Xã hội

Nhân lên cánh rừng gỗ lớn tạo sinh kế bền vững

Phạm Hoạch 15/05/2023 - 19:43

(TN&MT) - Quảng Ninh hiện có trên 370.000 ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55%. Bằng những chính sách riêng biệt mang tính đột phá đã giúp cho địa phương có bước phát triển rừng bền vững, hình thành cánh rừng gỗ lớn, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Chủ trương đúng đắn

Để hiện thực hóa chủ trương về trồng rừng gỗ lớn, năm 2019 tỉnh Quảng Ninh đã có Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030 và Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù nhằm khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững như bố trí ngân sách đầu tư hàng năm cho phát triển lâm nghiệp, hỗ trợ cây giống và lãi suất ngân hàng cho người trồng rừng.

Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được trên 444 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác và nâng cao chất lượng, năng suất trồng rừng. Giai đoạn 2017- 2022, toàn tỉnh trồng được 73.746ha rừng tập trung. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh trồng rừng tập trung được 5.972ha, trong đó trồng lim, giổi, lát là trên 380 ha.

anh-qn-001.jpg
Người dân xã Đồn Đạc thu hoạch vỏ quế cho thu nhập cao, giúp nhiều gia đình ở địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, huyện miền núi Ba Chẽ đã xây dựng đề án Phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025, với mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu. Năm 2023, huyện Ba Chẽ đề ra mục tiêu trồng trên 940ha rừng gỗ lớn và cây bản địa. Trong đó, diện tích lim, lát, giổi là 420ha, các loài cây bản địa quế, thông, sa mộc là 520ha và 120ha cây dược liệu trà hoa vàng, ba kích, cát sâm.

Trao đổi với PV, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ba Chẽ Vi Thanh Vinh cho biết, để tháo gỡ những khó khăn cho người dân, huyện Ba Chẽ đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vay vốn lãi suất thấp, đề xuất phương án trồng cây dược liệu quý của địa phương dưới tán rừng gỗ lớn để người trồng rừng có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

Anh Triệu Kim Phượng, ở thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chia sẻ, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong thôn vốn sinh ra từ vùng rừng núi, quen với việc làm nghề rừng, trước đây có trồng keo, sau 5 đến 6 năm được thu hoạch, nhưng giá bán bấp bênh, nên thu nhập không đáng là bao mà lại còn làm đất nhanh bạc màu. Từ khi gia đình được hỗ trợ vốn, cây giống đã chuyển sang trồng quế, với 500 gốc quế đang cho thu hoạch đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Nâng cao đời sống người dân

Vẫn biết lợi thế của việc trồng rừng gỗ lớn, nhưng việc thay đổi tư duy của người dân về trồng rừng bền vững không hề dễ dàng, nhất là đối với vùng bà con DTTS miền núi. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh bằng những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển rừng gỗ lớn cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động người dân đã dần phát huy hiệu quả. Người dân được hỗ trợ cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn trồng các loại cây ngắn ngày, cây bản địa xen kẽ dưới những tán rừng gỗ lớn, từng bước mang lại thu nhập ổn định, lâu dài, cũng như để bà con yên tâm sản xuất.

anh-qn-002.jpg
Người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu ươm giống cây quế, hồi cho giá trị kinh tế cao trồng thay thế cây keo

Ông Vi Thanh Vinh cho biết thêm: Huyện Ba Chẽ đã quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu, triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, mục tiêu trồng mới hơn 100ha/năm các loài dược liệu. Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc tại xã Thanh Lâm với sản phẩm chính là cây ba kích được trồng xen dưới tán rừng keo, trám, giổi, cây ăn quả, cho năng suất đạt 5 tấn/ha, thu nhập 350 triệu đồng/ha/năm.

Còn tại huyện Đầm Hà, theo kế hoạch năm 2023 sẽ trồng 765ha cây gỗ lớn, cây bản địa như lim, lát, giổi, quế, cây phân tán khác. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 250ha gồm lim, lát, giổi, quế. Đồng thời, huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân, nhất là bà con DTTS tích cực chuyển đổi diện tích trồng keo sang cây gỗ lớn, quế cho thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Ông Lỷ Văn Nhì, thôn Nà Thổng, xã Quảng An chia sẻ, trước đây gia đình trồng hơn 4ha keo, nhưng cho thu nhập thấp, nên chỉ đủ ăn, nhờ được sự vận động của chính quyền, gia đình trong thôn đã trồng cây quế cho thu nhập cao gấp nhiều lần cây keo. Gia đình tôi quyết tâm chuyển 4ha keo sang trồng cây gỗ lớn và cây quế, xen kẽ cùng cây bản địa để có thu nhập trước mắt, ổn định cuộc sống.

anh-qn-003.jpg
Người dân xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà thu hoạch vỏ quế giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Trần Anh Cường cho biết, thời gian tới huyện khuyến khích các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo định hướng với các loài cây chủ lực phát triển rừng trồng gỗ lớn trên cơ sở sử dụng hợp lý, hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp và sát, đúng với Quy hoạch vùng rừng trồng gỗ lớn của địa phương, đảm bảo năng suất, chất lượng cao, cũng như chú trọng phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng gỗ lớn.

Nhờ vậy, hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Trong đó, thành phố Hạ Long không còn hộ nghèo, cận nghèo; 3 địa phương là thị xã Quảng Yên, huyện Cô Tô, Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.

Những cánh rừng gỗ lớn được hình thành từng bước mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo cho bà con DTTS ở miền núi, hải đảo. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ con người trước thiên tai, bão lũ.

Chỉ tính trong 2 năm (2021-2022), tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn TP.Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Đến nay, đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng trên 1.700ha rừng cây gỗ lớn, cây bản địa từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH với số tiền 8,48 tỷ đồng. Nhờ đó, chất lượng rừng được nâng lên đáng kể, đưa tổng số diện tích trồng cây bản địa thay thế cây keo lên 7.580ha trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên cánh rừng gỗ lớn tạo sinh kế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO