Nho Quan (Ninh Bình): Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản

Tuyết Chinh| 04/03/2021 11:26

(TN&MT) - Để quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, những năm qua, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã có chính sách phù hợp bảo vệ nguồn khoáng sản tại địa phương; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Là huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình có địa hình chia làm 3 vùng cụ thể: Vùng đá vôi, vùng bán sơn địa và vùng chiêm trũng, mang lại cho huyện nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú như: đá vôi, đá dolomit, đất sét, than bùn, nước khoáng...

Trong đó, đá vôi tập trung chủ yếu ở các xã Kỳ Phú, Phú Long, Thạch Bình, Xích Thổ, Đức Long...; dolomit phân bố chủ yếu ở các xã Thạch Bình, Phú Sơn, Kỳ Phú; đất sét phân bố rải rác ở các xã Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường, Sơn Hà, Lạc Vân, Phú Sơn; than bùn phân bố chủ yếu ở các xã Thạch Bình, Phú Sơn, Sơn Hà; nước khoáng tại các xã Cúc Phương và Kỳ Phú có hàm lượng Magiebicarbonnat cao...

Tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ đá vôi đôlômit làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan. Ảnh minh hoạ

Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Trần Việt Hùng cho biết, những năm qua, đã có nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cấp phép đưa vào khai thác ở các quy mô khác nhau, để cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, của tỉnh.

Tính riêng trong giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn huyện có 29 mỏ đang hoạt động. Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm, coi trọng. Thông qua việc tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân.

Hàng năm, các cơ quan liên quan cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và các tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật. 5 năm qua, HĐND, UBND huyện Nho Quan, các phòng, ban liên quan đã tổ chức hàng chục đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản khu mỏ và quá trình vận chuyển của các mỏ, tại hàng chục doanh nghiệp khai thác khoáng sản như các nhà máy gạch, gốm sứ, sản xuất vật liệu xây dựng... trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, phối hợp đảm bảo tốt về an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản, góp phần hạn chế và chấm dứt các hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép. Đến nay, trên địa bàn huyện Nho Quan không còn các cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công; cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản nhỏ lẻ tại địa phương.

Theo ông Trần Việt Hùng, mặc dù vậy, qua kiểm tra, giám sát cho thấy công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, như: một số doanh nghiệp chưa chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, việc sử dụng chất nổ công nghiệp.

Đặc biệt, còn doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đã tác động tiêu cực đến môi trường, dân cư, gây bức xúc trong dư luận. Có doanh nghiệp đã thực hiện khai thác mỏ đất từ nhiều năm nay nhưng chưa đầy đủ thủ tục về cấp phép khai thác mỏ. Ngoài ra, còn một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, chưa có các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý nguồn chất thải nguy hại...

Để tiếp tục quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, thời gian tới, huyện Nho Quan tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình. UBND huyện Nho Quan tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị khai thác khoáng sản tổ chức thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, tự ý hạ thấp độ cao san gạt mặt bằng. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nho Quan (Ninh Bình): Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO