Nhìn nhận đúng vai trò của các tổ chức xã hội trong ứng phó BĐKH

Việt Anh| 24/11/2020 12:03

(TN&MT) - Các tổ chức phi Chính phủ (NGO), tổ chức xã hội dân sự (CSO) đóng vai trò cầu nối trung gian nhiều dự án quốc tế, hỗ trợ thiết thực trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam. Tiếng nói của họ ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, xã hội.

Đề cao tiếng nói của cộng đồng

Theo báo cáo của Nhóm công tác của các tổ chức Phi Chính phủ về BĐKH (CCWG), trong 6 tháng đầu năm 2020, viện trợ từ nước ngoài thông qua các tổ chức phi chính phủ để triển khai các dự án tại Việt Nam vẫn khả quan trong bối cảnh COVID-19. Nếu phân theo vùng địa lý thì có 4 vùng: Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung du miền núi phía Bắc đạt mức trên 10 triệu USD.

Nhiều dự án quốc tế, hỗ trợ thiết thực trong bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH tại Việt Nam.

Bà Claudia Ehing, Giám đốc Dự án BĐKH và năng lượng tại Việt Nam – đơn vị hiện đang tài trợ cho nhiều dự án BĐKH tại Việt Nam cho biết: Các tổ chức phí chính phủ đóng góp xây dựng hoạt động ứng phó BĐKH lấy con người làm trung tâm dựa trên bối cảnh sống và kiến thức bản địa của cộng động. Các vấn đề xã hội như bất bình đằng ngày càng tăng, và NGO/CSO đã nâng cao tiếng nói của các nhóm dễ bị tổn thương, người yếu thế - vốn là đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ BĐKH.

“Chúng tôi nhận thấy nhận thức cùa người Việt Nam về BĐKH được cải thiện rất nhiều. Mọi người quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và BĐKH. Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chính sách và nâng cao dần tính pháp lý, cho thấy một quá trình chuyển đổi đang diễn ra”, bà Claudia nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, đại diện CCWG, hoạt động của các NGO/CSO trong khoảng 7 năm trở lại đây tập trung vào nâng cao vị thế của cộng đồng ứng phó với BĐKH; xây dựng và thí điểm nhiều mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH, các-bon tại nhiều địa phương. Các dự án hướng tới phát triển tri thức bản địa truyền thống, thích ứng dựa trên hệ sinh thái, kết nối thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường sự trao đổi và hợp tác giữa Bộ, ngành và địa phương thông qua các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn... Từ đó, đóng góp cho chính sách quốc gia liên quan đến BĐKH.

Biến nguy thành cơ

Cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch COVID-19 giúp chúng ta nhìn nhận lại những giá trị cuộc sống và quan trọng nhất là cần xây dựng một nền kinh tế thân thiện với môi trường hơn trong tương lai.

COVID-19 cho con người thấy mình nhỏ bé trước tự nhiên như thế nào. Ngay cả những quốc gia giàu có nhất cũng trở nên thiếu hiệu quả trước dịch bệnh, ngay cả những con người dày dặn kinh nghiệm và kiến thức y học nhất như cũng trở nên lúng túng… Con người bỗng chốc bị xé toang vòng an toàn của mình.

Trước dịch bệnh, ai cũng nhận thấy giá trị của sức khỏe bằng việc chăm chỉ tập thể dục hơn, ăn uống, sinh hoạt điều độ hơn để tăng đề kháng. Nhưng chừng ấy không thể cải thiện môi trường nước, không khí, động thực vật, để giúp chúng ta sống sạch - sống xanh - sống khỏe. Trước COVID-19, nhiều quốc gia chợt bừng tỉnh là dịch bệnh, thiên tai có thể ập đến bất kỳ lúc nào và cuộc sống, môi trường sống do chính con người quyết định. Bớt cái tôi đi một chút, ý thức hơn vì cái chung, tương lai bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, tích cực ngày hôm nay.

COVID-19 là “phép thử” của tự nhiên trước con người. Dịch bệnh sẽ chẳng làm cho con người chết hết đi nhưng cũng như bao nhiêu loài động vật khác, qua một “phép thử” chỉ những kẻ mạnh mẽ nhất mới có thể tồn tại.

Những quyết định mà các quốc gia đưa ra trong quá trình phục hồi sau COVID-19 sẽ đặt nền tảng cho tăng trưởng lành mạnh và bền vững hoặc sẽ tiếp tục duy trì nền kinh tế phát thải cao và gây ô nhiễm trong nhiều thập kỷ tới. Các chính phủ có một cơ hội duy nhất để ưu tiên năng lượng và công nghệ xanh khi họ lập kế hoạch phục hồi của mình.

Nền kinh tế xanh tạo ra tăng trưởng bền vững và thêm nhiều việc làm, đồng thời, giải quyết những thách thức cấp bách liên quan về sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Và Việt Nam đang là một trong những quốc gia có sẵn những lợi thế để hành động sau COVID-19.

Cho tới nay, các chính phủ đã tập trung vào các biện pháp cứu trợ khẩn cấp trong bối cảnh ước tính 81% lực lượng lao động trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp phong tỏa. Với việc các nền kinh tế lớn đang lên kế hoạch triển khai các gói kích thích kinh tế để giảm nhẹ cú sốc mang tên COVID-19, nhiều nhà đầu tư, chính trị gia và doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội duy nhất để chuyển hướng sang "một tương lai các bon thấp".

Trong nguy cơ luôn có cơ hội. Và lúc này là cơ hội để mỗi người cần thay đổi tư duy về lợi ích, hạnh phúc, mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng và cả những nguy cơ đe dọa cuộc sống của cá nhân mình để cùng nhau xây dựng nên một xã hội tốt đẹp hơn.

Một Trái đất khỏe hơn bắt đầu từ sống xanh!

Phương Anh

 

Các tổ chức phi chính phủ về BĐKH tại Việt Nam cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Cục BĐKH (Bộ TN&MT). Một trong những thành công lớn của hoạt động hợp tác này là đã xuất bản những ấn phẩm về sinh kế bền vững với BĐKH, tiêu chí đánh giá các điển hình ứng phó BĐKH; cũng như xây dựng, hình thành các quan điểm của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế lớn về BĐKH. Những chính sách, chủ trương về BĐKH được triển khai nhanh hơn và gần gũi hơn với cộng đồng.

Cần xem xét các khuyến nghị từ các tổ chức phi Chính phủ

Bà Chu Thanh Hương, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH) cho biết, Bộ TN&MT đang rà soát, cập nhật Chiến lược quốc gia về ứng phó BĐKH, giai đoạn 2021 - 2030. Một trong những giải pháp thúc đẩy chiến lược là đẩy mạnh sự tham gia của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có các NGO/CSO. Đây là “nguồn” bài học kinh nghiệm cho xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược trong thời gian tới, đặc biệt ở cấp địa phương. Đó là kinh nghiệm về huy động tham gia của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH và đề xuất nội dung tham gia của cộng đồng; đánh giá tác động của BĐKH đối với phụ nữ và trẻ em, đề xuất các nội dung nhằm giảm thiểu những tác động này.

“Giai đoạn tới, các NGO cũng cần lựa chọn các hoạt động ưu tiên theo NDC cập nhật về thích ứng, giảm nhẹ phát thải lĩnh vực năng lượng, các hoạt động ưu tiên giới ở cộng đồng hay triển khai Kế hoạch thích ứng quốc gia, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” - bà Chu Thanh Hương chia sẻ.

Trong giai đoạn 2013 - 2017, các tổ chức phi Chính phủ đã huy động được nguồn lực lên tới 10,8 tỷ đô la để triển khai các dự án về BĐKH tại Việt Nam. Riêng năm 2015, con số này là 3,8 tỷ đô la.

Đại diện CCWG, bà Nguyễn Thị Yến cho rằng, Chiến lược ứng phó BĐKH quốc gia hiện đang thiếu cơ chế thúc đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và giữa chính phủ, chính quyền địa phương với NGO/CSO trong triển khai chiến lược và các dự án BĐKH. Ngoài cơ chế này, Chiến lược cần cần xây dựng thêm bộ dữ liệu đồng bộ về rủi ro khí hậu và thiên tai, cùng với đó xác định các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng phù hợp, có tham khảo các kết quả và kinh nghiệm từ NGO/CSO.

Chiến lược cũng cần làm rõ trách nhiệm và vai trò của các ngành, địa phương, doanh nghiệp và CSO trong giảm phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh hơn nữa việc huy động nguồn lực khối tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm nhẹ BĐKH, bảo hiểm thiên tai… Nếu phát huy tốt vai trò của các tổ chức phi Chính phủ trong thời gian tới, đây sẽ là kênh huy động nguồn lực quốc tế quan trọng để Việt Nam thực thi các Kế hoạch, Chiến lược về tăng trưởng xanh, ứng phó BĐKH trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn nhận đúng vai trò của các tổ chức xã hội trong ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO