có dự án chuyển đổi để đầu tư trồng rừng thay thế. Thử nghiệm và nhân rộng mô hình cho thuê môi trường rừng để khai thác du lịch, phục vụ nhu cầu về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thay dần hình thức đầu tư bằng tiền của nhà nước. Tăng cường công tác kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Các sở, ban, ngành và các đơn vị có chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an và Kiểm lâm đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn. Các tụ điểm kinh doanh, buôn bán các loài động vật hoang dã, quý hiếm đã cơ bản được xóa bỏ, các cơ sở nuôi nhốt, kinh doanh, các nhà hàng có sử dụng các sản phẩm chế biến từ các động vật hoang dã đã được kiểm soát nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng chú trọng công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các dự án và hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với một số tổ chức phi chính phủ về các lĩnh vực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn cộng đồng về nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, với nhiều giải pháp trong bảo tồn thiên nhiên và phát triển đa dạng sinh học, hiện nay, nhiều hệ sinh thái trên địa bàn đã được bảo tồn và phát triển như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu Ramsar Vân Long, Rừng đặc dụng Hoa Lư... Đáng chú ý, UNESCO đã công nhận 7 xã ven biển thuộc địa giới hành chính huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thuộc vùng đệm và vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, là di sản “kép” đầu tiên ở Việt Nam và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam.

Những nơi này hiện đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loài quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế và nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Ninh Bình đang triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về tiềm năng du lịch, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, mang thương hiệu "Ninh Bình - Tràng An", gắn với công tác bảo tồn các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa và bảo đảm tốt các vấn đề an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hướng tới du lịch bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO