Nhiều vướng mắc trong giao đất dịch vụ

21/07/2017 00:00

Hiện nay nhu cầu quỹ đất dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội là hơn 735ha và có 65.998 hộ gia đình, cá nhân thuộc tiêu chuẩn được giao.

Tính đến hết tháng 6-2017, toàn thành phố đã giao đất dịch vụ được hơn 287,8ha, cho 35.613 hộ gia đình, đạt 53,96%. Nhìn chung, kết quả giao đất dịch vụ đạt thấp do một số huyện, thị xã còn gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế và thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng...

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Triển khai thực hiện dự án khai thác mỏ puzơlan, có 92 hộ gia đình ở xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây) được hưởng chính sách giao đất dịch vụ bằng đất ở. Dự án đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 8.098m2 đất, trong đó có 5.100m2 đất ở. Nhưng các hộ dân ở đây hiện vẫn chưa được nhận đất dịch vụ, với lý do mức giá thu tiền sử dụng đất cao.

Cùng cảnh ngộ, huyện Mê Linh còn 6.134 hộ gia đình chưa được giao đất dịch vụ với tổng diện tích 14,2ha. Ông Nguyễn Sỹ Khoa, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Năm 2004, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định 2502/2004/QĐ-UBND, quy định hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi diện tích đất nông nghiệp từ hơn 40% trở lên để thực hiện các dự án khu, cụm, điểm công nghiệp… mới được giao đất dịch vụ. Theo đó, mỗi sào Bắc Bộ (360m2) bị thu hồi, hộ gia đình được giao đất dịch vụ tương ứng 10m2, mỗi cá nhân 2m2. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện các dự án đất dịch vụ, huyện Mê Linh gặp khó khăn về công tác rà soát tổng hợp hồ sơ, xác minh thời điểm thực hiện dự án…

Khu đất dịch vụ thôn Thanh Tiến (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) bị bỏ hoang gần 2 năm.
Khu đất dịch vụ thôn Thanh Tiến (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) bị bỏ hoang gần 2 năm.

Bên cạnh vướng mắc về cơ chế, vấn đề thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng kỹ thuật cũng là nguyên nhân khiến nhiều địa phương chưa thực hiện được dự án đất dịch vụ. Tại huyện Phúc Thọ, hiện còn 332 hộ gia đình thuộc các xã Long Xuyên, Xuân Phú, Vân Nam và Thượng Cốc chưa được giao đất dịch vụ, đất ở, với tổng diện tích 1,12ha. Nguyên nhân do kinh phí dự kiến chi để giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng kỹ thuật cho 4 dự án đất dịch vụ cần khoảng 22 tỷ đồng, nhưng UBND huyện Phúc Thọ cũng không bố trí được nguồn vốn và các đơn vị chủ đầu tư không ứng vốn.

Tại huyện Ứng Hòa cũng có một dự án đất dịch vụ trên địa bàn xã Liên Bạt, có 111 hộ dân được hưởng chính sách đất dịch vụ, với diện tích 6.545,4m2 đất và cần có hơn 18 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, vì huyện chưa bố trí được ngân sách nên nhiều năm nay, dự án chưa được triển khai…

Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện

Để giải quyết những khó khăn của huyện Mê Linh, tháng 3-2017, UBND TP Hà Nội đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường những giải pháp: “Đối với các dự án thu hồi đất từ thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực đến trước thời điểm Quyết định số 2502/2004/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc có hiệu lực, thì không giao đất dịch vụ, chỉ thực hiện bồi thường hỗ trợ bằng tiền theo quy định. Đối với các dự án thu hồi đất từ thời điểm Quyết định 2502/2004/QĐ-UBND có hiệu lực đến trước thời điểm Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ (về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần) có hiệu lực, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi hơn 30% diện tích đất nông nghiệp…”.

Tuy nhiên đến nay thành phố chưa nhận được ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nên nhiều dự án đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn “dậm chân tại chỗ”. Tương tự, nhằm mở “lối thoát” cho dự án đất dịch vụ xã Thanh Mỹ, tháng 1-2016, UBND thị xã Sơn Tây phải có văn bản tham mưu UBND thành phố xem xét, điều chỉnh giá thu tiền sử dụng đất để người dân đỡ thiệt thòi.

Liên quan đến kinh phí đầu tư cho dự án đất dịch vụ của các địa phương, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cho biết: Nhằm hỗ trợ các địa phương về nhu cầu ứng vốn, tính đến tháng 6-2017, Quỹ đã thực hiện kế hoạch phân bổ đợt một cho 34 dự án đất dịch vụ đủ điều kiện, với số vốn 709,3 tỷ đồng. Trên cơ sở nhu cầu của chủ đầu tư và qua rà soát, Quỹ tiếp tục đề nghị thành phố ghi vốn bổ sung đợt hai năm 2017 là 596,8 tỷ đồng cho 14 dự án đủ điều kiện.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành và địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017. Các huyện, thị xã phải tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ; rà soát các trường hợp được giao đất dịch vụ bảo đảm công khai, chính xác, đúng quy định. Tổ chức giao đất ngay đối với khu đất đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho các trường hợp đủ điều kiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét, đề xuất bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân. Các sở: Quy hoạch kiến trúc, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cũng đang tích cực phối hợp với các địa phương rà soát các dự án còn khó khăn về vị trí, vốn, thẩm định dự án… để nhanh chóng khắc phục vướng mắc, sớm giao đất dịch vụ cho nhân dân.

Theo HNMO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vướng mắc trong giao đất dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO