Từ hàng vạn cây bồ đề xanh mướt…
Bồ đề là một loài cây mang ý nghĩa thiêng liêng trong Phật giáo đối với các quốc gia ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Ninh Bình, nhiều năm trở lại đây cây Bồ đề được trồng nhiều ở các khu di tích, điểm du lịch. Trong đó, trồng nhiều nhất là tại tuyến đường vào khu du lịch Tràng An- Bái Đính…
Dọc con đường Tràng An, có hàng vạn cây Bồ đề xanh mướt, với hàng triệu triệu chiếc lá mà không ai nghĩ đến khai thác như ở đất Phật xa xôi.
Cơ duyên đến, năm 2018, trong một lần xem chiếc lá Bồ đề khô của một người bạn đem về từ Ấn Độ, anh Hoàng Thanh Phương sinh năm 1984) – chủ phòng tranh Bồ đề Tây Phương đã ấp ủ ý tưởng chế tác các vật phẩm từ lá Bồ đề. Chia sẻ ý tưởng này, anh Phương được Vũ Trung Đức (sinh năm 1988) - Giám đốc HTX Sinh Dược nhiệt tình hưởng ứng. HTX Sinh Dược cũng đang chế xuất và kinh doanh các sản phẩm tự nhiên như tinh dầu, xà phòng thảo dược, muối ngâm chân…
Cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu, cả Phương và Đức đều nhận thấy tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch từ những chiếc lá Bồ đề là hoàn toàn khả thi vì Ninh Bình là tỉnh đang có sự phát triển du lịch mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch tâm linh. Những câu chuyện liên quan đến chiếc lá Bồ đề ở vùng đất Cố đô đường như là nguồn tư liệu vô tận để giới thiệu với du khách khi Ninh Bình có chùa Bái Đính- công trình lập nhiều kỷ lục thế giới cũng là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo lớn nhất cả nước.
Lương Thanh Tùng, xã viên HTX Sinh dược cho biết, nguồn nguyên liệu dồi dào là hàng ngàn cây Bồ đề được trồng dọc tuyến đường Tràng An-Bái Đính vào mỗi tháng 7, tháng 8 hàng năm sẽ cho thu hái vì đây là thời điểm chuẩn bị vào thu, lá Bồ đề sắp rụng. Bên cạnh đó, để có nguồn nguyên liệu chủ động cho sản xuất, HTX Sinh Dược còn trồng khoảng gần 1 ha cây Bồ đề.
Từ một loài cây mang ý nghĩa tâm linh thuần túy, dưới sự sáng tạo, mạnh dạn khám phá của ông chủ phòng tranh Bồ đề Tây Phương và giám đốc trẻ tuổi của Giám đốc HTX Sinh Dược, qua bàn tay khối óc của những người thợ, cây Bồ đề với sản phẩm đặc trưng là những chiếc lá đã đi vào đời sống xã hội thông qua các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, trong đó nổi bật là tranh lá Bồ đề.
…tạo nên hàng nghìn bức tranh đầy triết lý Phật giáo
Những chiếc lá Bồ đề được bóc tách phần thịt lá, giữ nguyên phần xương được chế biến thành những món đồ lưu niệm và nhận được những phản hồi khá tích cực.
Theo Lương Thanh Tùng, để làm ra một bức tranh lá Bồ đề, đó là hành trình khá dài. Vào tháng 7, tháng 8, các xã viên HTX Sinh dược sẽ tham gia thu hái lá bởi đây là thời điểm xương lá dày dặn, thời tiết thuận lợi cho việc ngâm, chải lá.
Lá hái về sẽ cho ngâm trong nước vôi 60 ngày để lấy xương lá rồi chải sạch giữ lại đường gân, đem khơi nắng. Sau đó nhuộm màu để chiếc lá chính thức trở thành nguyên liệu làm nên các sản phẩm theo ý tưởng của những người thợ; tranh lá Bồ đề theo chủ đề, viết chữ thư pháp trên lá hay tạo thành các sản phẩm tạo hình kết hợp từ thân cây, gỗ, rơm khô… Mang hai màu chủ đạo là “trắng” (sự thuần khiết) và “vàng” (biểu tượng của Phật giáo, là sự giác ngộ), mỗi tác phẩm tranh lá Bồ đề gắn với những ý nghĩa cụ thể, mang tính chất hướng Tâm, hướng Thiện.
Thông thường, mỗi bức tranh tùy vào kích thước khác nhau sẽ mất từ 20 - 30 ngày để hoàn thành. Đối với những bức tranh pha trộn thêm chất liệu khác như gỗ, đá… thời gian còn lâu hơn, bởi quy trình chế tác rất khắt khe, tỷ mẩn. Thậm chí, còn phụ thuộc vào cảm hứng sáng tạo của những người thợ…
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mẩn của người thợ, bởi chất liệu lá Bồ đề rất mỏng manh. Tuy nhiên, khi gắn kết vào nhau bằng chất keo đặc biệt, lại tạo ra các đường nét hài hoà.
Ghi dấu ấn vùng đất Tràng An
Trăn trở tìm hướng phát triển lá bồ đề thành sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình, ông chủ phòng tranh Bồ đề Tây Phương Phương lại “vắt óc” suy nghĩ để mỗi chiếc lá khi cho, tặng sẽ có ý nghĩa hơn. Anh nghiên cứu và tạo ra cúp pha lê lá bồ đề, sau đó in biểu tượng du lịch nổi tiếng của Ninh Bình vào chiếc lá. Kể từ đây, sản phẩm của anh được nhiều người lựa chọn mua để làm quà biếu, tặng.
Để nâng giá trị nghệ thuật và thương hiệu, anh Phương tiếp tục nghiên cứu và cho ra các dòng sản phẩm lưu niệm có giá trị cao về mặt nghệ thuật như: cúp pha lê lá bồ đề, lá bồ đề dát vàng, thập bồ đề hoa thiên đăng, thư pháp trên lá bồ đề…
Trong đó, những tác phẩm tranh có giá trị cao như: Bồ đề nghìn năm, khổng tước song toàn, hồng phúc bồ đề, đại thụ nghìn năm, phật tâm bồ đề… Những tác phẩm tranh lá bồ đề có giá trị cao này được anh Phương bán ra với giá hàng chục triệu đồng.
Đến nay, cơ sở sản xuất các sản phẩm về lá bồ đề của anh Phương đã có được tiêu biểu trong tỉnh mà còn được tỉnh Ninh Bình nộp hồ sơ đề xuất Trung ương công nhận là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Bình.
Sau chặng đường gắn bó với lá Bồ đề, những người trẻ ở vùng đất Cố đô này mong muốn, con đường có hàng vạn cây Bồ đề dẫn vào Tràng An – Bái Đính sẽ được đặt tên là “Con đường Bồ Đề”, để trong tiềm thức mỗi người, khi đi trên con đường đó sẽ hướng Tâm về đất Phật. Và đến một lúc nào đó, mỗi người về với đất Cố đô, về với chùa Bái Đính, sẽ tự tay trồng một cây Bồ đề, ươm mầm Thiện – Tâm, tạo ra một rừng cây Bồ đề.