Những bản hùng ca... bên dòng Nậm Rốm - Bài 2: Khởi nguồn mạch sống

04/07/2018 10:13

(TN&MT) - Nậm Rốm, dòng sông đã đi vào lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Hơn 60 năm sau ngày chiến thắng, dòng Nậm Rốm vẫn oằn mình chở nặng phù sa, vẫn lặng lẽ rửa trôi những ký ức hào hùng, những quá vãng đau thương, thù hận... Đôi bờ bồi lở giờ ngút ngàn xanh màu khoai, sắn... làng bản giờ đông đúc và ấm no.

nậm rốm 1
Cánh đồng Mường Thanh mang lại nguồn sống no ấm cho đồng bào Tây Bắc

Xuôi dòng Nậm Rốm...

Sông Nậm Rốm dài chừng 35km, khởi nguồn từ dãy Pú Huổi Luông, (tiếng dân tộc Thái nghĩa là núi suối to), trên độ cao hơn 2.100 mét. Con sông Nậm Rốm không phải mang tên cây gỗ Lát (co Rốm), mà gắn với biểu tượng của Khun Bó Dốm, một thủ lĩnh lừng danh của xứ Mường Trời thời khai thiên lập địa.

Trong quá khứ, sông Nậm Rốm mang trên mình vô vàn vết tích bởi những cuộc binh đao, tranh đoạt điêu tàn. Xa xưa, sông Nậm Rốm rộng và sâu đến mức các thuyền buôn Thái Lan, Lào, Miến Điện thường theo dòng Mê Kông - Nậm U, ngược dòng Nậm Rốm vào tận thung lũng Mường Thanh để giao thương. Dòng Nậm Rốm đã bao lần in bóng nghĩa quân áo vải Hoàng Công Chất đánh đuổi giặc phẻ, bảo vệ biên cương, giữ yên bản Mường. Và dòng Nậm Rốm vốn hiền hòa ấy bỗng trở thành dòng sông lửa, thiêu cháy giấc mộng ngoại xâm của giặc thù vào những năm 50, thế kỷ XX.

Đời tiếp đời, người dân Mường Thanh không bao giờ cúi đầu trước giặc ngoại xâm giằng xé bản mường, họ cùng nhau đoàn kết đồng sức, đồng lòng, bền gan vững trí đánh đuổi giặc xâm lăng, bảo vệ đất nước, xây dựng bản mường...

Trong ký ức của già Lò Văn Khôn (80 tuổi), dân bản Pa Pháy, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, kể: Già sinh ra và lớn lên tại đây, bản giáp với dòng Nậm Rốm quanh năm nước chảy. Trước đây, tôm cá trên sông nhiều không kể với nhiều loại cá mà bây giờ hiếm gặp. Mùa khô, sông Nậm Rốm hiền hòa là vậy, nhưng đến mùa mưa, nó trở nên hung dữ với những trận lũ lên tận sàn nhà. Qua nhiều năm tháng, con người sinh sôi nảy nở, bản làng đông đúc, hai bên bờ sông là các bản người Thái, Xá, Lào sinh sống qua nhiều thế hệ... Nên bây giờ, dòng sông thu hẹp lại, nước cũng ít đi, cá tôm không còn nhiều.

Theo lời già Khôn kể, Điện Biên có 2 mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 cho đến hết ngày 2/9 (dương lịch) là bước sang mùa khô. Có năm mưa sớm, mùa mưa bắt đầu vào tháng 4 và bao giờ cũng kết thúc sau ngày quốc khánh 2/9.

Mùa mưa ở đây mưa xối xả suốt ngày đêm, hết trận nọ sang trận kia, mưa tối tăm mặt mũi, mưa thối đất thối cát vài ba ngày mới tạnh. Tạnh được một vài hôm lại mưa tiếp... có khi mưa theo một quy luật, sáng nắng chiều mưa cứ đến quãng 3 giờ chiều mây, dông lại ùn ùn kéo về. Trời lại đổ mưa. Mưa đến nửa đêm thì tạnh. Thế nên, mùa mưa ở đây nhà nào cũng ngập, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai rời bỏ nơi này mà đi. Bởi họ biết, sau mỗi trận lũ ấy là mảnh đất nơi đây lại được bồi đắp thêm phù sa màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất. Năm qua đi, tháng qua đi, hai bên dòng Nậm Rốm khi lở, khi bồi đã tạo ra hàng trăm héc ta đất màu, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc của Điện Biên sống quây quần đông đúc cho đến tận hôm nay. 

Cầu C9 treo ngang qua dòng Nậm Rốm dẫn chúng tôi đến UBND xã Thanh Yên (một xã thuộc vùng lòng chảo của huyện Điện Biên). Đứng trên cầu nhìn xuống, những bãi bồi của dòng Nậm Rốm rộng mênh mông xanh mướt những ruộng ngô. Cả bãi bồi của xã Thanh Yên có khoảng 46ha diện tích đất màu ven sông. Và chính những diện tích đất màu đó đã góp phần tạo nên sản lượng lương thực đáng kể cho đồng bào Thái, Lào suốt từ nhiều năm qua.

Gia đình chị Lò Thị Hoàn, Đội 3, xã Thanh Yên, nhà chị có trên 2.500m2 diện tích đất màu ven sông. Gia đình chị chuyên canh trồng ngô 1 vụ và luân canh trồng củ đậu. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị thu lợi từ việc bán củ đậu được khoảng 70 triệu đồng/vụ, chưa kể trồng ngô. Nhờ canh tác trên diện tích đó, kinh tế gia đình chị đỡ vất vả hơn, nuôi được 2 con theo học đại học.

Rời xã Thanh Yên, chúng tôi xuôi về xã Noong Luống, nơi dòng Nậm Rốm bắt đầu hòa mình vào suối Nậm Núa trước khi chảy sang nước bạn Lào. Tại đây, chúng tôi được thưởng thức món cá suối nướng vô cùng thơm ngon của gia đình ông Quàng Văn Phích, đội 13, xã Noong Luống. Là một trong 2 hộ dựng chặng cá ở khu vực ngã ba sông này, nên việc tận hưởng các món cá suối ngon với ông Phích là điều không khó.

Ông Phích kể: Trước đây, ngày nhiều, mình cũng bắt được trên chục cân cá, ngày ít cũng phải dăm ba cân. Mọi chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học lúc bấy giờ, đều nhờ từ việc bắt cá từ dòng Nậm Rốm. Chặng cá đã giúp gia đình mình trong những tháng ngày vất vả... và đó cũng là nguồn mưu sinh cho việc lấy ngắn nuôi dài chờ khi vườn bưởi của mình cho thu hoạch. Đến nay, vườn bưởi của gia đình đã phát triển tốt, thu nhập hàng năm lên tới trên 300 triệu đồng, trừ chi phí.

Những gia đình phát triển kinh tế nhờ diện tích đất màu do dòng Nậm Rốm tạo nên không hiếm. Điểm chung ở họ đều là những con người biết vươn lên từ đất, biết yêu đất từ nỗi vất vả nhọc nhằn...

nậm rốm 2
Dòng sông Nậm Rốm

... mạch nguồn vựa lúa Mường Thanh

Trước mặt chúng tôi là thung lũng Mường Thanh, rộng chừng 140km2 được bao quanh bởi những ngọn núi xanh lam, màu chàm lô nhô bồng bế nhau chạy mãi... Cánh đồng Mường Thanh đã nuôi sống bao thế hệ người đồng bào dân tộc nơi  đây. Đồng Mường Thanh gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ. Người dân bắt đầu chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới. Giữa trưa tháng 6, những lát đất nằm nghiêng màu nâu gụ, tựa vào nhau đợi nắng lên dầm mình trong cơn ải. Để nay mai, bừa người dân gieo xạ...

Truyền thuyết của người Thái kể rằng, ngày xửa ngày xưa, Mường Thanh gắn liền với một người khổng lồ có sức khỏe phi thường tên là Ải Lậc Cậc. Ải Lậc Cậc là người có công khai sơn phá thạch làm nên núi đồi, ruộng đồng, sông suối ở vùng Tây Bắc nước ta. Là người khổng lồ nên công việc cũng khổng lồ, luống cày của ông đã làm nên sông Ðà, sông Hồng, còn các mô đất từ luống cày chưa kịp bừa thì làm nên các dãy núi bao quanh thung lũng. Sau khi bừa xong cánh đồng Mường Thanh để làm ruộng gieo mạ, Ải Lậc Cậc lại chuyển sang khai phá cánh đồng Mường Lò, Mường Tấc.

