(TN&MT) – Dòng sông Tiên Hưng là nguồn nước tưới quan trọng cho huyện Đông Hưng, một vựa lúa quan trọng của tỉnh lúa Thái Bình. Dòng sông này ngày càng trở nên sạch đẹp hơn nhờ các hoạt động bảo vệ nguồn nước do chính người dân thực hiện, nhờ sự hỗ trợ của dự án Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý Tài nguyên nước Việt Nam (CAPAS).
Thay đổi nhận thức của người dân
Cách đây gần 3 năm, cuối năm 2011, dự án Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý Tài nguyên nước Việt Nam (CAPAS) đã mang cuộc thi “Những dòng sông quê em” đến với học sinh cấp THCS ở Đông Hưng, Thái Bình. Cuộc thi đã cung cấp thông tin bảo vệ về chính dòng sông quê hương. “CAPAS và Huyện đoàn cùng Phòng Giáo dục Đông Hưng đã lựa chọn đối tượng rất trúng – đó là học sinh cấp THCS. Các em chính là đối tượng “bản lề” trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, để từ đó khi trưởng thành các em có bước đệm trong nhận thức và có những hành động thiết thực hơn đối với môi trường và quê hương” - Phó Bí thư Huyện đoàn Đông Hưng Nguyễn Minh Quân nhận định.
Dòng sông Tiên Hưng trong xanh hơn một phần nhờ chương trình "Những dòng sông quê em"
Cũng trong khuôn khổ cuộc thi này, các trường THCS của Đông Hưng đã mở rộng hoạt động bảo vệ dòng sông, bảo vệ môi trường sống. Cô Mai Thị Tình, Tổng phụ trách của trường THCS Phú Lương cho biết: Bên cạnh cuộc thi “Những dòng sông quê em”, nhà trường cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi và hoạt động khác như: viết bài, vẽ tranh, sưu tầm tranh ảnh về chủ đề dòng sông quê em và tài nguyên nước; lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về tài nguyên nước vào mỗi tiết chào cờ, sinh hoạt và cả các môn học như địa lý, lịch sử… vớt rác ở dòng sông Tiên Hưng quê nhà.
Sức lan tỏa của cuộc thi cũng đến với chính quyền các xã. Lãnh đạo địa phương cũng nhận thấy rõ hoạt động bảo vệ dòng sông có vai trò quan trọng nên đã triển khai nhiều hoạt động cho các tầng lớp nhân dân. Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch UBND xã Phú Lương thì để triển khai hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là đối với nguồn tài nguyên nước, UBND xã thường xuyên phối hợp với Hợp tác xã dọn vệ sinh môi trường như vớt rác, vớt trang, bèo trên sông Tiên Hưng để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bao giờ “những dòng sông quê em” trở lại?
Tính đến nay đã gần 3 năm cuộc thi “Những dòng sông quê em” được tổ chức, môi trường tại xã Phú Lương và một số xã khác trong huyện đã có nhiều thay đổi. Qua tiếp xúc với rất nhiều các em học sinh cũng như các cán bộ lãnh đạo, các nhà quản lý của huyện Đông Hưng, phóng viên báo TN&MT đều nhận được sự mong mỏi về sự trở lại của “Những dòng sông quê em” hoặc một chương trình phát động phong trào bảo vệ môi trường tương tự.
Bà Mai Thị Ngoan, thôn Duyên Tục, xã Phú Lương cho biết: Trước đây, người dân đi chợ Tuộc thường tiện tay vứt rác xuống sông. Rồi cách đây 3 hay 4 năm gì đó, khi thấy con cháu mình ngày ngày đi vớt rác thì chúng tôi cũng ý thức hơn hẳn. Vì thế, con sông này lâu nay không nhìn thấy có nhiều rác thải trôi nổi trên mặt nước nữa. “Nhưng rồi khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi không thấy các cháu học sinh đi gạt bèo, vớt rác ở sông nữa. Giờ dòng Tiên Hưng quê tôi lại bắt đầu nhiều rác, lắm bèo rồi. Bao giờ trở lại thời kỳ như năm 2011 nhỉ?” – bà Ngoan ước ao.
Theo em Nguyễn Mai Phương, hiện đang là học sinh lớp 9A, trường THCS Phú Lương và cũng là cựu học sinh của trường THCS Thị trấn Đông Hưng thì vào tháng 3/2013, trường Thị trấn Đông Hưng có tổ chức buổi ngoại khoá cho hơn 50 học sinh đến từ 2 lớp khối 8 của trường tại sông Tiên Hưng. Buổi ngoại khoá nhằm giúp các em tìm hiểu rõ thực trạng ô nhiễm môi trường nước ở dòng sông, từ đó thúc giục các em có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường bằng các việc làm cụ thể như: không xả rác xuống sông, xuống lòng đường, hè phố và vận động, kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia thực hiện. “Giá như đây là việc làm thường xuyên thì chúng em cũng có ý thức hơn nữa trong bảo vệ môi trường nói chung và dòng sông quê em nói riêng” – em Mai Phương nói.
Khi chương trình đi qua, cứ vài ngày sông Tiên Hưng lại đặc quánh bèo, rác
Đem câu hỏi và cũng là mong muốn của người dân Đông Hưng hỏi lãnh đạo Phòng TN&MT huyện, ông Vũ Quý Nhật, Trưởng phòng cho biết: Để bảo vệ môi trường cũng như tài nguyên nước, UBND huyện đã cho làm bảng tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn nước; phát động toàn dân tham gia tích cực vào công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường; phối hợp với các đoàn thể như: Huyện đoàn, Liên đoàn Lao động huyện, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… tổ chức trồng cây, đặt thùng rác tại một số vị trí đường giao thông chính trong huyện. “Tuy nhiên, để tổ chức một chương trình như “Những dòng sông quê em” rất cần sự hỗ trợ từ những nguồn lực bên ngoài” – ông Vũ Quý Nhật cho hay.
Thiết nghĩ, để các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng duy trì hiệu quả lâu dài thì các hoạt động đó phải gắn với cộng đồng, bởi chính người dân là chủ thể nhận thức được rằng việc bảo vệ dòng sông, bảo vệ môi trường sống mang lại lợi ích cho cuộc sống của họ. Đông Hưng chính là một ví dụ điển hình cho sự gắn kết cộng đồng để cùng nhau bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Rất mong các cơ quan hữu quan từ tỉnh đến Trung ương và các tổ chức Quốc tế quan tâm hơn đến chương trình và người dân để có thể đem “những dòng sông quê em” trở lại với Đông Hưng nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung.
Cuộc thi “Những dòng sông quê em” được Ban quản lý dự án Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý Tài nguyên nước Việt Nam (CAPAS) chỉ đạo và hỗ trợ. Với mục tiêu quan trọng là “Nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước”, dự án được triển khai từ năm 2009, kết thúc năm 2012 dưới sự hợp tác, giúp đỡ từ Chính phủ Vương quốc Bỉ. Trong đó, Thái Bình là một trong 7 tỉnh đầu tiên được hưởng lợi từ Dự án này. Cuộc thi diễn ra vào ngày 12/12/2011 với sự tham gia của đại diện dự án CAPAS, các ban ngành đoàn thể trong huyện, cùng toàn thể các thầy cô giáo và học sinh 2 trường THCS Thị trấn Đông Hưng và THCS Phú Lương, huyện Đông Hưng (Thái Bình). |
Bài và ảnh:Mai Đan