Người dân vùng Lục Khu “hết khát”

Nguyễn Hùng| 21/01/2021 09:51

(TN&MT) - Khi cành đào đua nhau khoe sắc, những chồi non vươn mình dưới ánh nắng ấm áp, nồng nàn của ngày đầu xuân, vượt qua những đèo dốc quanh co, hiểm trở, nhưng cũng rất ngoạn mục, chúng tôi trở lại để chứng kiến những đổi thay của vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Những con đường nhựa, đường bê tông trải dài đưa chúng tôi đến với các xã của vùng Lục Khu. Vùng Lục Khu trước kia có 12 xã, hiện sáp nhập lại thành 7 đơn vị hành chính xã, với khoảng 18 nghìn nhân khẩu. Từ một vùng đất khô khát, người dân sống chung với đá, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, kinh tế còn nhiều khó khăn, đến mùa xuân này, vùng Lục Khu dường như đã “thay da, đổi thịt”, đời sống người dân từng bước được nâng lên đáng kể.

Thượng Thôn là một trong những xã nằm trong vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Trước đây, cứ vào mùa khô, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân sử dụng xe máy hoặc ngựa thồ đi gần chục cây số để chở những can nước về nhà. Thậm chí nhiều năm hạn hán, các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện phải cho xe chở nước sinh hoạt đến cho bà con nơi đây.

Vải địa được xem là giải pháp hữu hiệu để giữ lại nguồn nước mưa cho các xã vùng cao Lục Khu.

Anh Hoàng Văn Cương, xóm Lũng Giàng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng nhớ lại, trước đây cứ đến mùa mưa là người dân lại sử dụng những máng nước để dẫn nước mưa vào chiếc lu sau nhà để dùng cho sinh hoạt. “Năm 2020, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng bể nước sinh hoạt công cộng để phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho các hộ dân trong xóm, chúng tôi rất phấn khởi. Giờ đây, có nước sinh hoạt, người dân đã có thể yên tâm lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình” - anh Cương chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về tình trạng nước sinh hoạt của gia đình, chị Vương Thị Hường, xóm Cả Gioỏng, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng bể nước sinh hoạt gia đình có thể chứa được 5 - 7 m3 nước. Nếu chỉ dùng nước để sinh hoạt thì cơ bản là đủ, nhưng để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thì vẫn còn nhiều khó khăn lắm”.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư xây dựng cho Lục khu, huyện Hà Quảng 35 công trình nước sinh hoạt, trong đó, có 4 hồ vải địa dung tích từ 3.000 m3 - 4.000 m3; 31 bể nước sinh hoạt công cộng và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được 597 téc nước, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 51 tỷ đồng.

Người dân xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) phấn khởi khi được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư xây dựng bể nước sinh hoạt gia đình.

Ông Triệu Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết, Lục Khu là một vùng đặc biệt không chỉ riêng của huyện Hà Quảng mà là của cả tỉnh Cao Bằng. Địa bàn núi đá vôi, độ dốc lớn nên không có lấy một dòng sông, con suối, quanh năm khô cằn.

“Trước đây, khoảng 5 - 6 tháng (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau), huyện Hà Quảng phải sử dụng xe chở từng téc nước lên để “cứu khát” cho người dân vùng Lục Khu. Đến nước sinh hoạt còn thiếu thì làm sao người dân Lục Khu có thể phát triển kinh tế, do đó cùng với thiếu nước thì “cái đói, cái nghèo” cứ đeo bám quanh năm” - ông Triệu Đình Dũng thông tin.

Ông Triệu Đình Dũng cho biết thêm: Trung ương và tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các bể, lu chứa nước và hồ vải địa tại một số xã, đến nay, bình quân một người dân Lục Khu được sử dụng nước sinh hoạt đạt 47 lít/ngày đêm. Nhờ đó, người dân Lục Khu đã hết “khát”. Thời gian tới, huyện Hà Quảng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các bể, hồ chứa nước để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ đời sống nhân dân vùng cao.

Mỗi một mùa Xuân về, dưới ánh sáng của Đảng cùng sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, người dân các xã vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng đang tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thi đua lao động sản xuất, phấn đấu xây dựng cuộc sống mới trên chính mảnh đất quê hương cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân vùng Lục Khu “hết khát”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO