Nghĩa Hành (Quảng Ngãi): Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Có nhiều lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa bản địa, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương góp phần xóa đói, giảm nghèo, trong đó bảo vệ môi trường được xem là nhân tố thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững.
Du lịch là chìa khóa giảm nghèo
Làng du lịch cộng đồng Bình Thành ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành nằm ven dòng sông Phước Giang thơ mộng, nổi tiếng với vùng trái cây sum suê được trồng từ hơn 30 năm, bao bọc bởi cánh đồng lúa xanh mướt. Du khách đến làng Bình Thành sẽ được trải nghiệm cảm giác thanh bình của làng quê Việt, không khí trong lành với hàng cau cao vút…
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn trái cây xum xuê cam, quýt, ông Võ Văn Hoàng ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân chia sẻ, năm 2020 ông được địa phương tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành 70 triệu đồng để trồng cây ăn quả. Với diện tích hơn 1ha của gia đình ông trồng cam, quýt, bưởi, mít và mở rộng trồng dâu nuôi tằm. Thời gian gần đây, vườn trái cây và mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông được nhiều du khách đến tham quan và thưởng thức “đặc sản” trái cây.
“Mỗi đoàn khách đến tham quan ở vườn trái cây HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành trả cho chủ vườn 500 ngàn đồng. Từ ngày có du lịch cộng đồng thì con người, đời sống người dân rõ ràng là thay đổi rất nhiều, hình ảnh quê hương được nhiều người biết đến. Thu nhập từ cây ăn quả hàng năm của gia đình tôi khoảng 50 triệu đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm 100 triệu đồng”, ông Hoàng cho biết.
Thôn Bình Thành có khoảng 209 hộ dân với 846 nhân khẩu, mỗi hộ đều có ít nhất một mảnh vườn trồng trái cây, trong đó toàn thôn có 10ha bưởi, 4ha sầu riêng, 4ha chôm chôm và nhiều diện tích trồng xoài, mít…. Nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng dòng suối nước khoáng nóng tự nhiên, cùng với đó là phong cảnh của một vùng quê hiền hòa, yên ả. Tất cả những điều đó đã tạo nên những tiềm năng để Bình Thành phát triển du lịch cộng đồng. Từ tháng 3/2022, Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành được thành lập có 15 thành viên và liên kết với 200 hộ dân trong thôn làm du lịch cộng đồng. Mô hình kinh tế này cũng đang mở ra cơ hội cho nhiều người dân cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Tấn Thảo (61 tuổi) ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân cho hay, từ năm 2022 đến nay, gia đình ông được nhà nước hỗ trợ giống cây ăn quả, phân, thuốc và được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đồng thời, ông được hỗ trợ trong gìn giữ, phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm hơn 20 năm nay của gia đình. Với diện tích hơn 7 sào, ông Thảo trồng cây dâu, xen với cây ăn quả. Bình quân hàng tháng ông thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa 40 - 45 ký kén tằm, giá bán hiện nay 170 ngàn đồng - 190 ngàn đồng/ ký. Trừ chi phí mỗi tháng gia đình ông thu về trên 8 triệu đồng.
“Từ khi địa phương phát triển du lịch cộng đồng đã giải quyết công ăn việc làm cho bà con trong thôn, trái cây làm ra bán được giá hơn so với trước kia, có được một khoản thu nhập nhất định để trang trải cuộc sống hằng ngày. Cũng mong rằng du khách ngày một nhiều để du lịch phát triển, đó cũng là động lực để gia đình tiếp tục mạnh dạn đầu tư”, ông Thảo bày tỏ.
Khai thác du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Người dân địa phương cho biết, trước đây vườn cây ăn quả của bà con ít ai biết đến. Nhưng bây giờ thì thu hút du khách ngày càng nhiều. Người dân địa phương ai nấy đều phấn khởi, coi đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh thôn văn hóa kiểu mẫu và thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
“Chúng tôi vui lắm! Tất cả các thành viên trong gia đình đều tự giác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh- sạch - đẹp; xây dựng hình ảnh thân thiện để làm hài lòng du khách khi đến tham quan. Du khách đến tham quan được trải nghiệm cách làm trái cây sạch và thưởng thức hương vị của bưởi ngay tại vườn” – chị Đỗ Thị Hương, thôn Bình Thành, huyện Nghĩa Hành chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân cho biết, từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương được UBND huyện Nghĩa Hành quan tâm hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, với diện tích 2ha. Cùng với đó toàn xã hiện có 128 ha trồng cây ăn quả bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm… Đây là điều kiện để phát triển vùng chuyên canh trồng cây ăn quả, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Từ đó người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, hỗ trợ người dân thực hiện 7,8ha trồng dâu để nuôi tằm, vừa tạo việc làm cho người dân vừa phục vụ phát triển du lịch tham quan làng nghề.
Không chỉ chú trọng hỗ trợ người dân phát triển các vùng chuyên canh, cây đặc sản, địa phương còn tích cực phát động cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường. Hiện các mô hình “Ngôi nhà ve chai”, “Thu gom phế liệu gây quỹ”, “Đổi rác lấy quà tặng” đang được người dân địa phương tích cực hưởng ứng. Đến nay, hầu hết các thôn đã triển khai thực hiện một trong số mô hình trên, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở hội đưa các hoạt động dọn vệ sinh môi trường trở thành việc làm thường xuyên tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt ở Bình Thành, bà con tự nhắc nhở nhau giữ vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng them hoa để tạo cảnh quan sạch -đẹp trong mắt du khách.