Ngày 18/12, Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, WWF-Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên - Huế (Hue Innovation Hub) tổ chức Lễ ra mắt Nhóm đối tác hành động giảm nhựa và sự kiện bên lề “Người dùng hiện đại - Không ngại giảm nhựa”
Rác thải nhựa gia tăng là mối nguy hại không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi con người chúng ta. Việc sử dụng tràn lan đồ nhựa dùng một lần như ly nhựa, túi ni lông, ống hút, hộp xốp… đã trở thành một thói quen của đại đa số người dân trong cộng đồng, khiến rác thải nhựa trở thành vấn đề nhức nhối cần được ưu tiên giải quyết
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân – Giám đốc Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” cho biết, theo mục tiêu, đến năm 2024, Huế phấn đấu giảm 30% rác thải nhựa
Với 12 thành viên chính thức ban đầu, Nhóm đối tác hành động giảm nhựa được thành lập nhằm mục đích liên kết và huy động sự tham gia của các khối công tư; cùng nhau đưa ra những ý tưởng và hành động giảm nhựa; từ đó giảm thiểu thất thoát rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên và góp phần đưa Huế trở thành Đô thị giảm nhựa
Chiến dịch “Người dùng hiện đại, không ngại giảm nhựa” được phát động vào ngày 11/12 và chính thức khởi động vào ngày 18/12, là sự kiện đầu tiên được Nhóm đối tác hành động giảm nhựa thực hiện
Chiến dịch đã kêu gọi sự đồng hành của 16 đơn vị kinh doanh gồm 31 cơ sở trên địa bàn TP. Huế và đã có gần 1.000 người dân Huế hưởng ứng cam kết trở thành sứ giả giảm nhựa trên landing page https://huedothigiamnhua.com/
Với thông điệp #Haymangtheotoi, chiến dịch mong muốn có thể truyền tải đến mỗi cá nhân, người tiêu dùng và doanh nghiệp rằng hãy góp phần “một hành động nhỏ tạo nên thay đổi lớn” bằng cách mang theo đồ cá nhân, giảm phát sinh rác thải nhựa ra môi trường
Sự kiện còn mang đến nhiều hoạt động đặc sắc như: Trải nghiệm không gian nghệ thuật Plastic Ocean - Đại dương nhựa; tham quan các gian hàng tái chế và đặc biệt là được mua sắm theo hình thức mua hàng mới “trạm nạp đầy” (refill station) đầu tiên ở Huế với các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường
Ngoài ra, không thể không kể đến một hoạt động mà cho thấy giá trị của rác thải đó là hoạt động “Đổi rác lấy quà”. Mỗi người tham dự sự kiện được khuyến khích mang theo đồ cá nhân như túi, bình đựng nước, chai lọ… để nhận những ưu đãi và phần quà hấp dẫn
Theo ghi nhận, dù thời tiết mưa và lạnh nhưng đã có rất đông người dân TP. Huế, đặc biệt là các bạn trẻ đã mang rác đổi quà cũng như trải nghiệm các hoạt động của chương trình
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ TP. Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương
Đến năm 2024, Huế trở thành “Đô thị giảm nhựa” với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi
Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2021-2024 và được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022-2024)