Môi trường

Nhiều biện pháp xử lý rơm rạ, bảo vệ môi trường

Hoài Thu 05/11/2024 23:27

(TN&MT) - Ngày 5/11, tại Hà Nội, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức Chung kết Cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật”.

Đây là sân chơi khoa học giúp những tài năng trẻ từ khắp mọi miền đất nước, cùng nhau tìm ra và phát triển các giải pháp đột phá trong bảo vệ môi trường bền vững, đặc biệt hỗ trợ giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ và khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.

img_6372.jpeg
Ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho biết, Cuộc thi là một trong những hoạt động thuộc Dự án "Đánh giá hiện trạng và nghiên cứu, đề xuất áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của đốt ngoài trời và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam" do Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện thông qua Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm, với sự tài trợ của Bộ môi trường, thực phẩm và nông nghiệp Vương Quốc Anh.

Dự án có sự tham gia của hàng trăm các nhà khoa học, các chuyên gia từ các Viện, các trường đại học, các tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

“Tham gia cuộc thi, các em học sinh sinh viên đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin, kiến thức liên quan đến tác hại của đốt rơm rạ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không an toàn cũng như các giải pháp thay thế" - ông Phạm Văn Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo đó, mục tiêu tiếp theo của Cuộc thi sẽ hướng tới các thí sinh dành nhiều công sức tâm huyết để trực tiếp triển khai các ý tưởng của mình với quy mô thử nghiệm. Vì các em không có phân xưởng, không có phòng thí nghiệm, không có điều kiện và nhiều kiến thức chuyên sâu, nên Ban Giám khảo sẽ đánh giá dựa trên tiêu chí có niềm đam mê sáng tạo, đam mê được cống hiến và tình yêu đối với môi trường.

Qua các vòng thi, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều ý tưởng sáng tạo, đầy tiềm năng. Những giải pháp mà các em mang đến không chỉ thể hiện sự thông minh, khéo léo mà còn cho thấy ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường. Tôi tin rằng những ý tưởng này không chỉ dừng lại ở cuộc thi mà sẽ tiếp tục được phát triển và áp dụng vào thực tế, mang lại những thay đổi tích cực cho xã hội. Từ những ý tưởng trong Cuộc thi, có thể thu hút các nhà quản lý để biến ý tưởng của các em thành hiện thực.

img_6373.jpeg
PGS.TS Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu tại Chung kết Cuộc thi

PGS.TS Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT Hà Nội cho rằng, thế hệ trẻ là một lực lượng chủ chốt, đóng vai trò quyết định đến việc đạt được các mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chính vì vậy, việc tổ chức các cuộc thi ý tưởng như này là rất cần thiết và hữu ích, tạo được sự lan tỏa tích cực và thu hút được sự quan tâm, đóng góp của nhiều tầng lớp trong xã hội. Từ đó hướng tới xây dựng một tương lai bền vững về tài nguyên thiên nhiên, về môi trường cho thế hệ nối tiếp.

Mặc dù đối tượng tham gia chính thức là các em học sinh THPT và sinh viên các trường Đại học, nhưng sự tham gia của các em thực chất lại kéo theo rất nhiều người tham gia gián tiếp, vì thế mục tiêu nâng cao nhận thức càng hiệu quả. Vì bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ nhận thức.

img_6366.jpeg
Em Đào Thị Thu Hương đại diện nhóm nghiên cứu - trường Đại học TN&MT Hà Nội

Lọt vào vòng chung kết cuộc thi với “Chế phẩm trừ sâu thảo mộc - Giải pháp nông nghiệp trong tương lai”, em Đào Thị Thu Hương và nhóm nghiên cứu - trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết, hiện nay trên thế giới, mọi người đang sử dụng lượng thuốc hoá học khá nhiều để chăm bón cây trồng, đặc biệt là những loại rau, củ, quả làm thực phẩm phục vụ cho đời sống, vì thế nhóm đã tìm hiểu, nghiên cứu để cho ra đời một chế phẩm nông nghiệp hoàn toàn có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, giúp hướng tới một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Nghiên cứu được thực hiện trên rau cải xanh giúp diệt trừ sâu tơ, với thành phần an toàn, lành tính và có thể áp dụng lên các cây trồng khác, đồng thời, diệt trừ được nhiều loại sâu mọt khác, như cây rau muống, hoặc rau dền,…

Tuy nhiên, chế phẩm này cần dựa vào liều lượng pha chế, nếu pha sai liều dễ dẫn đến cháy rau hoặc cháy sâu và ảnh hưởng ngược lại đến sức khoẻ con người. Do đó, nhóm đã dành riêng một hướng dẫn cho người dân có thể áp dụng chế ra thành phẩm, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và đảm bảo an toàn cho cây thực vật cũng như sức khỏe cộng đồng.

img_6379.jpeg
Giấy được làm từ rơm là sáng kiến đạt Giải Nhì Cuộc thi

Sự kiện không chỉ tôn vinh tính sáng tạo của học sinh, sinh viên mà còn góp phần thúc đẩy những sáng kiến thực tiễn, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách hiện nay.

Qua các phần trình bày của 10 ý tưởng nổi bật tại vòng Chung kết Cuộc thi, Ban Giám khảo đã chọn ra các đội đạt giải xứng đáng. Giải Nhất thuộc về Nhóm Straw Wood - Đại học Trà Vinh với dự án “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm”; Giải Nhì thuộc về Nhóm Chuyến đi của Rơm - Đại học Khoa học Huế, với dự án “Giấy Rơm - dấu ấn tự nhiên cho tương lai”; các nhóm Giải Ba lần lượt là: Em Đào Thị Thu Hương - Đại học TN&MT Hà Nội cùng “Chế phẩm trừ sâu thảo mộc - Giải pháp nông nghiệp tương lai”; Nhóm D1 - trường Đại học Hoà Bình với dự án “Làm lương khô từ rơm”; và Nhóm Lyole - Trường THPT Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội với dự án “Sử dụng chế phẩm sinh học từ lá xoan ta để kiểm soát sâu tơ hại bắp cải và rệp xám hại cải xanh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều biện pháp xử lý rơm rạ, bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO