(TN&MT) - Tại Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP20) và Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10) đang diễn ra tại Lima, Peru, các quốc gia đã tham gia thảo luận, nhằm thể hiện quan điểm, lợi ích của mình trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại diện của 190 quốc gia thảo luận những vấn đề thuộc khuôn khổ Công ước khí hậu, Nghị định thư Kyoto, trong đó nổi bật là các nội dung của Nhóm Công tác Định hướng Durban (ADP). Các cuộc thảo luận này nhằm đi đến thống nhất xây dựng Thỏa thuận quốc tế 2015 về biến đổi khí hậu áp dụng cho tất cả các bên; đồng thời tăng cường kỳ vọng thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn trước năm 2020.
Trong việc xây dựng Thoả thuận toàn cầu về BĐKH (ADP) đã cho thấy sự khác biệt giữa các nhóm nước và giữa các nước. Ngay cả trong nhóm G77 và Trung Quốc, sự khác biệt đã được thể hiện khá rõ. Các cuộc họp của nhóm này hiện thường rất ít người tham dự và nhiều cuộc đã phải huỷ do số lượng hiện diện của các quốc gia quá ít.
Một phiên thảo luận tại COP 20
Cụ thể, theo Nhóm các nước đang phát triển, dự thảo tài liệu về các nội dung phục vụ xây dựng Thoả thuận toàn cầu 2015 chưa thể hiện nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt của Công ước, trong đó trách nhiệm tham gia cắt giảm phát thải của các nước các phát triển cần đi đầu với kỳ vọng cao hơn cùng với trách nhiệm hỗ trợ tài chính, tăng cường năng lực, giúp các nước đang phát triển ứng phó với BĐKH. Những vấn đề này được đề cập khá mờ nhạt, rất chung chung và không thực chất.
Qua thảo luận cho thấy các nước phát triển rất quyết tâm để đạt được Thoả thuận vào 2015 thông qua ủng hộ tài liệu do đồng Trưởng nhóm công tác ADP dự thảo. Các nước đang phát triển cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến trình đàm phán tuy nhiên phải bảo đảm quyền và lợi ích của mình.
Trong thảo luận, cho thấy quan điểm về xây dựng và thực hiện Báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (iNDC) cũng rất khác nhau. Do yêu cầu minh bạch trong mọi hoạt động ứng phó BĐKH nên sau khi các quốc gia đệ trình iNDC thì sẽ chịu thủ tục đánh giá quốc tế nhằm xem mức độ thoả đáng trong dự kiến đóng góp của quốc gia nêu trong iNDC. Thủ tục này sẽ được thực hiện ngay sau COP21. Tuy nhiên rất nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển và đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, rất e ngại việc áp dụng thủ tục này vì cho rằng sẽ can thiệp rất sâu vào nội bộ của mỗi nước. Nội dung iNDC đã được phần đông ủng hộ có cả nội dung thích ứng.
PV