Nghe chuyện bắt chuột rừng

Mỹ Bình| 09/01/2020 14:14

(TN&MT) - Trong số các nghề truyền thống của người đồng bào Bana, Chăm Hroi làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) tồn tại hàng trăm năm cho đến ngày nay, vẫn được lưu giữ là nghề bắt chuột rừng để cải thiện đời sống bữa cơm gia đình.

Tới làng Canh Tiến phải đi đường mòn từ xã Canh Hiệp qua đèo Nha Sam huyện Vân Canh, hoặc đi đò ngang, xe máy từ Hồ Núi Một, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn mới có thể vào làng. Ngôi làng nằm ẩn khuất bao bọc bởi núi, rừng, nước của Hồ Núi Một rộng lớn. Không có đường giao thông vào làng, địa hình, phương tiện đi lại khó khăn nên cũng không thể lắp đặt hệ thống lưới điện, trạm phát sóng, sóng điện thoại khiến ngôi làng biệt lập với thế giới bên ngoài.

Cuộc sống bình yên của trẻ em làng Canh Tiến

Trong làng hiện có 150 hộ với 520 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Bana, Chăm Hroi và chỉ có 3 hộ không thuộc diện hộ nghèo. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chò chai, chăn nuôi, nương rẫy, lấy mật ong, bẻ lá nón, lượm dầu rái, trồng lúa đều nhờ nước trời vì không có hệ thống tưới tiêu đồng ruộng như người dân vùng đồng bằng. Trong đó, có nghề bắt chuột rừng để cải thiện đời sống bữa cơm gia đình.

Cũng bởi ngôi làng nằm biệt lập giữa núi rừng, đường đi trở ngại khó khăn, người đồng bào làng Canh Tiến tự tìm thức ăn hàng ngày quanh quẩn trong làng hoặc chăn nuôi, trồng trọt. Thức ăn mà người đồng bào Bana, Chăm Hroi làng Canh Tiến ưa chuộng đó là món thịt chuột rừng. Khác với thịt chuột ở đồng bằng có mùi tanh, thích ăn đồ động vật có dầu mỡ, thịt chuột rừng làng Canh Tiến rất thơm, ngon, mềm vì chỉ thích ăn trái cây, lá cây rừng. Thịt chuột là món ăn đặc sản của người đồng bào nơi đây tiếp khách quý đến thăm làng, thăm nhà.

Ông Đinh Văn Canh - Người uy tín trong làng Canh Tiến kể chuyện cho chúng tôi nghe về nghề bắt chuột

Người đồng bào có thể cho con sóc, nhưng chuột rừng nhất định không cho vì họ rất quý con vật này. Những ngày mùa đông giá rét, thịt chuột rừng được gác trên bếp phơi khô, khi không còn thức ăn trong nhà, người đồng bào Bana, Chăm Hroi sẽ mang thịt chuột xuống ngâm nước rồi xào trộn với cà lắc hay gọi là cà rừng để cải thiện bữa cơm gia đình.

Nhưng để có được thịt chuột trên mâm cơm gia đình, họ phải đi bẫy chuột hàng ngày. Chiều ngày hôm trước, họ đi vào rừng đặt bẫy. Sáng sớm hôm sau, họ  ra thăm chuột để thu hoạch thành quả sâu một đêm giăng bẫy.

Kể cho chúng tôi nghe về nghề đánh bắt chuột truyền thống của làng, ông Đinh Văn Canh - Người uy tín trong làng Canh Tiến tâm sự: Trước khi đi bắt chuột phải đi phát đường, tìm đường chuột thường hay chạy qua để đặt bẫy. Bà con thường dùng các loại lương thực mì, bắp, trái cây chuối, thơm, mít để nhử chuột. Bẫy chuột làm bằng mây, cây chẻ dài một gang đến gang rưỡi. Tìm thấy đường mòn chuột chạy mình đặt bẫy, chuột ngửi mùi trái cây sẽ tự mò tới và dính vào bẫy dễ dàng.

Anh So Ước hướng dẫn cách bẫy chuột

Đánh bắt chuột để ăn, cải thiện đời sống thay thức ăn khác thường ngày khi người dân không mua được thức ăn. Bà con đánh bắt chuột vào ban đêm, ban ngày đi bắt nhử sóc. Nghề này tồn tại hàng trăm năm là nghề truyền thống được bà con trong làng truyền thụ và tiếp nối đến nay. Con chuột rừng to nhất khoảng 5 lạng có màu vàng, màu trắng lông dài cứng như con hoẵng. Người đồng bào thích ăn thịt chuột rừng hơn ăn thịt con sóc, do thịt chuột thơm và mềm hơn.

Anh So Ước - người đồng bào Bana chia sẻ nghề bắt chuột: Khi đi đánh bẫy bắt chuột mang theo rựa để phát cây tìm đường chuột chạy để đặt bẫy, cầm theo trái cây mà chuột thích nhất như đu đủ, mít, thơm có vị ngọt. Làm bẫy xong đặt bẫy vô bọng cây, hốc cây nơi chuột thường chạy qua, nếu đặt không đúng chỗ chuột sẽ không bị dính bẫy. Thời gian chuột đi ăn mồi và dính bẫy từ 6 giờ tối ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Đi bẫy ban đêm đến sáng, ra thăm xem chuột có dính bẫy hay không. Có ngày tôi bẫy được 5 - 10 con đủ cải thiện bữa ăn gia đình.

Đặt bẫy chuột

Trong năm vào tháng 11 âm lịch là thời điểm chuột dính bẫy nhiều nhất, do trái cây rụng hết mình đặt bẫy ở đâu chuột đều dính, các tháng 4, 5 chuột ít chạy qua vì thời tiết nắng nóng, trái cây nhiều. Mỗi bẫy dính một con chuột, mình đặt bẫy nhiều sẽ được nhiều con. Ăn không hết gác trên bếp cất đề phòng những ngày mưa gió hoặc tiếp khách quý đột xuất đều có thịt chuột thưởng thức cùng với chén rượu cần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghe chuyện bắt chuột rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO