“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” - nhà thơ của Việt Bắc chống Pháp đã khái quát sinh động và trọn vẹn tình thế và tâm thế của cả một thế hệ đi đánh giặc.
Mỗi người một vẻ, những nhà thơ nhà văn của ngày ấy đã để cho những chất liệu về rừng núi in đậm dấu ấn lên những trang viết của mình: Những cảnh, những người, những tâm tư, và trên hết là những cảm xúc.
Tôi đã từng nghĩ rằng nếu có cách gì giữ lại được hình ảnh mỗi nơi ta một lần về mắc võng qua đêm, gửi lại một giấc ngủ, một chỗ nằm trong hàng ngàn đêm hành quân thuở ấy, ta sẽ có cả một bộ phim, một cuốn biên sử về mỗi cuộc đời người lính thời chiến trận. Cả Trường Sơn như một mái nhà che mưa nắng, như một kho hậu cần lớn nuôi hết mọi kiếp người, lại như một khu vườn mênh mông tỏa bóng chở che ta, sẻ chia số phận với tất cả và với mỗi cuộc đời. Thơ viết ở rừng và về rừng do vậy cũng mênh mông và bất tận như cảnh trí và hương sắc của đại ngàn.
Trẻ trung nghịch ngợm như Phạm Tiến Duật, đằm thắm và da diết như Nguyễn Duy, mộc mạc và khỏe khoắn như Nguyễn Đức Mậu, sâu lắng và thâm trầm như Nguyễn Khoa Điềm..., và còn nữa, trong bài thơ trên đây chẳng hạn, ta sẽ gặp một giọng thơ rất đặc thù của một nhà thơ xứ Huế - nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Đặc thù rất Huế đó trước hết là lối cảm xúc có cái gì ngậm ngùi và thương cảm hình như đã ngấm vào trong máu của những người con xứ Huế:
Mẹ Trường Sơn tóc mây bạc phơ
Lòng vẫn đau mưa nguồn chớp bể
Hai mươi năm dài trên trán mẹ
Những con đường rừng vẽ nét ưu tư
Những câu thơ như vẽ nên nỗi hiu quạnh, như có ngọn gió lạnh nhè nhẹ thổi qua giữa những con chữ, thứ cảm xúc buồn buồn, dìu dịu ấy có một sức thấm sâu và lan tỏa kỳ lạ, tựa như những giọt mưa thu rả rích, không sũng ướt mà lặng lẽ ngấm dần, ngấm sâu, ngấm lâu vào tận cõi vô thức. Thực lòng, chính tôi đã không biết bao lần lẩm nhẩm trong đầu những dòng thơ dịu nhẹ ấy của anh Tường mà không biết vì sao, không cố ý cũng chẳng vô tình.
Thơ viết ở rừng, về Trường Sơn mà sao còn theo tôi về tận thành phố, đến tận hôm nay, kể cũng lạ, hay đó chính là sự cộng hưởng của cái nhạc điệu tâm hồn mà các thi sĩ lãng mạn của Thơ Mới thường gọi là “điệu tâm hồn”. Tôi vẫn nghĩ, viết về rừng mà buồn bã một chút cũng là phải nhẽ, “Ngã ba rừng hoang lá đầy” sao không buồn, có người không lên rừng mà cũng còn cảm được “Rừng đông buốt giá mưa bay buồn rầu” như Trịnh Công Sơn kia mà. Chất Huế ấy, nỗi hiu quạnh phảng phất ấy đã phủ lên khắp những ngả rừng của Hoàng Phủ Ngọc Tường để vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình với những dấu chân người đi đánh giặc mà tâm hồn không ồn ào đơn giản thô sơ mà lắng đọng, mà trĩu nặng tâm tư, ắp đầy khắc khoải.
Chiều sâu cảm xúc của bài thơ còn được nhân lên bằng đặc thù thứ hai cũng có cái gì rất văn hóa Huế, cộng với một góc nhìn, lối cảm của một cây bút trí thức vốn thâm hậu, ấy là cách nói giàu tính khái quát, một thứ triết học nhân bản được hóa thân vào những chi tiết của đời thường. Ấy là cách cảm nhận về rừng như một bà - mẹ - lớn, vóc dáng mênh mông, tình tứ ôm trùm, mà mỗi chúng ta là một đứa con nhỏ dẫu đi cùng trời cuối đất vẫn lặn ngụp trong nỗi yêu thương chở che của mẹ.
Cách nhìn đó đã đành thời nào cũng có, ở đâu cũng có, nhưng dường như chỉ trong những tháng ngày gian nan nguy khốn mới được chúng ta gọi lên da diết hơn lúc nào hết, và với những đứa con xứ Huế, tiếng gọi, âm điệu nặng tình ấy càng sâu thẳm đến nao lòng, với những Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Ngô Kha trong thơ và Trịnh Công Sơn trong âm nhạc... Đó là thứ cảm xúc tuyệt đối chân thành, quá đỗi thiêng liêng sinh ra trong côi cút, đau thương và máu lệ. Chính Xuân Diệu trong những chuyến công tác vào tuyến lửa Khu Bốn cũng đã hình dung những “đêm hành quân” chân bước đi dò dẫm trên đất mẹ mà như trở về thuở sơ sinh, như “đứa trẻ con đôi mắt khép - sờ mặt mẹ bằng đôi tay tha thiết”, cái cảm giác thân thương và cụ thể đến như là trực giác.
Cả bài thơ này trôi đi trong cảm xúc vừa to lớn thiêng liêng vừa thân gần hiu hắt ấy. Nó là khúc tự tình của một đứa con đi đánh giặc mà như đi trong một vòng tay dịu dàng ôm ấp của người mẹ rừng sâu núi cả, người mẹ lớn quê hương và Tổ quốc. Để rốt cuộc, bài thơ đóng lại trong một hình ảnh bất chợt loé sáng, ấm áp và nhân hậu như đạt đến bến bờ của yêu thương và hạnh phúc:
Người đã qua đây hành quân giết giặc
Người sẽ qua đây đẵn gỗ xây nhà
Trên dấu chân người nhọc nhằn vất vả
Loài lan rừng mùa xuân nở hoa.
Bạn hãy thử nhấm nháp hai câu kết của bài thơ mà xem, sẽ thấy nó ý vị ngọt ngào như một thứ mật ngọt của rừng hay một lời tình tự của mùa xuân.