Đài canh ở cù lao
Cù lao Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn là một doi đất nhỏ nơi hạ lưu con sông Trà Bồng, nổi tiếng với những đội tàu đánh bắt xa bờ nhất nhì ở miền Trung. Phải qua nhiều con đường ngoằn nghèo từ trung tâm xã, chúng tôi mới đến được nhà của chị Diệp (thường gọi là Út Diệp, tên thật là Lương Thị Hồng Lan). 15h chiều, ngôi nhà nằm sát bên bờ sông Trà Bồng ồn ào bởi tiếng sóng từ đài Icom “Alo, alo… chúng tôi mới ra quân đánh bắt ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa từ mồng 10 Tết… thời tiết có tốt không, tôi định ở lại đánh bắt thêm vài ngày nữa….”…Chị Út Diệp tiếp lời: “Vài ngày tới, thời tiết có mưa rào và dông vài nơi. Tầm nhìn xa trên 10km. Gió nam đến đông nam cấp 4. Sóng biển cao từ 0,75 đến 1,75m.”…
4 năm nay, người phụ nữ này đã đồng hành cùng hàng nghìn ngư dân hoạt động ngoài biển thông qua đài Icom của mình. Chị Diệp kể, chồng chị làm nghề câu mực khơi ở ngư trường Hoàng Sa, đi ba tháng mới vào bờ. Không có sóng điện thoại để liên lạc với chồng nên khi nào chị cũng bồn chồn, lo lắng nhất là mỗi khi bão to, sóng lớn. Vậy nên, anh chị quyết định mua chiếc máy Icom cho tiện liên lạc. Hồi đó còn khó khăn, chị Diệp đã mang theo con nhỏ vào Sài Gòn, rồi ra Hà Nội học cách dự báo thời tiết qua việc tổng hợp các dữ liệu từ các trang khí tượng của Việt Nam, Nhật Bản, Philippines, Mỹ ....
Để có thông tin thời tiết chính xác, chị Diệp phải tìm hiểu, xem thông tin trên báo, đài và internet cộng với kiến thức mình học được, ghi chép vào sổ, phân tích, dần dà chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Nhờ đó, tàu của chồng chị biết được hướng di chuyển của bão mà rất nhiều lần đã kịp thời né tránh an toàn. Đặc biệt, ở thời điểm cuối năm 2015 và 2016, khi mà thời tiết trên biển liên tục phức tạp bởi không khí lạnh tăng cường và bão muộn, nhưng nhờ những thông tin mà chị cung cấp, tàu của chồng và một số tàu bạn đi cùng đã di chuyển đến vùng biển an toàn, tiếp tục chuyến biển cuối năm mà không phải bỏ biển để vào bờ tránh trú. Kết thúc những chuyến biển cuối năm đó, mọi người trúng đậm.
Cũng nhờ thường xuyên và đều đặn ngày từ 3 đến 5 lần cung cấp thông tin thời tiết cho chồng, nhiều ngư dân có tàu đánh bắt chung khu vực biển với chồng chị Diệp thấy vậy đã đến nghe thông tin và hỏi thăm tình hình gia đình hay nhắn gửi thông tin về cho gia đình. Cứ thế, chị Diệp dần trở thành nơi cung cấp thông tin về thời tiết, về tình hình ở quê nhà, gia đình cho các ngư dân trên biển.
“Họ tin tưởng và cần giúp thì mình giúp chứ có nghĩ là mình sẽ trở thành “tổng đài” thông tin cho các ngư dân đâu. Ban đầu mình không nghĩ là giúp được nhiều người như thế, mà chỉ nghĩ là làm để đem lại sự an toàn cho chồng và tàu nhà mình. Dần thành quen, ai cần thì mình giúp, chả đòi hỏi gì cả”- chị Diệp chia sẻ.
“Bà đỡ” của ngư dân
Lần giở cuốn sổ ghi chép cụ thể ngày giờ, số tàu cá, tọa độ tàu cá ngư dân thường tập trung, thế nhưng chị Diệp không thể nhớ được mình đã giúp bao nhiêu tàu cá gặp nạn. Chị nhớ nhất vào cuối tháng 9 năm ngoái, lúc đó 10 rưỡi đêm, đài Icom liên tục dội về, chị vội vã kết nối với tàu gặp nạn. Chiếc tàu này của ngư dân Bình Định đánh bắt ở ngư trường Trường Sa bị gãy trục bánh lái, phải thả trôi tự do, 9 thuyền viên trên tàu vô cùng hoảng loạn. Ngay khi nhận được tin, chị chuyển thông tin cho các đơn vị cứu nạn kịp thời cứu giúp, nhờ vậy mà các thuyền viên được cứu kịp thời.
Bà Hồ Thị Điềm, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn có chồng làm nghề câu mực khơi cho hay, ngư dân khi nghe bản tin dự báo thời tiết qua đài quốc gia thì nghe thụ động, nhưng đài chị Diệp thì ngư dân có thể căn cứ vào tọa độ tàu đang đánh bắt để hỏi ngược lại tổng đài, từ đó có những thông tin chi tiết về tình hình sóng, gió, dự báo những ngày tới.
“Ba năm nay trở về trước ngư dân ở đây không mất người như hồi xưa nữa. Mọi năm trước cứ đi biển về là có tin buồn. Nhờ chị Diệp đi Hà Nội học về mua sắm máy móc để liên lạc với ngư dân của Quảng Ngãi biết được tọa độ bão vô ở đâu, ở đâu là mình chạy được, mình né được, hoặc chỗ nào êm, chỗ nào săn”- bà Điềm cho hay.
Chị Diệp cho biết, nhiều ngư dân sau mỗi chuyến biển lại biếu chị dăm, ba lạng cá làm thức ăn. Thậm chí không ít ngư dân từ Nha Trang, Bình Định tới Quảng Ngãi gặp gỡ “ân nhân” của mình.
Ông Nguyễn Thành Tín - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhà nước đầu tư cho xã 2 trạm Icom thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, giao cho Nghiệp đoàn nghề cá quản lý. Nhưng qua thời gian, thiết bị hỏng, trong khi xã không có kinh phí sửa chữa nên hiện nay 2 trạm Icom này đều không hoạt động.
“Khi chị Diệp dùng máy Icom của gia đình để liên lạc với chồng và các tàu thuyền khác, xã rất hoan nghênh và biểu dương chị. Bởi vì, không dễ gì có cá nhân nào làm công ích cộng đồng như thế”- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Nguyễn Thành Tín cho biết thêm.