Nghiên cứu xây dựng phương pháp, công nghệ dự báo dòng chảy mùa cạn
(TN&MT) - Chiều ngày 12/12, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội - đã diễn ra Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp, công nghệ dự báo dòng chảy mùa cạn, thời hạn 10 ngày, tháng, mùa đến biên giới Việt – Trung”
Đây là chương trình hội thảo nằm trong Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hoá học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017- 2025 do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN là cơ quan chủ trì và PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang - Chủ nhiệm Bộ môn Thuỷ văn Tài nguyên nước, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học làm chủ nhiệm.
Tham dự buổi Hội thảo có sự hiện diện của đại diện Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Khoa học & Công nghệ; Viện Địa lý; Trung tâm Quy hoạch Điều tra Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên & Môi trường; Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện PECC1, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thuỷ văn cùng đông đảo các chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực khí tượng thuỷ văn, biến đổi khí hậu.
Về phía Trường Đại học KHTN, có sự tham gia của PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Khoa Địa lý; lãnh đạo Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường và sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực khoa học Trái đất, khí tượng thủy văn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Vấn đề lưu vực sông quốc tế đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng khoa học do tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, nghiên cứu về vấn đề này ở các quốc gia khác vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh mùa cạn năm nay (tháng 6) đang đối diện với thiếu nước, dự báo về dòng chảy mùa kiệt đến các hồ quan trọng đang là mối quan ngại hàng đầu. Cho tới nay, dự án mới đang triển khai ở giai đoạn đầu, trong thời gian đó với sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghiên cứu viên cũng như của các đơn vị hỗ trợ, nhiệm vụ đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.”
PGS.TS. Trần Quốc Bình đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của những đóng góp, bổ sung, chia sẻ tại buổi hội thảo. Nhân dịp này, Phó Hiệu trưởng, Trần Quốc Bình đã gửi lời cảm ơn tới Bộ Khoa học và Công nghệ đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho Nhà trường, đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đơn vị phối hợp và toàn thể các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành đã đến tham dự và đóng góp ý kiến cho buổi hội thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày những khó khăn, thách thức của việc thay đổi chế độ dòng chảy, xu hướng tăng của dòng chảy mùa kiệt và giảm của lũ tác động tới môi trường sinh thái và sử dụng nước trong thời gian dài... Bên cạnh đó, các báo cáo kỹ thuật về Xây dựng cơ sở dữ liệu đa nguồn, đa thời gian phục vụ trong mô phỏng và dự báo dòng chảy xuyên biên giới và báo cáo Xây dựng các đường đặc tính hồ chứa, công nghệ giám sát hồ chứa khi không có số liệu mặt đất và các báo cáo kỹ thuật liên quan cũng được trình bày tại Hội thảo.
Với sự hạn chế của số liệu đo đạc hiện tại, đề tài nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu thập dữ liệu đầy đủ từ nhiều nguồn để có cái nhìn toàn diện và chính xác, từ đó đánh giá thay đổi chế độ thuỷ văn thượng lưu, và phát triển phương pháp công nghệ dự báo dòng chảy mùa cạn.
Nghiên cứu kỳ vọng cung cấp nguồn dữ liệu chất lượng hỗ trợ cho hiệp định đàm phán trong tương lai.
Kết thúc các báo cáo, các chuyên gia và những nhà hoạt động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn tham gia hội thảo đã có nhiều trao đổi và nhận xét đánh giá tốt những kết quả mà nhóm nghiên cứu nhiệm vụ đã thu được trong thời gian vừa qua.