Những loài cây mang bóng dáng chủ quyền

01/09/2015 00:00

(TN&MT) - Mảnh đất Đại Việt 4.000 năm dựng nước và giữ nước đã trải qua biết bao cuộc chiến chinh giữ vững nền độc lập. Từng tấc đấc quê hương là máu của cả triệu người đã ngã xuống. Như hiểu được nỗi nhọc nhằn của đất, của người, có những loài cây sinh sôi trên mảnh đất này thật đặc biệt, không đâu có, là những loài cây mang dáng hình xứ sở...

Từ địa đầu Hà Giang

Nhắc tới nước Nhật là người ta nghĩ tới những sắc hoa anh đào, nước Nga xa xôi là những hàng bạch dương rủ bóng, những hàng phong vàng úa là đất nước Canada, còn với Việt Nam thì chắc hẳn không thể không nhắc tới cây tre anh dũng, kiên cường. Bởi tre Việt Nam đã xanh tự bao giờ, chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh. Suốt từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trên dải đất hình chữ “S” thân thuộc đến tận các hải đảo xa xôi, “đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn”.

Chẳng biết ngẫu nhiên hay nhân tạo, nhưng tại mảnh đất địa đầu Hà Giang nơi Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, đã tồn tại biết bao năm nay một khóm tre già, xanh tốt, hiên ngang sừng sững ngay ranh giới đầu tiên của chủ quyền thiêng liêng nước Việt. Khóm tre ấy mọc thẳng vút làm gợi nhớ về quê hương thân thuộc với biết bao người con xa xứ. Khóm tre ấy cũng như những người lính ngày, đêm âm thầm chắc tay súng giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng để có một khóm tre xanh tốt hiên ngang trước bão tố nơi biên thùy là cả sự quyết tâm đấu tranh của cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng Đồn Thanh Thủy.

Đứng bên khóm tre đặc biệt ấy, Trung tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy Nguyễn Xuân Hoàng tự hào chia sẻ: “Cán bộ chiến sĩ và người dân nơi đây luôn gọi khóm tre ấy là khóm tre chủ quyền. Bởi nó như một cột mốc biên cương khẳng định chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc. Từ khóm tre này đổ lại là đất của Việt Nam, sang phía bên kia là đất của Trung Quốc".

Khóm tre như cột mốc chủ quyền tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang
Khóm tre như cột mốc chủ quyền tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang

Sinh sống trên mảnh đất đầy nắng gió và khắc nghiệt như thế nhưng khóm tre ấy vẫn luôn phát huy được ý chí nghị lực phi thường. Trong số hơn 50 cây tre ở đây, cây nào cũng mập mạp và có độ cao vài chục mét. Có những cây tre già trong thân còn giữ nguyên cả những vết tích chiến tranh nhưng vẫn sừng sững, hiên ngang đầy nghị lực. Theo chia sẻ của Trung tá Hoàng thì khóm tre không chỉ là biểu tượng mà còn là cơ sở đấu tranh giữ đất của quân và dân ta. Bởi khi phân định cắm mốc biên giới, nhờ khóm tre chủ quyền này mà chúng ta đã phân giới cắm mốc thành công, giảm tranh cãi về địa giới chủ quyền.

 Được biết, khóm tre ở Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy là khóm tre duy nhất mà tất cả các cửa khẩu dọc các rẻo đất biên cương chưa có. Với họ, bảo vệ tre là bảo vệ đất nước, mất tre là mất đất thì toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay cạnh khóm tre ấy còn có một hàng cây gạo qua bao năm tháng vẫn găm trên mình những vết đạn của chiến tranh. Có những cây còn toạc cả thớ vỏ nhưng vẫn nở hoa đỏ rực cả một vùng biên như một lời nhắc nhở cho quân và dân việc giữ vững chủ quyền an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ai đã từng đặt chân lên ranh giới biên cương, cầm trên tay nắm đất mới cảm thấy yêu tha thiết từng hòn đất quê hương và có chạm tay vào cột mốc phân định mới thấy hết trái tim mình yêu cháy bỏng chủ quyền đất nước tới nhường nào. Theo chia sẻ của những người lính bộ đội biên phòng nơi đây, để giúp ổn định cuộc sống của bà con vùng biên và mang lại một tuyến biên giới bình yên, đồng bào tin vào các chính sách của Đảng, Nhà nước không gây mất trật tự an ninh biên giới các cán bộ chiến sĩ đã trăn trở và mạnh dạn tìm một loại cây làm đổi thay cuộc sống nghèo khó của đồng bào. Cây chuối không chỉ làm no ấm đời sống của đồng bào mà còn góp phần to lớn cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây xây dựng một vùng biên cương hòa bình và ổn định.

Tới hải đảo xa xôi

Nếu đất liền có những khóm tre thì nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa những hải đảo xa xôi của Tổ quốc người ta nhớ tới những cây “bàng vuông, phong ba, bão táp” như biểu thị sự hiên ngang trước sóng chìm, bão nổi.

Trong tập phóng sự “Trường Sa phong ba, đằng ngà” của Nhà báo Nguyễn Văn Minh - Báo Quân đội nhân dân có kể lại rằng,  theo hai Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể, Nguyễn Thắng - những nhà báo may mắn có mặt tại Trường Sa sau ngày giải phóng đã có loạt ký sự “Sóng gió trên đảo tiền tiêu” với nhiều bài viết sinh động về Trường Sa đặc biệt là các loài cây. Theo đo, số báo ra ngày 16/2/1976 đã kể về những cây bàng vuông cổ thụ, có cây đường kính gốc tới 2m, cao 16m, tỏa bóng mát tới 40m2, “đủ cho một đại đội trú nắng”. Cây cao nhất có tới 9 nhánh lực lưỡng.

Cây bàng vuông trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Xuân Hợp
Cây bàng vuông trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Xuân Hợp

Ở Trường Sa bây giờ, theo chia sẻ của Nhà báo Nguyễn Văn Minh, không chỉ có bàng vuông, phong ba, bão táp, mà những người lính đã trồng và thử nghiệm nhiều loại cây mang hình bóng quê hương để vơi đi nỗi nhớ nhà. Trong đó kỳ công nhất phải kể tới việc trồng cây tre ở Trường Sa. Vậy là tre không chỉ lên rừng xây chiến khu, vây đánh thù mà tre bây giờ còn ra tận hải đảo xa xôi cùng với quân và dân các đảo giữ vững bờ cõi Việt Nam.

Đặc biệt hơn, ngoài đảo Trường Sa bây giờ đã trồng thành công cụm tre đằng ngà Thánh Gióng diệt giặc Ân đầu tiên trên đảo và hiện đã có rất nhiều đoàn khách ra thăm đảo đều mang theo những khóm tre đằng ngà ra với quần đảo bão tố như muốn gửi hơi ấm, hình bóng quê nhà ra tới đảo...

Những cây bàng vuông, phong ba, bão táp, tre ngà hay bất kỳ loài cây nào vươn lên trong lao khó sẽ là minh chứng hùng hồn cho tinh thần bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam trong việc đấu tranh giữ vững chủ quyền của Tổ quốc...

Nguyễn Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những loài cây mang bóng dáng chủ quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO