Như Xuân (Thanh Hóa): Xây dựng xưởng sản xuất bột giấy trái phép trên đất giao khoán sản xuất nông, lâm nghiệp

18/02/2019 16:10

(TN&MT) – Nhận khoán đất của Lâm trường Sông Chàng với mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, thế nhưng gia đình bà Trần Thị Kim Thúy đã tự ý thay đổi hiện trạng sử dụng đất, xây dựng nhà xưởng và đi vào sản xuất bột giấy. Bên cho thuê đất cũng đã lập biên bản, yêu cầu dừng thi công tháo dỡ và trả lại hiện trạng đất, thế nhưng xưởng sản xuất bột giấy vẫn án ngữ và hoạt động chui nhiều năm nay.

Theo hợp đồng số 48 HĐK ngày 01/5/2004 giữa ông Phạm Tiến Tao, Giám đốc Lâm trường Sông Chàng (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng) và bà Trần Thị Kim Thúy thuộc đơn vị Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp – vận tải Quyết Tâm có trụ sở tại khu phố III, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân cùng nhau ký hợp đồng khoán đất với diện tích 7.616m2, tại lô 1a, khoảnh 01, tiểu khu 623 trong địa phận Lâm trường Sông Chàng quản lý.

Xưởng sản xuất bột giấy xây dựng trái phép trên đất sản xuất nông, lâm nghiệp.
Xưởng sản xuất bột giấy xây dựng trái phép trên đất sản xuất nông, lâm nghiệp.

Mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp theo quy định của Lâm trường. Biện pháp kỹ thuật trong sử dụng đất: thực hiện trồng cây, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và chế biến sản phẩm theo quy trình kỹ thuật của từng loại cây, từng sản phẩm theo quy định của Nhà nước. Cải tạo bồi dưỡng đất, không làm xói mòn thoái hóa đất. Trong điều 3 của hợp đồng cũng yêu cầu bên nhận khoán sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch của bên giao khoán.

Thế nhưng, gia đình bà Trần Thị Kim Thúy đã tự ý thay đổi hiện trạng và mục đích sử dụng đất, tiến hành xây dựng nhà xưởng và đưa vào sản xuất bột giấy trên phần diện tích đất nhận khoán của Lâm trường Sông Chàng.

Trước thực trạng đó, vào ngày 07/01/2014 Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng có biên bản kiểm tra tình hình sử dụng đất nhận khoán đối với bà Trần Thị Kim Thúy.

Kết quả kiểm tra như sau: Căn cứ hợp đồng giao khoán đất thì gia đình bà Trần Thị Kim Thúy được làm lán trại để cất giữ dụng cụ, vật tư, sản phẩm theo quy định của Ban quản lý, nhưng gia đình đã tự ý xây dựng phân xưởng sản xuất bột giấy trên diện tích đất giao khoán không được sự đồng ý của Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng, sử dụng đất không đúng mục đích, trái với các quy định trong hợp đồng giao khoán đất và trái với Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.

Biên bản giao khoán đất với mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp giữa Lâm trường Sông Chàng và bà Trần Thị Kim Thúy
Biên bản giao khoán đất với mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp giữa Lâm trường Sông Chàng và bà Trần Thị Kim Thúy

Đồng thời, Biên bản cũng đề nghị gia đình bà Trần Thị Kim Thúy ngừng ngay việc xây dựng phân xưởng sản xuất bột giấy trên diện tích đất giao khoán giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng và gia đình vì đã vi phạm hợp đồng giao khoán và quy định của luật đất đai hiện hành. Yêu cầu gia đình có biện pháp để khắc phục trả lại nguyên trạng đất theo đúng quy hoạch sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông - lâm nghiệp trước ngày 30/04/2014. Nếu sau ngày 30/04/2014 gia đình vẫn không tiến hành di chuyển và chấp hành theo đúng quy định thì Ban quản lý sẽ báo cáo các ngành chức năng có thẩm quyền để giải quyết.

Thế nhưng sau đó, gia đình bà Trần Thị Kim Thúy vẫn chây ì không tháo dỡ trả lại hiện trạng đất, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng tiếp tục có biên bản ngày 01/05/2014 yêu cầu bà Thúy di chuyển, trả lại nguyên trạng đất theo đúng quy hoạch sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp và chấp hành theo đúng nội dung hợp đồng giao khoán 2 bên đã ký kết.

Trao đổi với PV, ông Hàn Văn Huyền, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng thừa nhận: Việc gia đình bà Trần Thị Kim Thúy tự ý thay đổi hiện trạng và mục đích sử dụng đất sang xây dựng xưởng sản xuất bột giấy là vi phạm hợp đồng giao khoán đã ký kết giữa 2 bên. Phía Ban quản lý khi phát hiện bà Thúy xây dựng vào thời điểm năm 2014 và đã có biên bản kiểm tra, yêu cầu gia đình bà Thúy tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất. Đây là lỗi của thời kỳ trước để lại, từ khi tôi lên làm giám đốc năm nào cũng gọi gia đình lên yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục mới được hoạt động tiếp?

Thế nhưng, từ năm 2014 tới nay, xưởng sản xuất bột giấy vẫn án ngữ tại thôn Tân Thành, xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân, trong khi đó các ngành chức năng vẫn “chờ đợi” đơn vị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục?!

Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin vấn đề này./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Như Xuân (Thanh Hóa): Xây dựng xưởng sản xuất bột giấy trái phép trên đất giao khoán sản xuất nông, lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO