Người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có những quyền gì?

Báo TN&MT| 20/09/2019 15:36

(TN&MT) – Tôi có 1 người bạn ngoại quốc. Anh ấy đã sống và làm việc ở Hà Nội được 3 năm. Trước đây, anh ấy sống trong ngôi nhà của cơ quan ngoại giao. Nay anh ấy muốn mua nhà ở Hà Nội. Xin hỏi, người nước ngoài có được mua nhà ở Việt Nam hay không và nếu mua thì có đầy đủ các quyền giống người Việt hay không?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo khoản 1 Điều 7 Luật Nhà ở 2014: Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trong đó, khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở 2014, đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

nguoi nuoc ngoai mua nha fmtn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các quyền của người nước ngoài khi sở hữu nhà ở Việt Nam

Theo khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở năm 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:

- Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà.

Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định, cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu;

- Trường hợp được tặng cho, được thừa kế nhà ở không thuộc diện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 159 của Luật này hoặc vượt quá số lượng nhà ở quy định tại điểm a khoản này thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

- Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.

Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam;

- Đối với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm; thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận này;

- Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở theo quy định của Luật này, chủ sở hữu có thể tặng cho hoặc bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; nếu quá thời hạn được sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu không thực hiện bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc sở hữu nhà nước."

Như vậy, bạn của bạn có quyền mua nhà ở nhưng sẽ bị giới hạn bởi số lượng nhà ở được sở hữu và thời gian sở hữu. Bên cạnh đó, khi muốn bán nhà thì phải bán trong thời hạn sở hữu nhà ở là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận, nếu quá thời hạn này bạn của bạn sẽ mất quyền bán nhà và ngôi nhà đó sẽ thuộc sở hữu của nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có những quyền gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO