Chiều 21/2, ông Hồ Thanh Phương – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cho biết, lãnh đạo cùng các ngành chức năng huyện vừa tổ chức cuộc họp với hàng trăm hộ dân thôn Nam Phước, xã Đại Tân.
Theo ông Phương, nội dung cuộc họp nhằm thông báo quyết định của UBND tỉnh về việc cho phép Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân được hoạt động trở lại sau 5 tháng tạm dừng hoạt động để khắc phục ô nhiễm.
“Từ sau sự cố tràn dầu fusel (ngày 18/9/2019), nhà máy cồn chính thức bị ngừng hoạt động để tập trung khắc phục hậu quả. Đến nay, sau 5 tháng bắt tay vào công tác xử lý, toàn bộ cồn tồn kho cũng như dịch lên men trong nhà máy đã không còn. Tuy nhiên, khi huyện thông báo việc nhà máy được tỉnh cho phép hoạt động trở lại, cả trăm hộ dân thôn Nam Phước vẫn cho rằng việc khắc phục ô nhiễm chưa triệt để, nguy cơ thảm họa môi trường như sự cố tràn dầu fusel vẫn còn hiển hiện nên cương quyết phản đối.”- ông Phương cho biết.
Người dân dựng lều bao vây phản đối nhà máy hoạt động trở lại |
Được biết, Nhà máy cồn Đại Tân đã khắc phục xong sự cố tràn dầu fusel và cam kết cung cấp nước sinh hoạt, nước uống cho hơn 40 hộ dân xung quanh. UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho phép Nhà máy này được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn ngăn cản không cho nhà máy hoạt động. Do đó, hiện tại, nhà máy cồn vẫn chưa thể đi vào hoạt động trở lại như dự tính. Trước tình hình trên, ông Phương cho biết huyện sẽ làm báo cáo gửi UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo.
Như báo TN&MT đã phản ánh, vào sáng 19/9, nhiều người dân sinh sống ở thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam kéo đến bao vây và chặn xe đường vào Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân đóng tại địa phương do lo ngại ô nhiễm.
Theo người dân địa phương, từ khi Nhà máy cồn Đại Tân đi vào hoạt động thường xuyên gây ô nhiễm, heo gà, cây trồng đều không phát triển. Tuy nhiên, chưa khi nào bà con phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc như lần này. Sau đó, họ dựng lều trước cổng nhà máy để chặn các xe vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm vào ra. Người trong thôn cắt cử nhau luân phiên túc trực, nấu ăn tại chỗ với quyết tâm ngăn nhà máy hoạt động.
Đại diện nhà máy cồn Đại Tân xác nhận, mùi hôi thối kể trên xuất hiện do sự cố tràn dầu fusel trong quá trình sản xuất.
Ngay sau đó, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường Quảng Nam đến khu vực này lấy 2 mẫu nước (tại hồ sinh thái và vị trí xả thải ra môi trường), 2 mẫu không khí (tại khu vực cuối hướng gió của nhà máy và khu vực rò rỉ dầu fusel).
Nhà máy cồn Đại Tân gây mùi hôi thối |
Kết quả phân tích mẫu nước lấy tại hồ sinh thái của nhà máy cho thấy, 3/8 thông số vượt quá quy chuẩn. Cụ thể, chỉ số BOD5 (lượng oxy cần thiết của 5 ngày đầu ở nhiệt độ 20ºC trong buồng tối để tránh ảnh hưởng các quá trình quang hợp) vượt 4,2 lần.
Chỉ số COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước, bao gồm cả vô cơ, hữu cơ) vượt 19,3 lần. Chỉ số về dầu mỡ khoáng vượt 1,6 lần.
Còn các chỉ số của mẫu nước thải lấy tại cống xả ra môi trường và hai mẫu không khí đều nằm trong quy chuẩn.
Sau sự cố, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu doanh nghiệp này phải xin cấp giấy phép xả nước thải mới được hoạt động trở lại. Ngoài những công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đã quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, Công ty phải nghiên cứu và triển khai các công trình, biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động lâu dài của nhà máy.
Sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đại Lộc kiểm tra, xác nhận và đề nghị cho hoạt động trở lại, Công ty phải phối hợp với UBND xã tổ chức công bố kết quả khắc phục sự cố môi trường và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của nhà máy cho cán bộ, nhân dân biết để giám sát; nếu để xảy ra phải dừng hoạt động, tự chịu trách nhiệm về thiệt hại do dừng hoạt động.