Tạo cơ hội xúc tiến
Theo ước tính, năm 2021, tổng sản lượng các loại hoa quả của Hải Dương đạt 260.000 tấn; trong đó, khoảng 55.000 tấn vải quả, 65.000 tấn ổi, 15.000 tấn na và 125.000 tấn các loại trái cây khác. Việc tiêu thụ các loại quả trong khi COVID-19 vẫn hoành hành là bài toán đặt ra cho chính quyền các cấp cùng các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh. Trong đó sản phẩm vải thiều được tỉnh quan tâm hàng đầu.
Từ ngày 18-5, khi những lứa vải thiều sớm bắt đầu cho thu hoạch, tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều bằng hình thức song song trực tiếp và trực tuyến đến 31 điểm cầu trong và ngoài nước, thu hút sự quan tâm của 200 chủ doanh nghiệp, thương gia có thể tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản. Đây là cách làm sáng tạo của địa phương, là phương thức tiếp cận phù hợp với tình hình thực tế, ứng dụng xu thế làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó, tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Tại Hải Dương, tạo không gian để 36 doanh nghiệp trong tỉnh trực tiếp mang 58 nhóm sản phẩm tham gia trưng bày, trong đó có 23 sản phẩm OCOP tiêu biểu. Các sản phẩm, hàng hóa tham gia trưng bày, giới thiệu đều phong phú, đa dạng về chủng loại, bao bì, nhãn mác và đều là hàng chất lượng cao, đảm bảo tuân thủ các quy trình về vệ sinh, an toàn thực phẩm
Để các mặt hàng đặc sản có thể vươn xa, Hải Dương cùng với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo thương hiệu cho từng sản phẩm. Đó là các lô vải, ổi được trồng chăm sóc theo quy trình diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và theo quy trình GlobalGAP: 45 vùng, diện tích 450ha, sản lượng dự kiến 2.500tấn. Diện tích sản xuất theo VietGAP: 6.300ha (trong đó: Thanh Hà: 3.300ha; Chí Linh 3.000ha). Diện tích được cấp chứng nhận GAP: 1.000ha (trong đó, 50ha GlobalGAP cấp mới năm 2021; 500ha VietGAP cấp mới năm 2021 và 450ha duy trì những năm trước). Diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, tổng diện tích khoảng 8.000ha.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo huyện Thanh Hà, TP Chí Linh và các đơn vị trực thuộc tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho 100% nông dân sản xuất và ghi chép nhật ký theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.
Để bảo đảm cho quả vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu Tỉnh Hải Dương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, kho lạnh sơ chế hoa quả xuất khẩu. Xây dụng các phòng khử trùng bảo đảm hoa quả vô trùng khi xuất khẩu đi Mỹ, EU, Australia, Singapore, Nhật Bản… Tạo điều kiện cho hơn 30 đầu mối thu mua, sơ chế, đóng gói vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc...
Giới thiệu vải thiều có truy xuất vùng trồng |
Cắt băng xuất lô vải thiều đầu vụ sang Nhật Bản |
Chuyên gia Nhật Bản kiểm tra hàng hóa trước khi tiêu thụ |
Đạt kết quả cao ngay trong mùa dịch
Từ ngày 10-5-2021, hệ thống siêu thị sạch BigGreen bắt đầu bán vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội; ngày 15-5 đến nay, các doanh nghiệp bắt đầu thu mua vải xuất khẩu đi Trung Quốc; ngày 23-5, công ty CP Ameii Việt Nam chính thức khởi động xuất khẩu lô vải đầu tiên của Hải Dương đi Nhật Bản; ngày 24-5, công ty Rồng đỏ chính thức khởi động xuất khẩu lô vải đầu tiên của Hải Dương đi Singapore, Úc và đến nay đã có khoảng 30 doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu vải Hải Dương đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, Eu, Singapore,…khoảng 100 đầu mối thu mau vải xuất khẩu đi Trung Quốc và tiêu thụ trong nước; khoảng 20 đơn vị cung ứng vải cho hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Về thị trường tiêu thụ trong nước, bên cạnh duy trì các thị trường lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh phát triển song song các thị trường mới ở miền Trung, Tây Nguyên. Với thị trường xuất khẩu, Hải Dương tập trung nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường hiện nay như: Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pháp, Malaysia, Mỹ, châu Âu, Australia, Singapore, Nhật Bản… và đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm thị trường mới.
Sản phẩm vải quả Việt Nam trong siêu thị Nhật |
Vải thiều Hải Dương trong siêu thị Singapore |
Đến ngày 2-6-2021, toàn tỉnh thu hoạch và tiêu thụ trên 29 ngàn tấn vải (bằng 85% sản lượng vải sớm và bằng 55% sản lượng vải toàn tỉnh). Trong đó, xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Campuchia: 15.000 tấn; bán tại các chợ đầu mối lớn trên toàn quốc: 6.000-7.000 tấn; bán vào các hệ thống siêu thị (BigC, Vinmart, Metro, Lanchi Mart, CoopMart và các cửa hàng nông sản sạch): 2.000 tấn; xuất khẩu đi các thị trường có giá trị cao: 1.500 tấn (xuất đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU: 300 tấn; xuất đi Singapore, Trung đông, Malaixia: 500 tấn; cấp đông xuất đi Hàn Quốc, Nhật, Châu Âu: 700 tấn); bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử: 100 tấn. Riêng thị trường Nhật bản đã xuất khẩu 100 tấn, cao gấp hơn 3 lần tổng sản lượng vải cả nước xuất khẩu đi Nhật bản năm 2020. Dự kiến, từ nay đến cuối vụ các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu mua và xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi đi Nhật Bản và khoảng 4.000 tấn vải đi Mỹ, Úc, Eu, Singapore, EU,…
Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, đơn vị đã xuất khẩu thành công nhiều nông sản Việt Nam sang 25 quốc gia trên thế giới. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Hải Dương có nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; trong đó, có vải thiểu Thanh Hà. Sự quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của nông dân tỉnh Hải Dương đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu vải. Năm 2020 và năm 2021 chúng tôi đã đưa vải Hải Dương chinh phục thành công thị trường Nhật Bản. Thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ tập trung nguồn lực và đồng hành với Hải Dương mang nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh ra thế giới.
Xác định cho hướng tiêu thụ nông sản Hải Dương, ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương cho rằng: Các sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương phát triển bền vững thông qua ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số và áp dụng các phương pháp canh tác tiêu chuẩn để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc trưng. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm đầu tư xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá trong nước và toàn cầu, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức để tiếp cận khách hàng.
Những ngày này, Hải Dương đang tập trung tiêu thụ vải thiều chính vụ. Đây là đợt vải thiều có chất lượng ngon nhất, là sản vật của Xứ Đông đem tới các vùng miền trong và ngoài nước. Với các làm năng động mặc dù trong mùa dịch COVID- 19, nông sản Hải Dương đang tiêu thụ tốt. Tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản, một hướng đi đúng và trúng của Hải Dương.
|