Điều này thể hiện qua việc tỷ lệ CTRSH được thu gom, tái chế liên tục tăng, tỷ lệ chôn lấp giảm; Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) và chất thải nguy hại (CTNH) đều tăng so với giai đoạn trước.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, thời gian qua, công tác quản lý CTRSH được các cấp, các ngành và toàn xã hội hết sức quan tâm. Bộ TN&MT đã cùng các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo chủ động xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch bệnh, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp trong xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19; kịp thời hướng dẫn các địa phương xử lý chất thải trong phòng chống dịch.
Với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Quảng Bình, Cần Thơ... Từ đó, tỷ lệ chôn lấp rác giảm xuống đáng kể, điển hình là tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ chôn lấp CTRSH chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước).
Bên cạnh đó, một số địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp; đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Cụ thể, TP. Cần Thơ đã đưa Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ vào hoạt động với công suất xử lý CTRSH 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 60 triệu Kwh/năm; TP. Hải Phòng đã vận hành nhà máy xử lý CTR Tràng Cát với công nghệ sản xuất rác thải thành phân bón hữu cơ, công suất xử lý 200 tấn rác và 40 tấn bùn/ngày.
Với những nỗ lực đó, đến nay, tỷ lệ CTRSH được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 96,28% (tăng 11,28% so với năm 2016); tại khu vực nông thôn đạt khoảng 66% (tăng 16% so với năm 2016); trong đó, tỷ lệ chôn lấp khoảng 70%.
Bên cạnh đó, CTNH đã được quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Đến hết năm 2021, cả nước có 117 cơ sở xử lý CTNH; tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 90% (tăng khoảng 11% so với năm 2016). Bên cạnh việc thu gom, tự xử lý CTNH trong nước, Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu CTNH ra nước ngoài (Bộ TN&MT đã chấp thuận cho 9 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu CTNH với tổng lượng là hơn 3.958 tấn), góp phần làm giảm áp lực về xử lý chất thải ở trong nước.
Tỷ lệ thu gom, xử lý CTRCN khá cao
Theo Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2022 và định hướng giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý CTRCN đạt trên 90% khối lượng phát sinh. Đối với một số loại CTR đặc thù như tro xỉ, thạch cao, việc đảm bảo yêu cầu môi trường khi thực hiện tái chế đã được quan tâm triển khai. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, Đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất và vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng”.
Theo đó, 100% số nhà máy, nhiệt điện, hóa chất phân bón đang hoạt động đã có đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ được phê duyệt. Tình hình xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các đơn vị có xu hướng gia tăng theo thời gian, đến năm 2021 đạt khoảng 14 triệu tấn (tăng 3,5 triệu tấn so với năm 2020, tăng 7,5 triệu tấn so với năm 2019), đạt 87% tổng lượng phát thải trong năm (tăng 48,5% so với năm 2018, năm 2020 con số này là 60%, năm 2019 là 50%, năm 2018 là 38,5%). Tính đến cuối năm 2021, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 48,4 triệu tấn, đạt trên 50% tổng lượng phát thải từ trước tới nay (tăng hơn 7% so với thời điểm cuối năm 2020). Nhiều nhà máy nhiệt điện đã tiêu thụ 100% lượng tro xỉ thải ra trong năm, đặc biệt, có những nhà máy đã tiêu thụ được cả phần tro, xỉ tồn trữ tại bãi chứa (các nhà máy nhiệt điện: Cẩm Phả 241%, Quảng Ninh 132%, Cao Ngạn 105%, Nghi Sơn 109%, Formosa Hà Tĩnh 106%).
Những số liệu nêu trên cho thấy, với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, công tác quản lý CTRSH đã có những chuyển biến đáng kể. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về CTR, Bộ TN&MT đã đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ xây dựng Danh mục công nghệ xử lý CTRSH tại Việt Nam làm cơ sở cho các địa phương triển khai áp dụng. Rà soát, xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH ở Việt Nam. Thiết lập mạng lưới các cơ sở xử lý CTR tập trung theo hướng liên vùng, liên tỉnh với công nghệ phù hợp theo từng vùng, miền. Xây dựng nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý CTR, CTNH tập trung cấp vùng, cấp quốc gia để lồng ghép trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia…