Cây không chê đất khó
Nằm ở phía Bắc huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), một vùng bán sơn địa, núi đồi, đất cát pha xen đá cuội, nắng thì khô hanh, mưa thì xói mòn. Thế nhưng, nơi thổ nhưỡng khó khăn lại là nơi có duyên với cây na dai. Loài cây ưa nắng vừa, không uống quá nhiều nước, không ưa nước đọng, loài cây biết sàng lọc, tích lũy chất dinh dưỡng tinh túy nhất từ đất và khí hậu để trao cho người dân Bồ Lý cơ hội thoát nghèo.
Trước khi đạt chuẩn nông thôn mới, Bồ Lý được biết đến là một xã nghèo, thu nhập thấp, chủ yếu từ nông nghiệp nhỏ lẻ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Cây na thời điểm ấy dù đã xuất hiện ở địa phương nhưng mới chỉ tồn tại theo kiểu sống được trên đất khó và phục vụ nhu cầu ăn trái của gia đình, có cũng được mà không có cũng chẳng sao, chứ chưa đóng vai là cây chủ lực trong trồng trọt và làm kinh tế. Con sông Phó Đáy chạy dọc phía Tây của xã cũng chưa phát huy sức mạnh cung cấp nước phục vụ trồng trọt chăn nuôi.
Làm sao tận dụng được điều kiện tự nhiên để bắt đất đai, khí hậu, thiên nhiên phải phục vụ được con người? Và với 35% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu, làm sao để tất cả người dân cùng nhận thức được yêu cầu phải thay đổi để vươn lên thoát nghèo? Những băn khoăn trăn trở của chính quyền xã cùng với chủ trương của tỉnh, của huyện và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo về trên địa bàn xã đã vực phong trào thoát nghèo của Bồ Lý đứng dậy, bắt đầu từ việc đưa cây na dai trở thành cây nông nghiệp chủ lực.
Với phương châm đất phải nuôi được người, sau khi tìm hiểu thị trường và nghiên cứu địa hình, khí hậu áp dụng lên cây na, xã đã hướng dẫn các gia đình vùng đất đồi chuyển dần từ vườn tạp sang chuyên canh cây na, áp dụng chủ trương mở rộng diện tích theo hướng phát triển quy hoạch có bài bản; hỗ trợ vốn mua cây giống, phân bón; hỗ trợ trang bị hệ thống bơm nước từ sông Phó Đáy lên tưới cây; vận động bà con tham gia Hợp tác xã (HTX) và các lớp tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào việc cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc, thu hoạch, đảm bảo sản phẩm na sạch, an toàn.
Đến nay, sau nhiều năm chung sức đồng lòng, với sự đồng hành của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, cây na đã mang quả ngọt về cho người dân Bồ Lý, là loại cây trồng chính, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Hiện trên địa bàn xã Bồ Lý có trên 500 hộ nông dân trồng na dai với tổng diện tích gần 100ha. Sản lượng na ngày càng tăng, giá bán ổn định, trung bình mỗi năm, hộ trồng ít cũng có thu nhập khoảng 50 triệu đồng, hộ trồng nhiều có thể cho thu nhập trên 400 triệu đồng.
Như ở thôn Ngọc Thụ, gia đình ông Ngô Trung Chín mỗi vụ na thu lãi từ 50 - 70 triệu đồng; gia đình chị Hồng với hơn 5 sào na, thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm; gia đình ông Bùi Huy Hoàng ở thôn Trại Mái có 1.400 gốc na, năm 2019, vườn na của gia đình ông Hoàng mới bói nhưng đã cho thu hoạch 60 triệu đồng; năm 2023, dự kiến gia đình ông Hoàng thu hoạch 170 triệu đồng...
Cơ bản các hộ gia đình tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Tam Đảo (đóng trên địa bàn xã Bồ Lý). Cũng thông qua HTX, trái Na Bồ Lý được bảo hộ, cấp mã số truy xuất nguồn gốc, có bao bì sản phẩm… Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), na dai Bồ Lý của HTX được UBND huyện chọn để xây dựng sản phẩm thế mạnh.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, cây na còn đóng vai trò giải quyết vấn đề môi trường cho các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn xã Bồ Lý và các địa phương lân cận. Người dân trồng na đã liên kết với các trang trại chăn nuôi gà, thu mua, sử dụng phân gà ủ men vi sinh để bón cho na. Một số gia đình trồng na tại Bồ Lý cũng đã thực hiện vòng tròn nuôi trồng khép kín na - gà. Chủ tịch UBND xã Trần Nam Thanh cho biết, trong quá trình giữ vững danh hiệu nông thôn mới, hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững và phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, mô hình na - gà đã cùng lúc giải quyết được mấy vấn đề: tăng nguồn thu nhập, sạch môi trường, tốt cho cây và cho đất thêm dưỡng chất.
Cỏ cũng giúp thoát nghèo
Nhưng đó là câu chuyện của đất đồi, còn với những thôn gần sông, đất vạt, đất tầng dưới gành non trũng úng không thích hợp cho na thì lại phải tính hướng đi riêng, như câu chuyện khởi nghiệp của anh Trần Văn Hùng ở thôn Cầu Chang là một ví dụ.
Tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân xã Bồ Lý nhiệm kỳ 2023 - 2028, hội viên Trần Văn Hùng được chọn Báo cáo thành tích về việc anh được Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen Hộ nông dân Sản xuất kinh doanh giỏi. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp trang trại bò sữa tại đây, anh bảo: “Không phải đàn bò mà những vạt đất bỏ không chạy dọc sông Phó Đáy mới là nguyên cớ đầu tiên khơi nguồn ý tưởng trong tôi. Tôi nghĩ, nếu tôi gây dựng một trang trại nuôi bò thì nơi đây sẽ là vùng cung cấp nguồn thức ăn cho bò từ việc trồng cỏ sữa”.
Nghĩ là làm, anh bắt tay vào gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Đang lúc chạy vạy vay mượn tiền khắp nơi thì anh được xã hướng dẫn thủ tục vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội dành cho hộ nghèo với lãi suất thấp, anh đã có một khoản tiền ban đầu đủ đầu tư mua bò giống và gây dựng chuồng trại. Từ 5 con bò giống ban đầu, nay đàn bò của gia đình đã lên đến trăm con, trong đó 30 con đang cho thu sữa. Mỗi tháng, trừ các khoản chi phí, thu nhập bình quân từ việc thu sữa mang lại cho anh 60 triệu đồng. Hiện anh đang phát triển thêm đàn dê, đồng thời, tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sữa cho một số hộ dân có nhu cầu để cùng phát triển.
Cũng giống như các hộ trồng na nuôi gà, chất thải từ phân bò sẽ được anh Hùng thu gom vào bể chứa, ủ chế phẩm vi sinh và khi đủ thời gian, sử dụng làm phân hữu cơ bón cho cỏ. Chất thải chăn nuôi dạng lỏng (nước giải của bò, nước tắm cho bò, nước rửa chuồng) sẽ được dẫn ra bể chứa, hằng ngày bổ sung chế phẩm vi sinh để khử mùi và hạn chế ruồi muỗi. Chuồng trại được khử mùi bằng dịch vi sinh thứ cấp pha loãng phun lên bề mặt chuồng. Những kỹ thuật này, anh và các chủ trang trại vừa tự tìm tòi, vừa được học hỏi, tham khảo kiến thức từ các Hội thảo bàn về chăn nuôi và xử lý ô nhiễm chăn nuôi do tỉnh tổ chức.
Chủ nhân của trang trại bò sữa quy mô cùng cánh đồng cỏ thấy mình may mắn đã không đơn độc trên con đường thoát nghèo. Anh hiểu rằng, nguồn vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội mà anh được vay với lãi suất rất thấp để phát triển kinh tế là từ ngân sách của Trung ương, của tỉnh Vĩnh Phúc, của huyện Tam Đảo và một phần được chính quyền huy động từ thị trường, ủy thác sang để hỗ trợ dân.
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và sự đồng hành của chính quyền xã đã đổi đời người dân Bồ Lý, đưa cuộc sống đi từ nghèo đói đến no đủ, giàu có; từ có của ăn của để đến được hưởng các chính sách an sinh xã hội, được tham gia bảo hiểm y tế, được sống trong môi trường xanh sạch, trẻ em được cắp sách đến trường... “Gói gọn lại: Đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên. Giảm nghèo như thế mới có sức bền” - anh Hùng quả quyết.
Cùng báo cáo điển hình với hội viên Trần Văn Hùng hôm ấy còn có hội viên Vũ Văn Vận (thôn Nghĩa Lý) với mô hình nuôi gà thả vườn; hội viên Thần Văn Thuyết (thôn Tây Sơn) với mô hình chăn nuôi lợn; hội viên Nguyễn Văn Tuyến (thôn Trại Mái) với mô hình thâm canh cây na dai kết hợp nuôi ong, mô hình vừa kết hợp thu nhập từ 2 nguồn sản phẩm, đặc biệt, ong sẽ làm hộ con người công đoạn thụ phấn na thủ công.
Chủ tịch Trần Nam Thanh cười rất bí mật trước sự tò mò của chúng tôi. Ông bảo: “Vào mùa hoa, đêm nào ở các vườn na cũng sáng đèn tới tận khuya. Người dân sẽ dùng bông tăm chấm vào bông hoa đực để thụ phấn bổ sung cho hoa cái, việc thụ phấn này cho chất lượng quả tốt hơn và thời gian thu hoạch chủ động hơn. Mỗi đêm như vậy, mỗi người dân cũng chỉ thụ phấn được trên chục cây na. Quả thật, thoát nghèo và làm giàu là một công việc chưa bao giờ nhàn hạ”.
Cộng tất cả những sự “không nhàn hạ” và lo toan của dân lại thành nỗi vất vả lo toan của cán bộ. Trong tâm tư của Chủ tịch Trần Nam Thanh, mấu chốt mà họ quan tâm không chỉ là tấm danh hiệu mà quan trọng là chính sách đến với dân như thế nào, đồng vốn từ chương trình có sinh sôi và thực sự hiệu quả không, đời sống người dân ra sao. Ông bảo: “Nếu chỉ tuyên truyền cho xong chuyện hay dân vay vốn xong mà sản xuất kinh doanh thua lỗ thành mình có lỗi trước Đảng trước dân mà đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói”.
Cách mà chính quyền đồng hành với dân ở Bồ Lý còn là việc hỗ trợ ngân sách hình thành các HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tuyên truyền kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, trang bị hệ thống máy móc hiện đại sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa bò, xây dựng thương hiệu sản phẩm để tăng giá trị và thu nhập cho dân. Các chuỗi sản xuất, tiêu thụ theo hệ thống HTX cũng sẽ bảo trợ trước các rủi ro nếu có, vì vậy, cơ bản các hộ dân trồng trọt, chăn nuôi ở Bồ Lý đều tham gia HTX. Mô hình HTX đang được xem là hướng làm giàu mới, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Là người từng theo sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn huyện Tam Đảo với cương vị Trưởng phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Tam Đảo, ông Trần Văn Sáu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tam Đảo khẳng định: “Hiện hơn 95% người dân xã Bồ Lý có việc làm, 90 hộ nông dân là điển hình lao động sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Vốn là một xã nghèo trước đây, Bồ Lý giờ đã thực sự thoát nghèo, đi lên làm giàu bằng cách vận dụng hợp lý chính sách xã hội, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, chăm lam chăm làm, giữ gìn uy tín thương hiệu và có trách nhiệm với cộng đồng. Với những điều kiện cần và đủ ấy, chúng tôi tin, không chỉ thoát nghèo bền vững mà cuộc sống ấm no sẽ còn nảy nở tốt tươi ở đây bằng những sản phẩm ngọt ngào như na dai, bò sữa”.