Bỏ qua những yếu tố huyễn hoặc của truyền thuyết, điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là cánh đồng Mường Thanh giống lúa nào gieo xuống cũng trở nên dẻo, thơm... Có lẽ do thổ những, khí hậu và nguồn nước tắm mát cho cánh đồng được lấy từ dòng Nậm Rốm đã tạo nên thương hiệu gáo tám thơm, ngon nức tiếng.

Vắt mình ngang qua thung lũng Mường Thanh, dòng sông Nậm Rốm hiện ra như một nét vẽ xanh biếc giữa cánh đồng vàng rộng lớn. Hai bên bờ sông, những bãi ngô xanh mướt đang vội trổ cờ, điểm xuyết là những bông chuối đỏ nghiêng mình soi bóng xuống lòng sông.  Đổi thay cùng với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, đến nay, “dòng sông nhân chứng” ấy vẫn âm thầm chảy, chắt chiu sự sống, mạch nguồn cho cánh đồng Mường Thanh trở thành bờ xôi ruộng mật.

Khởi nguồn từ phía Bắc của huyện Điện Biên, sông Nậm Rốm chảy qua TP. Điện Biên Phủ, uốn khúc cùng bao bản làng trước khi hòa mình vào dòng sông Nậm Núa. Nếu như đồng bào dân tộc Mông, Hà Nhì... chọn cho mình các sườn núi cao để sinh sống, đồng bào Thái, Lào lại chọn những nơi có nguồn nước để định cư. Đấy là lý do dọc dòng sông Nậm Rốm chủ yếu gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của đa phân đồng bào dân tộc Thái - Lào.

Trong tiềm thức của những người Thái nơi đây, dòng Nậm Rốm như một “vũ khúc” của xứ Mường Trời gắn với những lời ca, tiếng hát của những chàng trai, cô gái... Dòng Nậm Rốm uốn lượn như điệu xòe của tình đoàn kết, của đôi lứa giao duyên, say đắm lòng người: “Không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi…” Và chúng tôi không thể mường tượng ra, nếu như không có dòng sông Nậm Rốm ấy, lòng chảo Mường Thanh hôm nay sẽ đổi thay thế nào?

Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến ngày nào.Chia cánh đồng Mường Thanh thành 2 dải Đông - Tây, chỉ khi công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được hình thành, dòng sông Nậm Rốm mới hoàn thành xứ mệnh là lá phổi xanh, xương sống, mạch nguồn của lòng chảo Mường Thanh rộng lớn.

Vượt qua quá khứ đạn bom, những mất mát đau thuơng của một thời chiến tranh hoa lửa. Gần chục năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên 2.000 thanh niên xung phong từ mọi miền tổ quốc đã bắt tay vào xây dựng hồ thủy lợi Pa Khoang và công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm. Bằng đôi tay trần và bàn chân đất, họ đã chinh phục thiên nhiên, làm nên Công trình Ðại thủy nông lớn nhất Tây Bắc lúc bấy giờ.

Nghẹn ngào khi nhắc lại những người đã cống hiến, đã hy sinh vì Đại thủy nông Nậm Rốm, tôi nhớ những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

             "Xuân sang hoa nở bốn mùa

              Dòng sông Nậm Rốm đã thua sức người

              Sức ta đào núi vá trời

              Sức ta đưa lại cuộc đời ấm no

              Ấm no không phải trời cho

             Người làm ra nước sức to hơn trời."

Nhờ có công trình thủy nông này, cánh đồng Mường Thanh ngày càng được mở rộng. Nếu năm 1984, tổng diện tích lúa 2 vụ của tỉnh Điện Biên là gần 2.400ha, đến năm 2017, tổng số diện tích lúa 2 vụ của tỉnh này đã tăng lên hơn 7.000ha. Tỉnh Điện Biên từ chỗ thiếu lương thực, đến nay, đã có thể cung cấp lương thực cho các địa phương khác. Trên hành trình từ thụ động đến chủ động trong lương thực, là những nỗ lực phi thường, trí tuệ và sự đóng góp của lớp lớp nông dân Điện Biên...

Ngày nay, bên dòng Nậm Rốm ấy, bao bản làng đã vươn mình trong diện mạo mới, cùng nhau phát triển, xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc. Và cho dù dòng Nậm Rốm ít nhiều đã bị đổi thay, trải qua những thăng trầm, dòng sông ấy vẫn luôn là mạch nguồn nuôi sống cánh đồng Mường Thanh của dải đất xứ Mường Trời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bản hùng ca... bên dòng Nậm Rốm - Bài 2: Khởi nguồn mạch sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO