Người chinh phục những “miền đất khát”

MINH TRANG| 10/08/2020 12:54

(TN&MT) - Nhắc đến ông Nguyễn Ton, nhiều người làm công tác địa chất thủy văn, tài nguyên nước dưới đất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều hình dung ra đó là người đàn ông cao lớn, gương mặt rám nắng vì sương gió. Hơn 30 năm gắn bó với ngành địa chất thủy văn là quãng thời gian ông dành trọn để chinh phục những “miền đất khát” ở dải đất miền Trung, Tây Nguyên khô hạn, cằn cỗi. Từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Kon Tum, Đắc Lắc nơi đâu cũng có dấu chân của ông.

Những ngày tháng 4, tháng 5/2020, nắng như đổ lửa, hạn hán dồn dập, một phần của “vùng đất khát” ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã được hồi sinh khi có những nguồn nước ngầm quý giá do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (QH&ĐTTNN) miền Trung tìm kiếm và khai dẫn.

Từ Tây Nguyên đầy nắng gió…

Còn nhớ, vào cuối năm 2015, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt cho các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”, trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra, ngay từ đầu năm 2016, nhận nhiệm vụ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia giao, ông đã cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung tức tốc lên đường đến các vùng khan hiếm nước để tìm kiếm nguồn nước phục vụ người dân theo yêu cầu của địa phương. Trong số đó có xã Đắc Tờ Re thuộc huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, một trong những địa phương đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hạn hán.

Ông Nguyễn Ton (ngoài cùng bên trái) cùng Đoàn công tác kiểm tra thực địa

Ai đã từng có dịp đi qua vùng Đăk Tờ Re đều biết rằng, đây là nơi có khoảng 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn nước cho sinh hoạt là các giếng đào nông, các trạm cấp nước tự chảy quy mô nhỏ do địa phương xây dựng, nhưng khi mùa khô đến thì nguồn nước này bị cạn kiệt, các con suối trong vùng cũng hoàn toàn trơ đáy, khắp nơi chỉ thấy ngổn ngang những núi đồi trơ trọi, buộc người dân phải đi xa hàng 4 - 5 km để lấy từng gùi nước cho ăn uống sinh hoạt.

Ngay khi đặt chân đến vùng đất khô cằn và nắng gió này, ông đã cùng đồng nghiệp lo lắng, phải bắt đầu từ đâu khi bốn bề là đá granitoit, khả năng chứa nước rất thấp?

Công việc này quả thật khó khăn bởi vào mùa khô nước ngầm hầu như không tồn tại trong vỏ phong hóa của đá gốc ở gần mặt đất. “Vì thế, chúng tôi quyết định nghiên cứu, tìm nguồn nước ngầm trong các đới nứt nẻ, dập vỡ trong đá gốc. Muốn vậy phải phân tích về đặc điểm địa hình, địa mạo, kết hợp với tài liệu viễn thám, cả hình ảnh trên google map, thông tin từ người dân và kinh nghiệm, chuyên môn của bản thân và đồng nghiệp. Trên cơ sở đó, ở vùng Đắc Tờ Re chúng tôi đã khoanh được các dải đất đá có triển vọng chứa nước ngầm để bố trí các tuyến đo địa vật lý và chọn vị trí đặt hai lỗ khoan tìm kiếm, thăm dò chúng. Và kết quả như mong muốn, tại 2 lỗ khoan ấy, chúng tôi đã phát hiện nước ngầm trong đới nứt nẻ dập vỡ trong các đá xâm nhập phức hệ Bến Giằng - Quế Sơn (PZ3bg-qs), ở độ sâu từ 40 m đến 100 m”, ông Nguyễn Ton chia sẻ.

Theo số liệu điều tra, tiềm năng tài nguyên nước dưới đất ở vùng Đăk Tờ Re khoảng 5.000 m3/ngày, trong đó trữ lượng có thể khai thác khoảng 1.400 m3/ngày. Hai lỗ khoan của Dự án có lưu lượng 340 m3/ngày đêm. Trong đợt hạn hán tháng vào tháng 4/2020, theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Liên đoàn QHĐTTNN miền Trung đã xây dựng, lắp đặt hệ thống Trạm cấp nước với công suất 200 m3/ngày đêm để phục vụ nhu cầu khẩn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 4000 người dân.

“Tại buổi bàn giao công trình cho địa phương, khi những dòng nước mát từ sâu trong lòng đất tuôn trào lên, hàng trăm người như vỡ òa, từng ánh mắt, nụ cười của các cụ già, em bé đã làm chúng tôi lặng người xúc động vì công sức của mình đã được đền đáp, những ánh mắt, nụ cười ấy như muốn nói rằng từ đây những cơn khát triền miên từ bao năm qua, những nhọc nhằn lo toan tìm nguồn nước mỗi khi mùa khô về được giải tỏa” – ông Nguyễn Ton xúc động nói.

Đoàn công tác Liên đoàn QHĐTTNN  miền Trung điều tra tìm hiểu tại thực địa

Liên đoàn QHĐTTNN miền Trung trực thuộc Trung tâm QHĐTTNN quốc gia, có trụ sở tại Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, phạm vi hoạt động trong lĩnh vực TNN trải dài ở 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên từ Kon Tum đến Lâm Đồng và 8 tỉnh thành phố khu vực duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.

Liên đoàn có 5 đơn vị trực thuộc tại các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Phú Yên. Lực lượng cán bộ chuyên môn nghiệp vụ Liên đoàn có 1 Tiến sĩ, 12 Thạc sĩ, 95 Kỹ sư và Cử nhân, 85 công nhân kỹ thuật lành nghề, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được cấp trên giao và các nhiệm vụ ngoài vốn ngân sách cấp. Liên đoàn có 45 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

… đến vùng khô hạn nhất cả nước

Sau khi hoàn thiện việc thi công tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng khan hiếm nước thuộc các tỉnh Tây Nguyên, tạm xa vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió, đầu năm 2020, ông lại cùng các đồng nghiệp của mình về “chinh phục” vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận, nơi được xem là khô hạn nhất cả nước để triển khai tiếp Dự án trên

Với vùng đất khô hạn này, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung triển khai Dự án tại các vùng Phước Chiến (Ninh Thuận); Sơn Mỹ, Thắng Hải, Thuận Quý và Tân Thắng (Bình Thuận). Đây là những vùng khó khăn, khô hạn nhất, một bên là biển trời xanh ngắt, một bên là núi đá ngút ngàn, trên mặt đất là các dải cát vàng tít tắp còn bên dưới là các loại đá granit, andezit có tính thấm và chứa nước của chúng gần như không có, muốn tìm được nguồn nước ngầm trong chúng rất khó khăn, phải sử dụng các phương pháp và thiết bị chuyên môn mà địa phương không thể thực hiện.

Ảnh minh họa

Với mục tiêu kịp thời có nước để người dân chống hạn, Liên đoàn đã huy động nhân lực, thiết bị của các đơn vị trực thuộc từ Đoàn Tài nguyên nước Bắc Tây Nguyên (Gia Lai), Đoàn Tài nguyên nước Trung Tây Nguyên (Đăk Lăk), Đoàn Tài nguyên nước Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) đến các Phòng chuyên môn cùng vào cuộc. Vậy là chỉ trong vòng 6 tháng dưới sự chỉ đạo của Phó Liên đoàn trưởng Nguyễn Ton, 5 vùng đất khát ấy đã có nước, kịp thời giúp người dân giải cơn khát đúng thời điểm khô hạn nhất. Ai cũng mừng vì từ nay bên cạnh trạm cấp nước của địa phương lấy từ nguồn nước mặt thường bị thiếu hụt vào mùa khô hạn thì các vùng này đã có thêm nguồn nước dưới đất từ các lỗ khoan của Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” để phục vụ người dân, với vùng Sơn Mỹ là 650 m3/ngày có thể cấp nước cho khoảng 8.100 người với mức 80 lít/người mỗi ngày; vùng Thắng Hải, 380 m3/ngày đêm, đáp ứng khoảng 4.700 người; vùng Thuận Quý, 390 m3/ngày đêm, đáp ứng 4900 người; vùng Tân Thắng, 630 m3/ngày đêm, đáp ứng 7.800 người; vùng Phước Chiến, 560 m3/ngày đêm, đáp ứng 7.000 người.

Vượt qua mọi khó khăn, tìm tòi bà con vùng khô hạn Ninh Thuận, Bình Thuận, đã có nguồn nước sinh hoạt từ Dự án. Hiện tại, Liên đoàn tiếp tục triển khai việc tìm kiếm nguồn nước ở các vùng khan hiếm nước theo thiết kế trong Dự án để mang lại nguồn nước cho người dân.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Ton kể, những ngày thi công tại vùng đất này, ông mới thấm thía trọn vẹn những đặc trưng của vùng đồi cát mênh mông, nắng nóng gay gắt xuyên thấu cơ thể người. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ với khoảng thời gian thực hiện tương đối dài, mặt khác trong quá trình thi công có những trường hợp rủi ro như gặp sự cố về máy móc, lỗ khoan phải xử lý thì sự vất vả tăng thêm.

Vị Phó Liên đoàn trưởng cho biết, đó chính là đặc thù của người làm nghề địa chất thủy văn, tài nguyên nước dưới đất. Vì thế, muốn theo nghề, trước tiên phải có đam mê, yêu, say và tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, tìm kiếm nguồn nước dưới đất là nghề được ví như “ăn cơm nhân gian, làm việc âm phủ”, đối tượng tìm kiếm là nguồn nước ở sâu trong lòng đất, ở những vùng khó khăn, xa xôi, hẻo lánh. Trong khi đó thu nhập từ nghề so với nghề khác chưa phải là cao.

Cũng như những người làm công việc này, ông Nguyễn Ton hiểu rằng, bên cạnh việc “cứu khát” cho những vùng khó khăn, khan hiếm về nguồn nước, họ còn góp phần quan trọng trong việc làm phong phú thêm nguồn cơ sở dữ liệu về lĩnh vực tài nguyên nước dưới đất phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước tại các địa phương. Đó chính là đam mê và niềm tự hào của những cán bộ làm công tác địa chất thủy văn, tài nguyên nước dưới đất như Phó Liên đoàn trưởng Nguyễn Ton.

5 năm qua, Phó Liên đoàn trưởng Nguyễn Ton đã trực tiếp triển khai, tham gia thực hiện các Dự án tài nguyên nước như Lập bản đồ địa chất thủy văn tỉ lệ 1/50.000 các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận; Biên hội - thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỉ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc; Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - Đô thị Buôn Ma Thuột và đô thị Vũng Tàu; Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và Neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và hiện nay, đang chỉ đạo thực hiện 4 nhiệm vụ TNN thuộc các dự án: Điều tra, tìm kiềm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - Đô thị Long Xuyên; Điều tra, đánh giá lập bản đồ TNN các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Quan trắc quốc gia tài nguyên nước vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người chinh phục những “miền đất khát”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO