Những bạn trẻ “vác” gạch xây trường cho trẻ em vùng cao

Phạm Yến| 07/07/2020 16:23

(TN&MT) - Đó là các bạn trẻ trong Câu lạc bộ (CLB) “Bạn thương nhau” ở TP. Đà Nẵng. Với hơn 10 năm hoạt động công tác thiện nguyện các bạn đã xây dựng 13 trường học ở vùng cao, mang lại cho các em nhỏ những mái trường kiên cố để học tập, tiếp thêm động lực cho các thầy cô giáo yên tâm giảng dạy và lan tỏa những thông điệp yêu thương tới cộng đồng.

Anh Nguyễn Bình Nam trò chuyện với các em trong một ngôi trường tạm ở vùng cao

Xóa điểm trường tạm ở vùng cao

Anh Nguyễn Bình Nam - Chủ nhiệm CLB "Bạn thương nhau" cho biết, CLB thành lập từ tháng 6/2010 lúc đó chỉ có 10 thành viên và mục đích thành lập ban đầu của CLB là tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, năm 2012, khi tổ chức chương trình tết vùng cao tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) chứng kiến trường học tạm bợ ở thôn Nước Ui, xã Trà Mai đã khiến các thành viên trong CLB không thể cầm lòng.

Ngôi trường được dựng cheo leo trên triền núi với gỗ và mái tôn thủng lỗ chỗ, nền đất gặp mưa nên lầy lội. Đồ đạc trong phòng học chỉ có vài chiếc bàn ghế cũ, có một cái bảng bị rách cũng phải chia đôi, một bên lớp một, một bên lớp hai.

Khi trở về thành phố, CLB đã quyết tâm xây một ngôi trường kiên cố cho các em ở thôn Nước Ui. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng hình ảnh các em nhỏ ngồi học bị nước mưa dột ướt, chân tay lẩy bẩy vì thấm lạnh đã thôi thúc các bạn trẻ CLB Bạn thương nhau. Sau nhiều chuyến đi tiền trạm, lo các thủ tục, vận động quyên góp, 7 tháng sau ngôi trường đã được hoàn thành với chi phí khoảng 120 triệu đồng. Ngôi trường có hai phòng học kiên cố, mỗi phòng học rộng 56m2, đ có đầy đủ bàn ghế, bảng, sách vở mới tinh cho 60 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4.

Nhìn cô và trò vui mừng, hạnh phúc trong ngày nhận trường anh Nam cùng với các thành viên trong CLB cũng vui mừng theo, và nhận ra những đứa trẻ vùng cao thiếu thốn đủ thứ nhưng thứ chúng thiếu nhất là điều kiện học hành. Muốn các em có một tương lai tươi sáng, muốn thay đổi cuộc sống nghèo khổ vùng cao phải bắt đầu vun trồng từ các em. Từ đó, CLB quyết định chuyển sang hoạt động tình nguyện về giáo dục miền núi.

Con đường lên các thôn, xã vùng cao các thành viên CLB Bạn thương nhau phải đi bộ hàng km, vượt đèo lội suối

13 điểm trường được hoàn thành ở những vùng núi Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum trong hơn 10 năm hoạt động là con số không hề nhỏ cả về số lượng lẫn kinh phí mà CLB Bạn thương nhau mang lại. Từ điểm trường đầu tiên với kinh phí chỉ hơn một trăm triệu, đã có những điểm trường xây dựng đến 600 triệu đồng. Tất cả đều bảo đảm về sự kiên cố, có phòng học, phòng cho các thầy cô giáo sinh hoạt, bếp, nhà vệ sinh…

Để có một ngôi trường kiên cố như vậy CLB đã không ngừng kêu gọi, ra sức vận động kinh phí từ các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân. Nhiều lúc đang triển khai xây dựng trường thì số tiền xây dựng đôn lên quá cao so với dự toán và số tiền mà CLB đã vận động được, thế là các bạn trong CLB lại phải vừa xây dựng vừa đi kêu gọi thêm, cố làm sao để hoàn thành ngôi trường cho các em theo đúng tiến độ.

Không chỉ vậy, để vận chuyển vật liệu xây dựng lên các điểm trường, rồi thì kêu gọi người dân tham gia giúp sức còn gian nan bội phần. Anh Nam cho hay cũng một trường học như thế ở dưới đồng bằng xây chỉ khoảng nửa tháng nhưng ở vùng cao thì ít nhất cũng phải hai tháng. Thứ nhất vì ở các vùng núi cao thường có mưa rừng, thứ hai đường sá nhỏ hẹp, cheo leo, có chỗ còn sạt lở, xe không đi được nên phải vận chuyển vật liệu bằng sức người.

Một điểm trường vừa hoàn thành với phòng học kiên cố, sạch sẽ

“Nhớ đến điểm trường Ông Deo (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), mất gần một năm mới hoàn thành. Đó là ngôi trường vất vả nhất mà CLB hoàn thành. Trường Ông Deo vừa rất xa, lại phải vận chuyển bằng sức người. Nào tôn, thép, gạch, cát… đều phải “cõng” gần hai tiếng đi bộ, qua đèo, qua núi mới đến nơi. Nếu không có dân bản giúp đỡ thì sức CLB cũng khó hoàn thành”, anh Nam nói.

Hiện tại, CLB đang kêu gọi để xây dựng điểm trường thứ 14 ở Cheng Tong (xã Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam). CLB cũng gây dựng được mạng lưới cộng tác viên, trường học, người dân để rút ngắn thời gian khảo sát, tìm kiếm địa điểm, kịp thời hỗ trợ những điểm trường cần thiết.

Và những hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa

Khi đến với vùng cao, gặp gỡ các em nhỏ, những đứa trẻ gầy gò, thấp bé, ngày ngày đi bộ cả chặng đường dài để đến trường với nắm cơm mang theo chỉ có rau rừng và muối, CLB Bạn thương nhau đã quyết tâm mang đến cho các em những bữa cơm có đầy đủ chất dinh dưỡng với cá, thịt, sữa. Từ đó, ngoài hoạt động chính là xây trường, CLB còn triển khai thêm các hoạt động “Bữa cơm miền núi”, “Tủ sách vùng cao”, “Én nhỏ vùng cao” và “Sữa vùng cao” để hỗ trợ thêm cho việc học tập của các em tại gần 20 điểm trường.

Các em hào hứng, phấn khởi khi vừa có quà lại được ngồi học trong ngôi trường vững chãi, mới tinh tươm

“Bữa cơm miền núi” và “Sữa vùng cao” là 2 chương trình được triển khai thực hiện từ năm 2015. Hoạt động này mang lại cho các em nhỏ vùng cao được ăn thịt 2 buổi/tuần, và hai hộp sữa/tuần... Hiện chương trình đang hỗ trợ cho hơn 800 bạn nhỏ tại 20 điểm trường miền núi của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỗi năm, kinh phí thực hiện Bữa cơm miền núi khoảng 200 triệu đồng và Sữa vùng cao từ 100 đến 190 triệu đồng.

Những hoạt động của CLB đã thực sự mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực giúp đỡ cho trẻ em vùng cao. Chính những kết quả đạt được đã tạo hiệu ứng lan toả mạnh mẽ, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng vào những hoạt động của CLB nên CLB ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ những mạnh thường quân.

Là thủ lĩnh của CLB Bạn thương nhau 10 năm qua, anh Nam bảo điều mừng nhất là bắt đầu thấy cuộc sống của các em nhỏ vùng cao được cải thiện nhờ sự quan tâm, chung tay của xã hội. Anh tin tưởng, rồi mai đây sẽ có thêm nhiều điểm trường kiên cố ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên mọc lên thay thế cho những điểm trường tạm bợ. Các em nhỏ sẽ có thêm thịt, thêm sữa trong mỗi bữa cơm, có thêm quần áo mới trong những ngày đông giá lạnh.

Còn với tất cả các thành viên của CLB thì điều làm họ cảm động, khâm phục, tiếp thêm động lực cho họ nhất đó là những câu chuyện về các giáo viên dưới xuôi lên cắm bản, cắm rừng để ở lại với học sinh và những đứa trẻ sống thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn luôn có nụ cười hồn nhiên, lễ phép và chăm chỉ học tập...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bạn trẻ “vác” gạch xây trường cho trẻ em vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO