Người dân có biểu hiện giấu dịch, cơ quan chức năng gặp khó

22/03/2019 09:46

(TN&MT) - Hiện, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã và đang diễn biến phức tạp trên đàn heo tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Song, do phần lớn người chăn nuôi đều giấu...

 

(TN&MT) - Hiện, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã và đang diễn biến phức tạp trên đàn heo tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Song, do phần lớn người chăn nuôi đều giấu dịch gây nhiều khó khăn, thách thức cho công tác phòng, chống khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Ảnh 1
Cán bộ Trạm Kiểm kiểm dịch Mađaguôi kiểm tra cấp giấy kiểm dịch xuất bán heo tại TP Bảo Lộc

Người dân cóđang giấu dịch?

Ghi nhận đến hiện tại, ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn TP Bảo Lộc như Đại Lào, Lộc Châu, Lộc Nga, Đam B’ri, Lộc Tiến và B’Lao… đều đã xuất hiện heo bị bệnh nghi LMLM và chết. Tuy nhiên, do chưa nắm được các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước nên người dân đều giấu không trình báo. Trong khi đó việc kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều trở ngại. Ông Bùi Xuân Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp (TTNN) TP Bảo Lộc, cho biết: “Mặc dù người dân không trình báo, nhưng qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện có 29 con heo bị bệnh nghi LMLM tại 2 hộ dân ở xã Đam B’ri và phường Lộc Phát; trong đó, có 15 con bị chết đã được Trung tâm tiến hành tiêu hủy theo quy định”.

Trên thực tế, số heo chết được TTNN Bảo Lộc ghi nhận chỉ là một phần nhỏ trong tổng số heo mắc bệnh tại địa phương. Ông T.V.T(xin giấu tên), ngụ xã Đại Lào, cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi hơn 160 con heo thịt và 26 con heo con gần 1 tháng tuổi, nhưng vừa qua có 2 con heo thịt bị LMLM do tiêm vắc xin bị sót. Riêng bầy heo con, do chưa kịp tiêm vắc xin nên bị bệnh chết không còn con nào”.

Ảnh 2
Người chăn nuôi tại TP Bảo Lộc phun xịt khử trùng phòng, chống dịch bệnh

Tương tự, ông N.B.Q(xin giấu tên), ngụ tại xã Lộc Nga cho hay: “Cách đây hơn nửa tháng, đàn heo 24 con của gia đình tôi đột nhiên xuất hiện các triệu chứng như mọng nước ở mồm, lưỡi, miệng và giữa các ngón chân… rồi bỏ ăn. Heo bị bệnh, gia đình tôi rất lo lắng nhưng không dám trình báo vì sợ bị tiêu hủy mà không được hỗ trợ để tái đàn. Rất may, sau hơn 10 ngày chữa trị chỉ có 2 con bị chết, còn lại đã khỏe mạnh bình thường”. 

Cũng theo ông T và ông Q, suốt thời gian qua, họ chưa được phổ biến các chính sách, chủ trương hỗ trợ của nhà nước cho người chăn nuôi khi có heo mắc bệnh bị tiêu hủy. Vì thế, bà con đều có tư tưởng lo sợ khi trình báo sẽ bị tiêu hủy gây thiệt hại về kinh tế. Do đó, họ quyết định giấu dịch tìm cách chữa trị để “còn nước còn tát”. Điều này, chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Ảnh 3
Xác heo chết được phát hiện tại rừng thông thôn 2 (xã Đại Lào) vào ngày 13/3

Cơ quan chức năng lúng túng

Từ đầu năm 2019 đến nay, TTNN TP Bảo Lộc đã cấp 1.000 lít thuốc sát trùng để các phường, xã trên địa bàn tiến hành 2 đợt phun xịt tiêu độc, khử trùng theo định kỳ. Mới đây, khi dịch bệnh xâm nhiễm, TTNN tiếp tục cấp thêm 100 lít thuốc để các địa phương phun xít, sát trùng khoanh vùng ổ bệnh; đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tới người dân.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng và địa phương chỉ mới dừng lại ở phần “ngọn”. Ông Bùi Xuân Sơn cho hay: “Thông qua công tác kiểm soát, nắm tình hình cho thấy, tình trạng giấu dịch đang diễn ra trong đại đa số người chăn nuôi trên địa bàn. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và phòng chống dịch”.

Theo ông Phạm Công Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào đến thời điểm này, xã đã ghi nhận hơn 30 hộ chăn nuôi có heo bị LMLM . Thống kê sơ bộ, toàn xã đã có hơn 460 con heo bị chết. “Hiện tại, heo bị bệnh và chết đang diễn ra hàng ngày. Song, địa phương đang thiếu hụt thuốc tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh” - ông Hương cho biết thêm.

Theo ông Cấn Đức Tuấn - Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch Mađaguôi (thuộc Chi cục Chăn nuôi thú ý và Thủy sản Lâm Đồng) thì nhiệm vụ chính của Trạm là kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật tại các địa bàn phía Nam. Ngoài ra, Trạm còn có nhiệm vụ cấp giấy kiểm dịch để người chăn nuôi và thương lái xuất bán vật nuôi ra ngoài tỉnh. Ông Tuấn khẳng định: “Qua kiểm tra cho thấy, quy trình phòng bệnh tại các trang trại chăn nuôi tập trung được thực hiện rất tốt. Điều này, đối với người chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình thì trái ngược và khó kiểm soát. Do đó vẫn còn tình trạng thương lái không đăng ký kiểm dịch khi mua heo từ người dân”.

Ảnh 4,
Lãnh đạo các sở ngành và TP Bảo Lộc kiểm tra tình hình kinh doanh thịt heo tại chợ Bảo Lộc

Trước tình hình bệnh LMLM đang diễn ra tại Bảo Lộc khiến các tiểu thương kinh doanh, buôn bán thịt heo lâm vào cảnh lao đao. Bà Mẫn, một tiểu thương buôn bán thịt heo tại Chợ Bảo Lộc, cho biết: “Hơn 2 tháng nay, dường như thịt heo đang bị người dân “tẩy chay”. Vì thế, việc buôn bán của chúng tôi bị ế ẩm. Trước đây, mỗi ngày tôi mổ từ 7 - 8 con heo, nhưng giờ chỉ mổ 2 con/ngày mà vẫn bán không hết”.

Sáng 20/3, Sở NNPTNT cùng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản Lâm Đồng đã có buổi làm việc với TP Bảo Lộc về công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau khi lắng nghe báo cáo tình hình dịch bệnh của địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT, khẳng định: “Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra cho thấy, địa phương chưa thực sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tư tưởng giấu dịch tồn tại trong người dân là do cơ quan chuyên môn chưa tuyên truyền kịp thời và đúng trọng tâm, trọng điểm các chủ trương của nhà nước và của tỉnh. Vì vậy, UBND TP Bảo Lộc cần nhanh chóng chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn heo. Đặc biệt, cần phổ biến rộng rãi các quy định hỗ trợ của nhà nước để người dân yên tâm cùng phối hợp phòng, chống dịch bệnh. Khi phát hiện heo bị chết, địa phương phải chủ động bố trí ngân sách để tiêu hủy tránh dịch bệnh bùng phát trên diện rộng”.

Cũng theo ông Sơn, đối với việc thiếu hụt thuốc tiêu độc khử trùng, Sở sẽ nhanh chóng báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp cấp phát thuốc để địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Như vậy đến nay, Lâm Đồng đã ghi nhận 5 địa phương có đàn heo bị nhiễm bệnh LMLM là Lâm Hà, Đức Trong, Đạ Tẻh, Cát Tiên Và TP Bảo Lộc. Cần khẳng định, đến thời điểm này, Lâm Đồng đã lấy 17 mẫu để kiểm tra dịch tả lợn Châu Phi, nhưng tất cả đều âm tính. Tuy nhiên, cùng với công tác tiêu hủy heo bị chết do bệnh LMLM, tiêu độc khử trùng trên diện rộng thì Lâm Đồng còn triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch tả Châu Phi xâm nhiễm vào địa phương.

Ảnh 5
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng yêu cầu TP Bảo Lộc nhanh chóng vào cuộc phòng, chống dịch LMLM

Chênh lệch lớn về số liệu báo cáo

Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT vào sáng 20/3, cho thấy giữa số liệu báo cáo tình hình dịch bệnh của TTNN TP Bảo Lộc và thống kê của các xã, phường có sự chênh lệch quá lớn. Theo báo cáo của TTNN, đến nay, đơn vị mới chỉ ghi nhận 29 con heo nghi mắc bệnh LMLM tại xã Đam B’ri và phường Lộc Phát; trong đó, có 15 con bị chết. Ngoài ra, tại các xã, phường khác cũng có heo mắc bệnh bị chết, nhưng chưa có số liệu thống kê. Về công tác xử lý, Trung tâm đã tiêu hủy 25 xác heo được phát hiện vứt bỏ ra môi trường.

Trong khi đó, theo báo cáo của các địa phương đến nay ở hầu hết các xã, phường như Lộc Nga, Đại Lào, Lộc Tiến, B’Lao, Lộc Châu, Lộc Sơn, Lộc Phát… đều đã xuất hiện bệnh LMLM trên đàn heo, với số heo mắc bệnh lên tới hơn 1.800 con; trong đó, có hơn 750 con bị chết. Cụ thể, xã Lộc Nga có hơn 800 con heo mắc bệnh (62 con chết); xã Đại Lào có hơn 460 con heo bị chết; phường B’Lao ghi nhận 100 con heo bị chết và phường Lộc Tiến 331 con mắc bệnh, trong đó có 121 con chết…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân có biểu hiện giấu dịch, cơ quan chức năng gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO