Nhiều giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu

12/10/2018 14:07

(TN&MT) - Sáng 12/10, tại TP.Cần Thơ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2018 và Hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp.

thao1
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp

Thiệt hại nghiên trọng 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai - Bộ NN&PTNT cho biết: Hiện nay, tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp với những thảm họa động đất và siêu bão diễn ra ở nhiều nơi. Tại Việt Nam, hàng năm, thiên tai đã gây thiệt hại khoảng 1,5 GDP, làm trên 300 người chết và mất tích. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã xuất hiện những trận mưa lịch sử gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 175 người chết và mất tích, gây thiệt hại kinh tế trên 12.356 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Phòng chống Thiên tai, từ đầu năm 2018 đến nay, lũ đã gây thiệt hại cho vùng ĐBSCL 1.548,12ha lúa; gây sạt lở, vỡ bờ bao ở Tam Nông, Đồng Tháp và Long Xuyên, An Giang. Đặt biệt, trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng từ lũ đầu nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước cao nhất đo được tại Mỹ Thuận là 2,07m, Cần Thơ 2,23m, đều vượt số liệu lịch sử 40 năm qua (từ 1977 - 2017) gây ngập cho nhiều vùng tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long.  

Bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam) cho rằng, theo chỉ số rủi ro thiên tai toàn cầu 2018, Việt nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, hơn 1% GDP quốc gia thiệt hại, mức thiệt hại có thể tăng từ 3-5% GDP vào năm 2030.

Nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó cũng như khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, trong giai đoạn 2016 - 2018, Liên Hiệp Quốc đã hỗ trợ 8 triệu USD cho hơn nửa triệu người dân Việt Nam để giải quyết các vấn đề về cuộc sống như: nước sạch, môi trường, y tế, nhà ở… do thiên tai gây ra.

Còn ông Laurent Umans - Bí thư Thứ nhất về Quản lý Nước và Biến đổi khí hậu - Đại sứ quán Hà Lan cũng nêu thực trạng, thiên tai là không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể ngặn nó trở thành thảm họa. Hiện nay, khu vực Mê Công đang chìm, đất đang sụt lún 2,5cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng, cùng với đó là nước biển dâng 3mm/năm. Đó là sự báo động, mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân nơi đây.

thao2
 ĐBSCL đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, biến đổi khí hậu

Chủ động thích ứng 

Đánh giá về diễn biến thiên tai trong những năm gần đây cùng với thực tế phát triển của Việt Nam, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gia tăng cả về tần suất và cường độ và diễn biến trái quy luật thể hiện qua việc xuất hiện các trận bão lớn và siêu bão, những trận mưa có cường độ rất lớn, làm xuất hiện lũ quét, sạt lở đất.

Đồng thời, xuất hiện các cơn bão đổ bộ vào những khu vực trước đây ít khi bị tác động bởi bão, nơi chính quyền và người dân thiếu kinh nghiệm, kỹ năng phòng, chống bão, gây thiệt hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, với sức ép của việc gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh, việc khai thác, sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên như: phá rừng, khai thác cát, nước ngầm; sử dụng đất, bố trí dân cư không hợp lý… làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, từ thực tiễn và diễn biến của thiên tai, BĐKH; Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đã và đang tập trung đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại trên nguyên tắc và các ưu tiên của Khung hành động Sendai, Việt Nam đang điều chỉnh Chiến lược quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai từ Trung ương đến cấp xã; lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành

Trong đó, các giải pháp phi công trình như: bảo vệ và phát triển rừng và các hệ sinh thái, quản lý việc khai thác tài nguyên một cách bền vững; chuyển đổi sinh kế cho người dân để chủ động thích ứng với thiên tai, BĐKH; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để giảm nhẹ rủi ro thiên tai… Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thực hiện các cam kết và cùng quản lý, khai thác bền vững các con sông quốc tế để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Bà Akiko Fujii chia sẻ, để giải quyết được nhiều thách thức do tác động về kinh tế của BĐKH, điều quan trọng là từng Bộ, ngành của cả khối Nhà nước và tư nhân đều phải có hành động cụ thể để hiểu được rủi ro, quan tâm tới nhóm dễ tổn thương và đưa ra được kế hoạch phát triển, trong đó có xét tới những rủi ro này bằng việc lập kế hoạch phát triển dài hạn, Việt Nam có thể giảm được tác động kinh tế đang ngày càng gia tăng do BĐKH và thiệt hại do thiên tai.  

"Phòng chống thiên tai đòi hỏi có sự chung tay của cộng đồng, và quan trọng nhất là sự hợp tác giữa khối công và tư. Song song với đó, phải chú trọng hoạt động truyền thông về rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức cộng đồng, cung cấp thông tin hiệu quả cho người dân tự bảo vệ mình. Đối với Liên Hiệp Quốc cam kết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trong thời gian tới để phòng chống thiên tai có hiệu quả" - Bà Akiko Fujii nhấn mạnh.

Theo ông Laurent Umans, dự báo diễn biến trong 30, 50 hoặc 100 năm nữa, một phần của ĐBSCL sẽ bị chìm trong nước biển, đây là điều khiến cho các nhà đầu tư quan ngại khi muốn đến đầu tư tại khu vực này. Trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước Hà Lan - Việt Nam, Hà Lan đã và đang tích cực hỗ trợ Việt Nam thích ứng với BĐKH và sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO