Những yếu tố giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hydro xanh
(TN&MT) - Các chuyên gia quốc tế đánh giá, trên lý thuyết, nhu cầu hydro xanh của Việt Nam tối đa có thể lên tới 28,7 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 550 GW công suất phát điện tái tạo. Cần lưu ý, đây là công suất cần bổ sung thêm sau khi đã phục vụ hoạt động điện khí hóa trực tiếp và phát điện.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo về “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp hydrogen xanh trên thế giới, định hướng phát triển tại Việt Nam”, do Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) phối hợp với Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Chia sẻ về Chiến lược quốc gia về hydro của Việt Nam, ông Trần Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng, Vụ Dầu khí và than, Bộ Công Thương cho biết, hydro đang được xem là nguồn năng lượng ưu tiên phát triển nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch và dự báo sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ) để sản xuất năng lượng mới (hydrogen, ammoniac xanh) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nghiên cứu của Công ty TNHH tư vấn phát triển công nghệ năng lượng Việt Nam (Vnergy) chỉ ra, mức sản xuất, tiêu thụ hydro tại Việt Nam hiện đạt khoảng 500 nghìn tấn/năm và chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội bộ. Trong đó, phổ biến là hydro xám và đen, với đặc trưng nhiên liệu sản xuất là dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá. Nguồn hydro chủ yếu từ các nhà máy lọc dầu, phân đạm để phục vụ quá trình sản xuất của chính các nhà máy này. Ngoài ra, khoảng 0,5 % hydro được dùng tại nhà máy thép, kính nổi, điện tử và thực phẩm.
Theo ông David Jacob - chuyên gia tư vấn quốc tế IET/GFA, định hướng phát triển hydro xanh nên ưu tiên tập trung vào các mục tiêu dễ thực hiện để giảm thiểu rủi ro khi phải cạnh tranh với các giải pháp giảm phát thải các-bon khác có chi phí thấp hơn. Nên đầu tư các ngành chưa có công nghệ giảm phát thải thay thế cho hydro xanh, hoặc đã đang sử dụng khí hydro trong sản xuất, như ngành sản xuất phân bón, và khử lưu huỳnh trong các nhà máy lọc dầu.
Về tiềm năng xuất khẩu khí hydro, chuyên gia nhận định, với quy mô diện tích đất để phát triển năng lượng tái tạo khoảng 85.000 km2, Việt Nam có thể lắp đặt 3.400 GW điện mặt trời và 840 GW điện gió trên bờ. Theo tính toán, tiềm năng xuất khẩu hydro xanh từ điện mặt trời và điện gió của Việt Nam có thể đạt 23 triệu tấn mỗi năm. Các thị trường hiện có nhu cầu nhập khẩu hydro lớn trên thế giới có thể kể đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước cũng chia sẻ kết quả nghiên cứu thực tiễn liên quan đến tiềm năng ứng dụng ammoniac trong hoạt động sản xuất điện ở Việt Nam, cũng như các yêu cầu kỹ thuật đối với ngành công nghiệp Power-to-X và hydro xanh tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp Power-to-X (PtX - công nghiệp Hydrogen xanh và công nghệ sản xuất nguyên/nhiên liệu tổng hợp dựa trên hydrogen) cho phép sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất ra các loại vật liệu và dẫn xuất ở trạng thái khác nhau của vật chất như trạng thái khí hydrogen, hay lỏng như ammonia hoặc dưới dạng nhiên liệu tổng hợp. Nhờ đó, các vật liệu và dẫn xuất có thể được vận chuyển, lưu trữ tại những chuỗi cung ứng hiện đại và được giao dịch, buôn bán thuận tiện trên quy mô toàn cầu. Công nghệ PtX tạo ra những chất mang năng lượng đặc biệt cần thiết để gián tiếp điện khí hóa các ngành công nghiệp khó giảm thải, đẩy nhanh tiến trình đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Tại Việt Nam, hydro chủ yếu mới được xem như một loại hóa chất dùng trong lĩnh vực y tế và khí công nghiệp. Ngoài một vài tiêu chuẩn cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hydro nén, Việt Nam chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn nào về sản xuất, tồn trữ, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hydro như một loại nhiên liệu trong ngành năng lượng.
Các chuyên gia nhấn mạnh, sự phát triển của nền công nghiệp PtX và hydro xanh cần dựa trên khung tiêu chí bền vững của ngành trên 4 lĩnh vực: môi trường - kinh tế - xã hội - quản trị, cũng như đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Việt Nam cần hoàn thiện các tiêu chuẩn và chứng nhận cho ngành công nghiệp PtX, cũng như thử nghiệm và vận hành thị trường các-bon. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao trong nước theo nhu cầu, thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài; xây dựng cơ sở hạ tầng, học hỏi công nghệ quốc tế; cũng như hỗ trợ tài chính cho các dự án PtX trong nước.
Theo ông Markus Bissel – Giám đốc Dự án PtX Outreach, để đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050, bên cạnh việc mở rộng sản xuất điện từ năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng, Việt Nam cần có những hành động cụ thể hơn để giảm phát thải trong lĩnh vực vận tải, điện và sản xuất. Một trong số đó là sử dụng hydro xanh tạo ra từ năng lượng tái tạo và các dẫn xuất của nó.
Chuyên gia quốc tế cũng đưa ra các khuyến nghị về chiến lược tầm trung và dài hạn cho ngành công nghiệp Dầu khí, bao gồm: phân tích chi tiết về chi phí giá của các sản phẩm PtX tại các địa điểm được lựa chọn; thiết lập các khu vực tập trung phát triển năng lượng tái tạo, hydro xanh và các hành lang vận tải không gian; nghiên cứu chi tiết về dầu nhiên liệu hàng hải, khả năng cạnh tranh của PtX đối với nhu cầu nội địa và trong tương quan với các quốc gia khác...
Hydrogen là một chất mang năng lượng và phương tiện lưu trữ năng lượng hiệu quả. Ngành công nghiệp PtX và công nghệ sản xuất nguyên/nhiên liệu tổng hợp dựa trên hydrogen đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng, góp phần giúp thế giới cũng như Việt Nam có thể đạt mục tiêu không phát thải carbon (Net Zero) vào năm 2050. Trong khi hydrogen xám được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và là nguồn phát thải carbon ra môi trường, hydrogen xanh được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo và hoàn toàn không phát thải carbon. Ngoài ra, tùy theo công nghệ sản xuất và nguồn vật liệu sử dụng, hydrogen sẽ được quy định thành các màu sắc khác như vàng, xanh lam, đen và đỏ.