Xã hội

Người dân Văn Quan đổi đời nhờ nuôi cá lồng

Hoàng Nghĩa 21/04/2023 - 15:18

(TN&MT) - Phát huy lợi thế diện tích mặt nước từ hệ thống hồ, đập đem lại, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã hỗ trợ người dân chuyển đổi nuôi cá lồng trên các lòng hồ nhằm tạo sinh kế giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 16,1%.

Khai thác hiệu quả tài nguyên nước

Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, huyện Văn Quan có hệ thống sông suối khá dày đặc. Nguồn nước ngầm và nước mặt khá phong phú, với sông Kỳ Cùng chảy qua các xã: Đồng Giáp, Trấn Ninh, Khánh Khê, Điềm He, chiều dài khoảng 35km. Sông Môpja chảy qua các xã: Lương Năng, Tú Xuyên, Thị trấn Văn Quan, Điềm He… với chiều dài hơn 50km. Ngoài ra, còn có một số con suối khác chảy qua các xã trong huyện.

img_20230419_150617.jpg
Văn Quan là huyện có diện tích nuôi cá lồng lớn nhất tỉnh Lạng Sơn.

Nghề nuôi cá lồng tại Văn Quan chủ yếu tập trung tại Thị trấn Văn Quan với diện tích gần 4.800m3 mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản. Theo thống kê của UBND huyện, Văn Quan có gần 250 lồng cá thì Thị trấn Văn Quan có khoảng 200 lồng cá, 110 hộ nuôi, với các loại cá chủ yếu là trắm cỏ, trắm đen, chép, mè…

Theo nhiều người nuôi cá lồng ở Thị trấn Văn Quan, với thời gian nuôi từ 15 đến 16 tháng, năng suất trung bình đạt từ 1,8 - 3 kg/con, mỗi năm, tổng sản lượng cá ước đạt 30 - 34 tấn/năm, giá bán ổn định từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg, tạo nguồn thu ổn định cho các hộ nuôi cá.

Đặc biệt, cá lồng Văn Quan được nuôi trong môi trường nước sông sạch, chủ yếu ăn cỏ và ngô hạt nên chất lượng thịt thơm ngon hơn so với những nơi khác. Cũng bởi thế, giá cá lồng nơi đây luôn cao hơn các loại cá cùng loại bán trên thị trường.

Theo anh Hoàng Văn Tiến, phố Đức Hinh, Thị trấn Văn Quan, gia đình triển khai mô hình chăn nuôi cá lồng với quy mô 4 lồng cá từ 5 năm nay, mang lại nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, giữa năm 2022, mưa bão đã khiến lồng bè cá của gia đình anh thiệt hại nặng.

Song, không nản lòng, anh Tiến đã tìm hiểu, được Nhà nước hỗ trợ vay 200 triệu đồng vốn ưu đãi (hỗ trợ lãi suất 100%) để gia cố, sửa chữa lồng bè, khôi phục sản xuất, tiếp tục phát triển nghề cá.

screenshot_20230419_152425_gallery.jpg
Tổng sản lượng cá lồng ở thị trấn Văn Quan mỗi năm ước ước đạt từ 30 - 34 tấn.

Chuyển đổi lồng nuôi để bảo vệ môi trường

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan Triệu Đức Dũng, Văn Quan là 1 trong 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Lạng Sơn, điểm xuất phát thấp, quy mô kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, UBND huyện đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo. Huy động mọi nguồn lực, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội thực hiện công tác giảm nghèo. Triển khai rà soát, phân loại hộ nghèo, đảm bảo thực chất theo các tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều, xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ, từ đó, có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đó, triển khai các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững, trong đó, mô hình nuôi cá lồng đã và đang là một trong những hướng đi phù hợp.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng, UBND huyện đã giao các phòng, ban liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn về quy trình, kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cá, thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi kết hợp rau, cỏ và bổ sung thêm thức ăn tinh cho cá.

Đôn đốc các khu phố tuyên truyền các hộ chăn nuôi cá theo dõi, chủ động phòng chống bão lũ, dịch bệnh, chủ động thức ăn cho cá. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn của thị trấn.

Đặc biệt, để giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, nguồn nước, huyện Văn Quan đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ nuôi cá chuyển đổi từ nuôi bằng lồng quây sang lồng treo. Nếu như trước năm 2019, các hộ đều sử dụng lồng quây để nuôi cá, thì đến nay, đã chuyển đổi sang gần 190 lồng treo, chỉ còn một số ít lồng quây và eo ngăn với thể tích nuôi trên 27.000 m3.

Việc sử dụng lồng quây khiến di chuyển khó khăn, thường khiến cá dễ mắc bệnh ngoài da, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển, nếu nuôi quá dày còn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại khu vực lồng nuôi. Do đó, chuyển đổi sang lồng treo còn giúp đàn cá phát triển tốt, dễ chăm sóc hơn, nâng cao giá trị thu nhập cho người nuôi.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của chính quyền các cấp và ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của nhân dân, đầu năm 2022, toàn huyện Văn Quan còn gần 3.000 hộ nghèo thì đến cuối năm đã có gần 820 hộ thoát nghèo, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Năm 2023, huyện Văn Quan đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Huyện cũng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 33 triệu đồng trở lên; 57% lao động qua đào tạo; 98% chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý; 99% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

img_20230419_150608.jpg
Do được nuôi ở môi trường nước sông sạch, giá cá lồng Văn Quan luôn cao hơn các nơi khác.

UBND huyện Văn Quan đã tổ chức Hội nghị công bố nhãn hiệu tập thể “Cá lồng Văn Quan”. Sản phẩm Cá lồng được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, quản lý nhãn hiệu và các phương tiện quảng bá hình ảnh sản phẩm được thiết lập đã góp phần đưa sản phẩm cá lồng của huyện ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương nói chung và các hộ nuôi cá lồng nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Văn Quan đổi đời nhờ nuôi cá lồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO