Một công hai “lợi”
Cứ mỗi sáng sớm hay chiều muộn, bất kể trời nắng hay mưa, bà Nguyễn Thị Nga (64 tuổi) ở phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) đều đặn đi bộ quanh hồ và sử dụng máy tập thể dục tích hợp lọc nước hồ đặt ở góc hồ Xã Đàn. Bà Nga cho biết: Chiếc máy rất tiện ích, vừa nâng cao sức khỏe vừa lọc được nước hồ. Vì tuổi đã cao, chiếc máy tập cũng khá nặng nên bà không tập lâu và phải điều độ hơn lớp trẻ, sử dụng nhiều lần mới quen.
Hồ Xã Đàn được lắp đặt hai bộ với 4 bàn đạp tập thể dục kết hợp lọc nước được lắp đặt song song, nằm ngay khu công viên ven bờ hồ nên khá thuận lợi và thu hút người dân. “Ngày nào cũng rất đông người tập, thường khoảng trước 7 giờ sáng và sau 4 giờ chiều; nhiều khi còn phải xếp hàng chờ đến lượt. Không chỉ các cụ già mà lớp trẻ cũng rất hào hứng tham gia vận động ở đây”, bà Nga phấn khởi nói.
Người dân Thủ đô hào hứng sử dụng máy tập thể dục vừa rèn luyện sức khỏe, vừa góp phần làm sạch nước hồ |
Kể từ khi máy tập thể dục được lắp đặt, anh Vũ Duy Thành (53 tuổi) ở phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa cũng thường xuyên đến hồ Xã Đàn tập thể dục. Anh Thành cho hay: “Chiếc máy này mới được lắp đặt vào khoảng tháng 10 năm nay nên người dân đang làm quen. Tôi thấy chiếc máy dễ tập phù hợp với mọi lứa tuổi; hệ thống lọc nước rất hữu ích, gọn nhẹ, được bố trí hợp lý phù hợp với diện tích mặt hồ và bờ hồ”.
Được làm quen với mô hình máy tập thể dục tích hợp lọc nước hồ ở hồ Ngọc Khánh từ năm 2013, ông Nguyễn Duy Thơ (phố Phạm Huy Thông, quận Ba Đình) cho rằng, việc sử dụng máy tập thể dục thường xuyên giúp cho sức khỏe của ông được cải thiện nhiều, chân tay đỡ đau nhức mà đêm ngủ ngon giấc. Theo ông Thơ, khi thiết bị vận hành, nước hồ được bơm lên bể lọc đặt ngay bên cạnh. Bể lọc có các cấp lọc thô, kết hợp loại cây có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm; nước sau khi qua bể lọc sẽ được đưa trở lại hồ, góp phần làm giảm ô nhiễm nước hồ.
Hệ thống thiết bị lắp đặt gồm có hai phần: bàn đạp và bể lọc. Đặc biệt, bể lọc có sử dụng cây thủy trúc có khả năng hấp thu chất ô nhiễm trong nước, kim loại nặng. |
Ở hồ Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng) cũng được lắp đặt 2 bộ với 4 bàn đạp tập thể dục. Người dân sinh sống quanh hồ tỏ ra hứng khởi với việc sử dụng thiết bị nâng cao sức khỏe và đóng góp công sức làm sạch nước hồ, nâng cao chất lượng môi trường sống khu dân cư.
Mặc dù trời mưa nhưng từ sáng sớm, hệ thống máy đạp thể dục ở góc hồ đã được vận hành. Bà Trần Thị Hải (phố Đồng Nhân) là khách hàng thường xuyên của máy tập thể dục công cộng cho rằng, đây là mô hình hay, bổ ích; tạo không gian cho người dân giải trí, tập thể dục. Nhờ đó, nâng cao sức khỏe, đời sống và văn minh đô thị.
Nhân rộng “thí điểm”
Anh Ngô Minh Đức - Nhóm nghiên cứu mô hình máy tập thể dục tích hợp lọc nước hồ - Viện nước, tưới tiêu và môi trường (IWE) cho biết: Hiện nay do rất nhiều nguồn thải nên chất lượng nước hồ suy giảm. Các chất ô nhiễm trong hồ có hàm lượng vượt quy chuẩn cho phép rất nhiều lần. Trong khi đó, nhu cầu tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe ngày một tăng và không gian ven hồ, trong công viên thường là nơi lý tưởng để người dân vận động hàng ngày.
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu thuộc IWE đã nảy ra ý tưởng biến năng lượng tập thể dục thành năng lượng làm sạch nước hồ thông qua máy tập thể dục tích hợp với máy bơm qua hệ thống lọc nước. Người tập vừa có thể nâng cao sức khỏe, vừa tham gia trực tiếp xử lý chất lượng nước hồ, đồng thời tiết kiệm năng lượng hoặc các chi phí về năng lượng để bơm nước hồ thông qua hệ thống xử lý. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân với việc bảo vệ môi trường.
Theo anh Ngô Minh Đức, sau thời gian thực hiện, đơn vị đã lấy mẫu và đo một số thông số nước hồ đầu vào và nước sau lọc của hệ thống cho thấy nước đầu ra có độ đục giảm 110 lần so với trước lọc.
Nước đầu ra có độ đục giảm 110 lần so với nước hồ trước khi lọc |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khả Minh - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết: Qua khảo sát thực tế của Qũy Bảo vệ môi trường Hà Nội tại các máy đã lắp đặt ở bốn hồ Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng và Thanh Nhàn, một ngày có khoảng 50 lượt người sử dụng/máy trong thời gian 10 phút, lọc được bình quân từ 14 đến 24m3 nước/máy/ngày.
Hiện nay, Qũy Bảo vệ môi trường Hà Nội là đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các quận, phường để tiếp tục thực hiện thí điểm và từng bước mở rộng mô hình trên địa bàn thành phố. Trong năm 2016, Qũy tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát để lắp đặt thiết bị ở 4 hồ khác.
“Theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, những hồ được lắp đặt trên địa bàn thành phố từ nguồn ngân sách là “mồi nhử” để tới đây các hồ đủ tiêu chuẩn sẽ được các cấp, các ngành và địa phương xã hội hóa, tiến tới có thể phủ kín thiết bị, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Khả Minh cho biết thêm.
Bài & ảnh: Tuyết Chinh