Người dân KĐT Tân Tây Đô 3 năm dùng nước bẩn: Chủ đầu tư nói gì?

25/12/2017 09:25

Nhiều năm qua, hơn 2000 hộ dân tại khu đô thị Tân Tây Đô, huyện Đan Phượng, Hà Nội vẫn đang phải "đánh liều" dùng nước nhiễm asen vượt quá tiêu chuẩn.

Như tin đã đưa, trong nhiều năm qua, hơn 2000 hộ dân tại khu đô thị Tân Tây Đô, huyện Đan Phượng, Hà Nội vẫn đang phải bỏ tiền mua nước “bẩn” từ nhà máy nước sạch. Cụ thể, nước sinh hoạt mà người dân đang sử dụng có hàm lượng asen (hay còn gọi là thạch tín) cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Theo phản ánh của người dân, nếu không qua thiết bị lọc, nước sạch do nhà máy nước thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam cung cấp không thể dùng trong sinh hoạt. Điều đó đồng nghĩa với việc tiền mua nước tại nhà máy vẫn phải đóng và tiền mua nước đóng chai để ăn, uống thì vẫn phát sinh. Dù đã nhiều lần cầu cứu với chủ đầu tư là công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam - đơn vị cung cấp nước, song trong 3 năm qua, chất lượng nước vẫn không có gì thay đổi.

Người dân KĐT Tân Tây Đô 3 năm dùng nước bẩn: Chủ đầu tư nói gì?
Nước đóng cặn đen. 

Trước những bức xúc của cư dân, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát – đại diện chủ đầu tư khu đô thị Tân Tây Đô cho hay, đơn vị này đã nhận được văn bản yêu cầu cải thiện chất lượng nước của cư dân.

Ông Tuấn thừa nhận rằng nước sạch tại khu đô thị Tân Tây Đô có hàm lượng asen vượt quá quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho biết: “Công ty Hải Phát không phải là đơn vị cung cấp nước, mà chỉ là đơn vị đấu nối với nhà máy để cấp nước cho cư dân. Chúng tôi đã có văn bản gửi sang nhà máy nước sạch, yêu cầu họ có biện pháp để cải thiện chất lượng nước. Thực tế nếu nguồn cấp nước là từ các mạch nước ngầm tại Hà Nội, tỷ lệ vượt tiêu chuẩn về asen là khá nhiều”.

Ngoài ra, ông Phạm Minh Tuấn cho biết, để hỗ trợ người dân khi phải phát sinh thêm các khoản chi phí mua nước đóng chai, công ty Hải Phát đã thực hiện trợ giá nước cho cư dân. Giá nước sạch tại khu đô thị mới Tân Tây Đô được tính theo giá khoán, tức cào bằng là 7000 đồng/m3, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường. Nếu gộp tất cả các khoản này lại, giá nước sẽ tăng lên thành 8.050 đồng/m3. Theo đó, Hải Phát vẫn bù lỗ cho cư dân là 750 đồng/m3.

Song, phía cư dân lại cho rằng, trước nay Hải Phát và công ty nước sạch vẫn có hợp đồng mua bán nước, chứ không đơn thuần là “giúp dân như Hải Phát vẫn nói”.

Ông Phạm Minh Tuấn cũng cho hay: “Hướng tới việc kinh doanh nước sạch do cư dân trực tiếp giám sát chất lượng nước và kiểm soát chi phí của mình, giai đoạn vừa rồi, chúng tôi đã kết nối để cư dân và nhà máy nước tự ký kết hợp  đồng trực tiếp. Theo đó, cư dân sẽ nộp tiền thẳng cho đơn vị cấp nước”.

Tại văn bản số 437/HP-KD về việc điều chỉnh đơn giá nước sạch tại các tòa nhà CT2A-CT2B và HHB do công ty cổ phần đầu tư Hải Phát gửi đến cư dân khu đô thị Tân Tây Đô cũng nêu rõ : “Tình hình cung cấp nước đã ổn định, hầu hết các hộ dân của tòa nhà đã bàn giao đưa vào sử dụng, để đảm bảo đúng nguyên tắc thu chi tài chính và quyền lợi chính đáng của cư dân đối với công ty nước sạch, Hải Phát xin thông báo ngừng việc trợ giá là 750 đồng/m3 với cư dân. Đồng thời dự kiến muộn nhất đến ngày 30/9/2017, Hải Phát và công ty nước sạch sẽ thanh lý, chấm dứt hợp đồng cung cấp nước sạch số 61… ngày 9/4/2015.

Bắt đầu từ 1/10/2017, cư dân các tòa nhà tại CT2A, CT2B và HHB sẽ trực tiếp sử dụng dịch vụ cung cấp nước và thanh toán tiền nước cho công ty nước sạch.

Bắt đầu từ 1/10/ 2017, Hải Phát sẽ ngừng cung cấp nước sạch và việc thu tiền nước trực tiếp đối với cư dân. Vì vậy muộn nhất ngày 30/9/2017, toàn bộ cư dân phải hoàn tất việc ký hợp đồng dịch vụ cung cấp nước trực tiếp giữa cư dân và công ty nước sạch.

Kể từ ngày 1/10/2017, Hải Phát sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với cư dân về việc cung cấp nước sạch”.

Được biết, công ty Nước sạch môi trường Việt Nam là đơn vị cung cấp nước sạch duy nhất tại khu vực này, do đó người dân không còn sự lựa chọn nào khác trong việc chọn nhà cung cấp nước sạch? Như vậy, việc để cư dân tự ký kết hợp đồng mua nước với nhà máy nước là tăng sự "tự giám sát, tự kiểm soát" của cư dân hay một sự đưa đẩy, phủi trách nhiệm khéo của chủ đầu tư?

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Minh Tuấn cho biết, để giải quyết chất lượng nước cho người dân, đơn vị đang liên hệ với đường dây đấu nối nước sông Đà hiện đang kéo về gần tới dự án của Tân Tây Đô. “Về lâu về dài, đây là nguồn nước khá ổn định và chất lượng. Phía chủ đầu tư cũng đang nỗ lực làm việc với đơn vị này để cấp nước cho cư dân”. Tuy nhiên, khi hỏi về lộ trình cụ thể, khi nào, người dân Tân Tây Đô sẽ có nước sạch, thì vị lãnh đạo này lại vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng!

Về phía chính quyền địa phương, ông Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội cho hay, thực tế từ tháng 10/2017 trở lại đây, chính quyền địa phương mới nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân địa phương. “Các vấn đề thuộc thẩm quyền của xã thì xã sẽ giải quyết. Về chuyên môn, xã không thể kết luận chất lượng nước có đảm bảo hay không, nhưng chính quyền địa phương cam kết sẽ đồng hành cùng người dân, đảm bảo người dân được hưởng mọi quyền lợi”, ông Sơn cho hay.

Chủ đầu tư hứa, nhà máy nước hứa, chính quyền địa phương cam kết, song từ năm 2014 đến nay người dân vẫn đang phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo. Thời gian cụ thể về việc người dân có nước sạch để dùng hiện vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác!/.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân KĐT Tân Tây Đô 3 năm dùng nước bẩn: Chủ đầu tư nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO