Biến đổi khí hậu

Nguy cơ bệnh tật tăng theo nhiệt độ

Khánh Ly 23/05/2023 - 11:08

(TN&MT) - Theo Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), hiện nay, tình trạng nắng nóng gay gắt xuất hiện tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và người lao động. Các vấn đề thường gặp phải là say nắng, say nóng, đột qụy do nắng nóng.

Số liệu quan trắc từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, trong thời kỳ từ 21/4 - 20/5 đã xảy ra 5 đợt nắng nóng diện rộng tại hầu khắp các vùng trên cả nước. Trong đó, đáng lưu ý đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt diện rộng từ 4 - 7/5, nhiều nơi đã xuất hiện các giá trị vượt giá trị lịch sử quan trắc cùng thời kỳ. Giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối tại Tương Dương (Nghệ An) 44,2°C vào ngày 7/5 được đánh giá là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc (giá trị cũ là 43,4°C tại Hương Khê (Hà Tĩnh) ghi nhận được tại tháng 4/2019.

7-2-.jpg
Những người lao động trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời dễ dẫn đến say nắng, đột qụy.

Nhiệt độ đo được tại các trạm quan trắc là vậy, những nhiệt độ thực tế trong môi trường do người dân tự đo ở những nơi không có bóng mát, cây xanh che chắn, đặc biệt là trên đường giao thông thường xuyên trên 50°C - mức cảnh báo nguy hiểm, rất có khả năng say nắng, sốc nhiệt, kiệt sức nếu hoạt động lâu.

Ghi nhận chung tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhân đi khám và nhập viện đều tăng từ 10 - 20% trong những ngày nắng nóng. Thời tiết khắc nghiệt lại thêm việc tập trung đông người trong không gian khám chữa bệnh nhỏ hẹp càng khiến các bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân, người nhà thêm phần vất vả, mệt mỏi hơn… Bởi vậy, Bộ Y tế vừa gửi công văn yêu cầu các bệnh viện trên cả nước tăng cường công tác phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, trong đó, chuẩn bị sẵn thuốc, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện, tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ, sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh...

Bác sĩ Đặng Hoàng Điệp - Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các dấu hiệu nhẹ của say nắng, say nóng ban đầu là nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Nếu không được xử trí kịp thời, người say nắng, say nóng có thể có biểu hiện nặng hơn như tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh (thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê). Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây rối loạn điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Theo báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia (Bộ TN&MT), nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu thế gia tăng, làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, nhất là với người cao tuổi, người mắc các bệnh như: tim mạch, cao huyết áp, thần kinh, cơ xương khớp, hô hấp, dị ứng, hen suyễn, xoang.

Theo các nghiên cứu của Bộ Y tế, nhiệt độ gia tăng làm gia tăng các nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng - những bệnh nhạy cảm với khí hậu. Nhiệt độ tăng 1oC sẽ làm tăng 3,4 - 4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7 - 11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tăng 5,6% nguy cơ mắc tay chân miệng và tăng 1,5% tiêu chảy.

Dự báo, khi nhiệt độ trung bình trên cả nước tăng thêm 1°C thì tỷ lệ nhập viện của trẻ em từ 0 - 2 tuổi tăng 3,4% và tỷ lệ nhập viện ở trẻ từ 3 - 5 tuổi tăng 4,6%. Đặc biệt, tỷ lệ nhập viện ở trẻ dưới 5 tuổi do các nhiễm khuẩn hô hấp tăng 3,8%.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn tác động gián tiếp đến sức khỏe con người thông qua các nguồn gây bệnh truyền nhiễm do các bệnh lây truyền qua vector có liên quan tới các đặc trưng khí hậu như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, cường độ gió. biến đổi khí hậu tạo thuận lợi cho vector truyền bệnh phát triển làm tăng khả năng bùng phát và lây lan các bệnh dịch như: cúm A (H1N1), cúm A (H5N1), cúm A (H7N9), tiêu chảy, dịch tả, lỵ, sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng da, thương hàn, viêm não do vi-rút, viêm não Nhật Bản, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), dịch hạch, zika.

Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Đặc biệt, cần chú trọng rèn luyện cơ thể để tăng sức đề kháng và tăng sức chống chịu của cơ thể với thời tiết nắng nóng.

Những người đang ở trong phòng điều hòa không nên ra ngoài trời nắng đột ngột, mà cần để cơ thể thích nghi từ từ bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi ra ngoài trời.

Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn; hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.

Nếu bắt buộc phải làm việc, không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút - 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.

Cơ quan khí tượng dự báo, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện tại Việt Nam vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 - 80%. Trong điều kiện có ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhất là các đợt El Nino mạnh có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi. Người dân cần hết sức cẩn trọng trước các đợt nắng nóng có thể xảy ra và thực hiện các giải pháp phòng tránh tác động tới sức khỏe trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ bệnh tật tăng theo nhiệt độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO