Nghi vấn Xi măng Vicem Bút Sơn tiêu thụ “đất tặc”?

Việt Linh - Xuân Vũ| 30/06/2020 17:24

(TN&MT) - “Núp bóng” dưới hình thức cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp, nhóm “đất tặc” tại tỉnh Hoà Bình đã vô tư hạ nhiều quả đồi, khai thác thứ đất màu xám sẫm (được cho là Silic dioxit - thành phần quan trọng để sản xuất xi măng)...

Những quả đồi bị nhóm “đất tặc” khai thác nham nhở 

Theo phản ánh của người dân tại tỉnh Hoà Bình về việc thời gian qua có rất nhiều quả đồi tại địa phương này được hạ với chỉ một chiêu bài “hạ độ cao, hạ cốt nền” để canh tác cho có hiệu quả và làm trang trại chăn nuôi. PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều ngày thâm nhập và tìm hiểu toàn bộ sự việc.

Hằng ngày nhóm “đất tặc” xử dụng những chiếc xe vận tải nhỏ để chở đất từ khu vực khai thác tới điểm tập kết tại xã Đồng Tâm.

 

Sau khi vận chuyển đất ra điểm tập kết, hàng loạt xe trọng tải lớn của Công ty CP xi măng Vicem Bút Sơn tiếp tục chở đất từ điểm tập kết về nhà máy (ảnh cắt từ Video clip).

Trong vai một người có nhu cầu mua đất để sử dụng vào việc san lấp, làm gạch men, gốm sứ, xi măng, PV được người dân tại tỉnh Hoà Bình chỉ dẫn: “Nếu chú (PV) mua đất san lấp thì cứ về huyện Kim Bôi, còn mua đất mà làm gốm sứ, xi măng thì tìm về thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thuỷ. Ở đó người ta có nhiều điểm khai thác đất xám sẫm cilic dioxit, ngày nào cũng vận chuyển hàng đoàn qua tỉnh Hà Nam để cung cấp cho các nhà máy xi măng”, một người dân cho biết.

Xe chở đất từ điểm tập kết qua địa bàn thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (ảnh cắt từ Video clip).

Theo chỉ dẫn của người dân, PV Báo TN&MT tìm về thị trấn Chi Nê của huyện Lạc Thuỷ (Hoà Bình). Nằm ngay sát với UBND thị trấn là cả một dãy những quả đồi đang được khai thác nham nhở. Tìm hiểu được biết, một số Công ty tại đây đã thương lượng và mua lại đồi của người dân, sau đó với chiêu bài “hạ độ cao, hạ cốt nền” để canh tác cho hiệu quả, các Công ty này đã hạ nhiều quả đồi, khai thác đất rồi mang đi bán cho các nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất gốm sứ, gạch men để kiếm lời bất chính, gây thất thoát tài nguyên nhà nước.

Xe tiêu thụ “đất tặc” từu Hoà bình chở về lối cổng sau của nhà máy Vicem Bút Sơn (ảnh cắt từ Video clip). 

Sau một thời gian dài theo dõi ghi nhận, số đất mà nhóm “đất tặc” này khai thác được vận chuyển tới nhà máy của Công ty CP xi măng Vicem Bút Sơn địa chỉ tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) để tiêu thụ.

Theo đó, nhóm “đất tặc” này hằng ngày dùng nhiều xe vận tải cỡ nhỏ để vận chuyển đất từ nơi khai thác thuộc thị trấn Chi Nê đến điểm tập kết tại khu vực sát QL21A thuộc xã Đồng Tâm (huyện Lạc Thuỷ). Sau đó, từ bãi tập kết này, hàng loạt các xe tải trọng lớn tiếp tục vận chuyển số đất trên về tập kết tại phía cổng sau của Nhà máy Vicem Bút Sơn.

Bên trong Nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn.

Một người dân cho biết: “Họ thuê bãi để tập kết suốt 2 năm qua, hằng ngày các xe nhỏ chở đất ra đây tập kết sau đó thì xe tải to của Công ty Bút Sơn đến để chở đất về nhà máy. Gia đình tôi có mấy lao động làm thuê, chạy xe chở đất cho Công ty Bút Sơn, mỗi ngày có gần 2 chục xe chạy, như nhà tôi mỗi ngày chạy được 8 chuyến đất chở vào nhà máy. Đây là cilic dioxit, người ta mua về để sản xuất xi măng. Họ cứ mua được ở đất ở chỗ nào là đều mang về bãi này để tập kết hết”, một người dân cho biết.

Phóng viên Báo TN&MT đã theo dõi nhiều ngày và ghi lại những hình ảnh "cung đường đất tặc" từ điểm  khai thác đến điểm tập kết (tỉnh Hòa Bình đến Hà Nam). Đây là hình ảnh đất được vận chuyển từ điểm tập kết về Nhà máy Vicem Bút Sơn tại tỉnh Hà Nam.

Dư luận đặt nghi vấn nếu Công ty Vicem Bút Sơn sử dụng, tiêu thụ đất của nhóm “đất tặc” để sản xuất xi măng liệu có thực sự đảm bảo chất lượng?. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất như thế này liệu có phải là một hình thức lách luật để “trốn” đóng thuế tài nguyên khoáng sản, gây thất thoát nguồn ngân sách nhà nước?. 

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam, tỉnh Hoà Bình và Trung ương  cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý. 

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghi vấn Xi măng Vicem Bút Sơn tiêu thụ “đất tặc”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO