Người anh hùng chống Pháp cuối cùng của xứ Thanh

02/09/2016 00:00

(TN&MT) - Vượt hơn 100 km từ TP. Thanh Hóa ngược về phía Tây, vòng qua nhiều con dốc, chúng tôi đến bản Nôm, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân. Tại đây, chúng tôi gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp Lò Văn Bường - một trong năm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống pháp cuối cùng của tỉnh Thanh Hóa. Ở tuổi 92, dù sức yếu, nhưng ông vẫn vẹn nguyên hào khí kể về những câu chuyện lịch sử đã qua.

Vững vàng thời chiến

Sinh năm 1924 và lớn lên tại núi rừng Cộc Chẻ, xã Xuân Lẹ, đến năm 18 tuổi, chàng trai dân tộc Thái hăng hái lên đường nhập ngũ và đơn vị ông thuộc Trung đội 3, Sư đoàn 355, ban đầu đóng quân tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), sau đó, được chuyển đến nhiều vùng khác nhau để chiến đấu. Tháng 10/1949, ông được điều sang Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn và phía Nam Xiêng Khoảng để làm công tác dân vận quần chúng đứng về phía Cách mạng. Nơi chốn rừng thiêng nước độc, ông và các đồng đội vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để tuyên truyền, vận động, vạch trần âm mưu của địch, khiến nhân dân giác ngộ và tin tưởng vào Cách mạng.

Mặc dù, tuổi già nhưng ông Bường và vợ bà Trương Thị Pừng luôn tình cảm, mẫu mực
Mặc dù, tuổi già nhưng ông Bường và vợ bà Trương Thị Pừng luôn tình cảm, mẫu mực

Năm 1951, ông được bổ sung về một tổ khác làm nhiệm vụ đi củng cố cơ sở vừa bị vỡ. Do vùng gần đồn địch, nên chúng khống chế mạnh, nhân dân đói khổ, hạn hán, lụt lội. Vừa giúp dân chống đói, vừa kiên trì vận động từng người dân đấu tranh phá tan mọi âm mưu của địch, củng cố cơ sở mới vững chắc. Trong một lần vào bản gặp cai tổng ở Mường Khun, gặp một toán địch và thổ phỉ gồm 20 tên đang lùng sục và bị chúng phát hiện. Quyết không để mình rơi vào tay địch, ông đã lên súng bắn trả, làm thương nhiều tên địch, bản thân ông cũng thương nặng ở tay phải, lưng, mắt và bị truy đuổi vào trong rừng. Nhờ ý chí kiên cường, ông vẫn sống sót sau nhiều ngày  chốn trong rừng sâu hoang vu.

Năm 1953, thực dân Pháp cho quân lính nhảy dù xuống Điên Biên Phủ và cho rằng, khu vực này là bất khả chiến bại. Tại nhiều tỉnh của Lào, bọn thổ phỉ được sự hậu thuẫn của quân Pháp ra sức hoành hành. Ông được chỉ huy phân công về khu vực Xiêng Khoảng tiếp tục công tác xây dựng cơ sở ở vùng sau lưng địch, vận động người dân đi theo Cách mạng. Trong suốt những năm hoạt động, xây dựng cơ sở Cách mạng ở miền Tây nước bạn Lào, ông đã cùng với cán bộ địa phương củng cố lại cơ sở, tổ chức phòng biệt kích và đảm bảo an ninh, phát triển phong trào du kích ở địa phương, lập được nhiều thành tích và tạo dựng được niềm tin trong quần chúng nhân dân, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Chính nhờ sự mưu trí dũng cảm của mình, ông Bường đã lập nhiều chiến công trong công việc xây dựng cơ sở Cách mạng sau lưng địch ở miền Tây nước bạn Lào. Ông nhiều lần được Quân khu IV, Sư đoàn 355 khen thưởng, là Chiến sỹ thi đua của bộ đội tình nguyện giúp nước bạn Lào. Tháng 5/1956, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được tham dự Chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Hà Nội. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục tham gia bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch của xứ Thanh từ cầu Hàm Rồng đến Tĩnh Gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Cống hiến thời bình

Sau giải phóng Điện Biên Phủ, ông Bường được lãnh đạo đơn vị thuyên chuyển công tác về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, ông tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong công việc và được bầu làm Đại biểu Quốc hội trong nhiều khóa. Với ông, dù là ở cương vị nào, quyền lợi người dân, trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu.

Không chỉ kiên cường trong mưa bom, bão đạn, ông còn là một người làm kinh tế giỏi với tài hồi sinh cây quế đặc sản nổi tiếng, có giá trị kinh tế cao ở Thường Xuân. Bất kỳ người dân nào đến học hỏi, những kỹ năng chăm sóc, gieo trồng quế thế nào để đạt hiệu quả kinh tế cao ông đều chỉ bảo tận tình, thậm chí, đến tận nơi hướng dẫn cho bà con. Cây tốt, phát triển, người dân vui mừng một, ông hạnh phúc mười. Tuy là người đi đầu trong phát triển kinh tế nhờ cây quế ở địa phương nhưng với ông, không làm để giàu cho mình mà để cho dân bản thấy hiệu quả của việc canh tác, hạn chế việc chặt phá rừng làm rẫy, để họ vươn lên thoát nghèo chính đáng. Không những thế, ông còn là người có công trong việc hiện thực hóa con đường nhựa kiên cố nối liền từ Xuân Lẹ xuống huyện Thường Xuân thay cho việc trèo đèo, lội suối trước đây.

Hiện, sức khỏe ông đã giảm sút, không đi lại được nhưng trong từng lời nói, cử chỉ của ông vẫn đầy lòng nhiệt huyết cống hiến cho dân bản, vẫn sục sôi ý chí bất khuất kiên cường của một người lính Cụ Hồ. Giờ đây, ước mong duy nhất và lớn nhất của người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là nhân dân sẽ không còn nghèo đói, được sống trong no ấm và hạnh phúc.

Bài và ảnh: Tuyết Trang - Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người anh hùng chống Pháp cuối cùng của xứ Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO