Nhân rộng chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng BĐKH

Khánh Ly| 22/12/2020 15:57

(TN&MT) - Trong năm 2020, Việt Nam đã lựa chọn 36 thực hành nông nghiệp là các mô hình canh tác, sản xuất để giới thiệu trở thành các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến tổng kết năm dự án “Hợp tác Nam - Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu” cùng các đối tác Trung Quốc, Lào, Campuchia, do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức 22/11, tại Hà Nội.

Chia sẻ về các mục tiêu của dự án, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc VAAS, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án cho biết: Dự án Hợp tác Nam - Nam do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện cùng các đối tác gồm: Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Quốc gia Lào và Trung tâm Nghiên cứu chính sách Campuchia. Mục tiêu nhằm tạo ra diễn đàn học tập cho các quốc gia dựa trên cách tiếp cận nhất quán với chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH với sự tham gia của các nhóm nông dân quy mô nhỏ, cơ sở chế biến và doanh nghiệp.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án phát biểu tại Hội thảo

Cụ thể, dự án sẽ xác định và lựa chọn các thực hành tốt nhất của chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH, nâng cao nhận thức và năng lực cho các bên liên quan, đồng thời, tập hợp thành các sản phẩm tri thức như sách, tờ rơi, áp-phích, video... 

Theo TS. Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Dự án, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều hoạt động chưa thể triển khai ở các quốc gia. Dù vậy, phía Việt Nam đã khảo sát, đánh giá và lựa chọn ra 36 thực hành tốt tại 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Tại 3 quốc gia còn lại, đã tiến hành đào tạo về phương pháp xác định và lưa chọn chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH.

Đại diện nhóm tư vấn, ông Nguyễn Quý Bình cho biết, các thực hành được lựa chọn theo tiêu chí: Mô hình hoặc tác nhân tham gia có áp dụng các thực hành sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, phân phối nông lâm thủy sản thích ứng với BĐKH và bền vững về môi trường. Dự án ưu tiên lựa chọn CGT có ít nhất 2 tác nhân liên kết thông qua hình thức hợp đồng; thu hút sự tham gia của nhiều nông hộ, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và hộ có phụ nữ làm chủ hộ; các tác nhân trong chuỗi giá trị có áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO, HACCP…

Mô hình nuôi cá chép trong ruông bậc thang ở Hà Giang - một trong 36 thực hành nông nghiệp thích ứng BĐKH tiêu biểu được chọn

Trong số 36 sáng kiến của Việt Nam, có 12 thực hành sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; 13 thực hành/công nghệ chế biến, bảo quản thích ứng BĐKH; 12 doanh nghiệp nông nghiêp thích ứng với BĐKH.

Với bối cảnh BĐKH tác động đến Việt Nam, những thực hành thích ứng BĐKH tập trung chủ yếu vào chuyển đổi diện tích trồng vụ Xuân kém hiệu quả sang trồng cây chịu hạn, chịu mặn. Sử dụng hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm nước và công lao động. Xen cạnh lúa cá hoặc lúa tôm để tăng hiệu quả sử dụng đất. Nuôi vịt biển thích hợp với vùng nước mặn, lợ. Sử dụng thức ăn ủ men trong chăn nuôi đem lại nhiều lợi ích trong chế biến, bảo quản thức ăn và môi trường.

Các thực hành/công nghệ chế biến, bảo quản giúp nâng cao giá trị và thời gian bảo quản của sản phẩm. Trong đó, việc sử dụng nhà màng, nhà kính để phơi sấy nông sản được nhiều đơn vị áp dụng nhất. Bên cạnh đó, nhiều mô hình áp dụng Sản xuất hữu cơ giúp quản lý dinh dưỡng trong đất tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Ngoài ra, các cây trồng, vật nuôi thích nghi cao với điều kiện khí hậu và tạo ra sản phẩm đặc thù với điều kiện phát triển thành hàng hóa quy mô lớn…

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện dự án tại các quốc gia đã chia sẻ về kết quả lựa chọn các thực hành/chuỗi giá trị và dự kiến kế hoạch năm 2021. Trong năm tới, Việt Nam dự kiến sẽ tổng hợp và tài liệu hóa các thực hành tốt thành sản phẩm tri thức để phổ biến rộng rãi tới các địa phương và trao đổi với các nước khác.

Bên cạnh đó, đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng BĐKH của ngành nông nghiệp. Tương tự, phía Trung Quốc dự kiến xác định 6 thực hành tốt, trong khi Lào và Campuchia đều dự kiến sẽ có ít nhất 9 thực hành tốt.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO