(TN&MT) – Được mệnh danh là loài cá kỳ lạ nhất hành tình, cá còi có thân hình nhỏ như ngón tay với đặc tính “lẩn trốn” sâu dưới lớp bùn nên việc bắt chúng vô cùng khó khăn. Thế nhưng dưới bàn tay điêu luyện của hàng trăm người dân xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thì việc bắt chúng lại trở nên dễ dàng, đúng nghĩa của việc bắt cá bỏ rọ, mang lại thu nhập cao mỗi ngày cho bà con nơi đây.
Bàn tay “ma thuật”
Theo tài liệu tham khảo thì cá còi thuộc họ cá bống trắng, được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực cửa sông, hạ lưu sông và vùng biển ở nhiệt đới. Loài cá này đặc biệt phát triển mạnh ở các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Australia, khu vực các nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).
Theo như kinh nghiệm của các “thợ săn” lão làng cho biết, cá còi có kích cỡ từ 10 - 15cm, to khoảng ngón tay, khoảng 5-7 con/100g. Điều khiến loài cá này có giá trị kinh tế cao nằm ở chỗ thịt của chúng có vị ngon ngọt, mùi thơm tự nhiên và chế biến được nhiều món ăn ngon như: kho khô, lẩu, rán, nấu chua, nướng…
Những buổi sáng sớm, khi thủy triều rút cạn, bờ biển xã Đa Lộc chỉ còn lại bùn đất và cá còi, đây cũng là thời điểm loài cá này đi kiếm ăn, người dân nơi đây lại gọi nhau đi săn cá còi, ai nấy đều hồ hởi, vui mừng và tràn đầy hy vọng rằng sẽ bội thu trong buổi săn bắt. Theo chân các thợ săn chuyên nghiệp, sau 30 phút lội bùn sâu quá đầu gối tôi tiếp cận được “thủ phủ” nơi loài cá kỳ dị sinh sống, lúc này mọi người trở nên bận rộn, ai ai cũng tập trung cho công việc săn cá của mình, đôi bàn tay thoăn thoắt, ánh mắt tinh nhanh, thao tác khẩn trương, dứt khoát là những điều kiện tất yếu phải có nếu như muốn bắt cá còi.
Tận mắt chứng kiến từng người “thu phục” cá còi mới hiểu được sự vất vả, mệt nhọc, cơ cực như bao nghề khác, hầu hết những thợ săn cá còi đều là người trong vùng nên trong lúc bắt những câu chuyện về gia đình, tin tức trên báo đài là “liều thuốc tinh thần” giúp họ quên đi cái nắng của miền Trung, sự mệt nhọc khi lê đôi chân trong bùn lầy và những vất vả trong cuộc sống mưu sinh.
Bà Trần Thị Lãi (58 tuổi), người có hơn 40 năm kinh nghiệm bắt cá còi cho biết: Bắt cá còi không hề đơn giản, khi phát hiện ra lỗ chui của chúng cần phải nhanh chân, nhanh tay đào lớp bùn sâu khoảng 30-40cm, cá còi có đặc tính di chuyển rất nhanh nên nếu là người không có kinh nghiệm sẽ rất khó để bắt chúng. Sau khi bắt được cá còi, phải nhanh chóng cho vào rọ tre được đan xưa, do cá có thể bò được trên cạn nên khong sợ việc chúng sẽ chết, cái tên cá còi được người dân nơi đây gọi cho dễ nhớ xuất phát từ thân hình nhỏ bé.
Mùa của cá còi nhiều nhất chủ yếu tập trung từ tháng Giêng đến tháng 5 Âm lịch, chính vì vậy người dân trong xã Đa Lộc tạm gác lại mọi công chuyên để rủ nhau đi săn “lộc trời” từ 7h sáng đến 12h trưa. Theo quan sát, khoảng cách của mỗi thợ săn là 5-7m, điều này sẽ giúp việc bắt cá còi hiệu quả và đảm bảo cho việc “bắt nhầm còn hơn bỏ xót”, việc bắt cá còi phụ thuộc rất lớn vào đôi tay và kinh nghiệm vốn có được đúc kết từ nhiều năm, đồng thời người bắt sự chịu khó, cam chịu vất vả, sự khéo léo, khỏe mạnh và nhanh nhẹn…đây cũng là nguyên nhân khiến việc bắt cá còi ở ven biển xã Đa Lộc chủ yếu là phụ nữ.
Nhìn lại chiếc rọ đầy cá của mình, chị Nguyễn Thị Độ (49 tuổi, thôn Đông Thành) hài lòng với thành quả đạt được chia sẻ: Việc bắt cá còi tuy nó vất vả nhưng do cả năm chỉ có một mùa nên phải tranh thủ đi bắt, hồi còn nhỏ tôi thường theo chân mẹ, nên khi lớn lên cứ đến mùa cá còi hàng năm lại cùng chị em trong thôn đi bắt. Việc bắt sống cá bằng tay như thế này giúp cá sống được lâu, nên bán được giá, còn đối với cách câu cá còi của một số người đàn ông sẽ khiến cá chết, nên sau khi câu xong họ thường để nấu trong ngày chứ không đem bán.
Kiếm tiền “khủng” mỗi ngày
Những năm gần đây, diện tích bãi biển bị thu hẹp đồng thời ngày càng có nhiều người săn bắt nên giá của cá còi khá cao, với 1kg cá còi thương lái mua lại của người dân với giá từ 180 - 250.000đ. Thời điểm này, người dân cho biết do là đầu mùa và những năm gần đây cá còi được xuất bán sang các nhà hàng Trung Quốc nên có giá cao, đến cuối tháng 5 cuối mùa giá cá chỉ còn từ 100 - 150.000đ/kg, tuy nhiên được cái lúc nào cá cũng trong tình trạng “cháy hàng”. Thường ngày các thương lái sẽ túc trực trên bờ, hễ có người dân nào mang cá lên là mua ngay, vì nếu không nhanh tay sẽ bị người khác mua mất.
Ngày nào cũng có mặt đợi mua cá, thương lái Vũ Thị Duyến (50 tuổi) cho biết: Trung bình mỗi ngày tôi thu mua được của người dân 30-40kg, có hôm nhiều thì khoảng 50kg với giá 220.000đ/kg, sau đó mang thật nhanh về nhà để dùng bình dưỡng khí duy trì sự sống cho cá. Khi gom đủ hàng sẽ xuất bán cho các nhà hàng Trung Quốc để họ chế biến, nhiều hôm đi ra mua muộn nên đành phải tay không đi về.
Do nghề săn cá còi mang lại thu nhập cao, vì vậy ngày đầu mùa nhiều người dân ở các xã lân cận như Ngư Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc…cũng tham gia sắn tay áo, lội bùn sâu xuống bắt cá. Có những thời điểm đông người, con số các thợ săn lên đến hàng trăm người, thậm chí có những nhà có đến 3 người đi bắt thu, việc thu về tiền triệu mỗi ngày là chuyện bình thường.
Vừa xuất bán cá còi cho thương lái, cô Nguyễn Thị Thơm (38 tuổi) đang ngồi nghỉ đếm số tiền trên tay cho biết: Ngày nào cũng có mặt ở đây từ 7h sáng đến 12h trưa để bắt cá, do hoàn cảnh khó khăn và con cái đang tuổi ăn, học nên phải cố gắng đi bắt cá còi kiếm thêm thu nhập, sau khi hết vụ cá tôi sẽ quạy lại với công việc đồng ruộng. Hôm nay 2 chị em đi bắt được khoảng gần 3kg bán được hơn 600.000đ, có những người bắt giỏi, đào nhanh mỗi ngày kiếm được 700 - 800.000đ mỗi ngày, ai bắt kém và sức khỏe yếu cũng kiếm được 250 - 300.000đ.
Hơn 6h tối, khi thủy triều đã lên tận bờ, cũng là lúc các thợ săn xuất bán “thành quả” của mình sau 5 tiếng lao động mệt mỏi vật lộn dưới bùn lầy, đây cũng là lúc mọi người có mặt đông đủ, để người giàu kinh nghiệm chia sẻ cách bắt với những ai mới vào nghề. Những tiếng nói chuyện í ới rôm rả, lời hứa hẹn gặp nhau cho ngày mai đi săn trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết, đây cũng là nét đặc trưng riêng biệt cho văn hóa giao tiếp gần gũi, quen thuộc, suồng sã của những người phụ nữ vùng biển Hậu Lộc mà khó có nơi nào có được.