Cây di sản gắn với sự sinh tồn người ngư chài
Sau 45 năm giải phóng chiến đấu xây dựng và trưởng thành, quần đảo Trường Sa đã “khoác” lên mình màu xanh của hàng trăm loài cỏ cây hoa lá. Một trong những loài cây được coi có sức sống mãnh liệt, chịu đựng được tàn phá của thiên nhiên biển mặn và có thời gian sinh trưởng lâu nhất là phong ba, mù u và bàng vuông. Và đây cũng chính là những cây được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là loài cây di sản của đảo Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió.
Cây phong ba trên đảo Song Tử Tây, ảnh Nguyễn Ninh |
Trước hết nói đến phong ba trên đảo Song Tử Tây “an tọa” phía sau Sở chỉ huy của đảo. Chiều cao cây tính từ mặt đất 25 mét, chu vi thân cây 3,8 mét, tán rộng 35 mét. Ngày 14/4/1975, khi Song Tử Tây được giải phóng thì cây đã thuộc vào hàng cổ thụ trên đảo.
Trung tá Nguyễn Đức Độ - Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch xã Song Tử Tây cho biết, cây phong ba này có tuổi thọ gần ba trăm năm và nó gắn liền với sự có mặt của ngư chài- những ngư dân ở tỉnh Phú Khánh xưa kia đi thuyền ra Trường Sa (doi cát vàng giữa biển) đánh bắt hải sản và trao đổi hàng hóa với tàu thuyền nước ngoài từ thế kỷ XVII.
Sự có mặt của cây phong ba ở đảo Song Tử Tây cũng không phải do những ngư chài tự tay trồng, mà nó mọc tự nhiên ở triền đảo. Khi những ngư chài ra đảo Song Tử Tây khai thác đánh bắt thủy hải sản, cây phong ba này đã có mặt.
Mặc dù thời tiết khí hậu lúc đó vô cùng khắc nghiệt, nhất là độ mặn của nước biển và tàn phá của thiên nhiên, song kỳ diệu thay, cây phong ba vẫn vươn dài trong nắng gió. Biết đây là loài cây có sức sống mãnh liệt, chịu được khí hậu hanh khô, sống bền vững trong nước biển mặn, những ngư chài lúc đó đã chăm sóc và có ý định bảo tồn.
Trước khi trở về đất liền sau những chuyến biển dài ngày, những ngư chài cũ lại bàn giao cho “kíp” ngư chài mới về sự có mặt của cây phong ba trên đảo Song Tử Tây. Mặc dù “sự bàn giao” không có giấy tờ văn bản, nhưng tất cả ngư chài lúc đó đều có ý thức bảo vệ gìn giữ và coi đó là cây đặc trưng của ở “quần đảo bão tố”.
Một trong bốn cây được công nhận di sản nữa là cây mù u ở đảo Sơn Ca. Đây cũng là có niên đại 300 năm tuổi. Tán lá rộng khe khắp cả một khoảng sân lớn, chu vi cây tính cả các “chay tay tỏa ra” đến 4 người ôm. Khác với các đảo nổi, đảo chìm khác, Sơn Ca là đảo duy nhất được phát hiện có mạch nước ngọt sớm nhất sau ngày giải phóng và đây cũng là đảo có lớp mùn đất dầy nhất, nhiều chim muông nhất và cây xanh nhiều nhất.
Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết, đảo Sơn Ca hiện có trên 3.000 cây lâu năm như: bàng vuông, tra, mù u, dừa… nhiều cây có tuổi đời trên 60 năm, trong đó cây mù u được công nhận là di sản có 300 năm tuổi. “Việc công nhận câu mù u đảo Sơn Ca là cây di sản không chỉ không chỉ khẳng định được ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, mà khẳng định rằng, sự có mặt của người Việt trên đảo Sơn Ca từ rất sớm.
Cây bàng quả vuông trên đảo Nam Yết, ảnh Nguyễn Ninh |
Sau ngày giải phóng, Sơn Ca có thêm hàng ngàn cây xanh được nhân giống và đem ra từ đất liền. Mặc dù thời tiết thay đổi khá khắc nghiệt, nhưng cây xanh ở đảo được chăm sóc chu đáo. Mỗi cây có độ tuổi từ 60 năm đến 30 năm đều gắn với những câu chuyện kể về sự sinh trưởng và quá trình chăm bón của cán bộ chiến sĩ đối với từng cây”, Trung tá Chiến cho biết.
Hai cây được công nhận là di sản tiếp theo là cây bàng vuông ở đảo Nam Yết và cây mù u ở đảo Sinh Tồn. Cây mù u ở đảo Sinh Tồn có gần 100 năm tuổi, còn cây bàng quả vuông ở đảo Nam Yết đã tồn tại 300 năm. Dưới gốc cây bàng 300 năm tuổi này đặt ghé đá hình vuông- đây cũng là điểm hẹn tâm tình, vơi bớt mồ hôi nhọc nhằn của cán bộ chiến sĩ lúc giải lao hoặc sau giờ huấn luyện.
Khẳng định giá trị chủ quyền
Nhân ngày Môi trường thế giới 5/6, vừa qua, UBND huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức Lễ trao Bằng công nhận và bia cho 4 cây di sản Việt Nam trên ba đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Bố cây này gồm: Cây phong ba trên đảo Song Tử Tây; cây mù u trên đảo Sơn Ca; cây bàng quả vuông 8 nhánh trên đảo Nam Yết. Các cây này đều có tuổi đời từ 100 đến trên 300 năm.
Bộ đội Trường sa các đảo nhận Bằng công nhận cây di sản Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Ninh |
Theo Giáo sư - TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch VACNE, tính đến thời điểm này, tại tỉnh Khánh Hòa có 19 cây di sản, trong đó có 15 cây trên đất liền và 4 cây di sản trên các đảo ở quần đảo Trường Sa. “Cả bốn cây được công nhận là di sản là những cây thân gỗ, đa phần là cây thân gỗ cổ thụ, có từ lâu đời và có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch được pháp luật cũng như cộng đồng công nhận và bảo vệ.
Người lính trẻ và cây Phong ba trê đảo Sơn Ca. Ảnh Lê Khanh |
Việc công nhận bốn cây di sản Trường Sa nhằm vinh danh, tuyên truyền, quảng bá những giá trị của cây xanh, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường Việt Nam. Đặc biệt ở huyện đảo Trường Sa, cây phong ba và bàng vuông luôn được coi như loài cây đặc chủng dành riêng cho vùng biển đảo ở Việt Nam”- ông Đăng cho biết.
“Việc công nhận và cấp bằng cho 4 cây di sản ở Trường Sa không chỉ không chỉ khẳng định được ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, hóa giáo dục truyền thống, và sự có mặt của người Việt trên đảo Trường Sa từ rất sớm; mà còn minh chứng với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa là mảnh đất bất khả xâm phạm của Việt Nam- một đất nước có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán độc lập như những quốc gia khác”. |