Do khai thác quá mức, tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan như đất, rừng đang dần suy kiệt, nhất là việc xây dựng ồ ạt các hồ thủy điện, ảnh hưởng các lưu vực sông tại Bản Hồ, Lao Chải, Trung Chải, Ô Quý Hồ... Ða số các công trình hồ chứa thủy điện tại Sa Pa chưa có quy trình vận hành, hoặc có nhưng chưa hợp lý, khiến việc tích nước, xả nước vào những thời kỳ nhất định trong năm, đặc biệt vào mùa khô, không bảo đảm nguồn nước tối thiểu cho hạ lưu.
Người Dao Ðỏ đã xây dựng một hệ thống luật tục bảo vệ nguồn nước, dựa vào những tín ngưỡng tâm linh, điều này giúp họ giữ được tương đối tốt nguồn nước, bởi người dân không dám vi phạm tín ngưỡng của dân tộc mình. Tục lấy nước đầu năm của người Dao Ðỏ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục con cháu phải biết bảo vệ gìn giữ nguồn nước, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường để cuộc sống được ấm no hạnh phúc. Người Dao Ðỏ luôn quan niệm phá rừng là phá chỗ ở của thần nước, thần sẽ đi nơi khác, nguồn nước vì thế sẽ mất đi. Chính yếu tố tâm linh đã góp phần tạo nên cách ứng xử của đồng bào với nguồn nước, góp phần bảo vệ nguồn nước bền vững hơn.
Trong sách cổ của người Dao ghi "nước được ban từ trên trời xuống mặt đất và các con sông", bởi vậy, người Dao Ðỏ quan niệm, đáy sông là tầng thứ ba của thế giới, nơi thủy thần ngự trị. Người Dao Ðỏ thường làm lễ cúng thần nước ở miếu cầu thần, giữa những khu ruộng bậc thang, cách xa bản, xa miếu thờ Thành Hoàng làng, để cầu xin sự hỗ trợ của thần nước, thần đất, thần nông, phù hộ cho họ đắp đập, đưa nước về sinh hoạt, canh tác thuận lợi.