Đổi thay từ nguồn tài nguyên khoáng sản
Cách đây khoảng hơn 20 năm trở về trước, khi nhắc đến huyện miền núi Quỳ Hợp, địa phương cách xa trung tâm TP. Vinh hàng trăm km vẫn là nơi có hộ nghèo rất cao, hạ tầng cơ sở như điện - đường - trường - trạm còn là ước mơ xa vời của hàng nghìn hộ dân.
Bạt ngàn các dãy núi cao trùng điệp lúc bấy giờ đều “bất động” theo trầm tích mà tạo hóa tạo ra hàng triệu năm vẫn chưa bị xẻ ngang, bạt dọc, khoét sâu… như hơn 10 năm trở lại đây. Khi hệ thống hạ tầng giao thông được cải thiện cũng là lúc mảnh đất Quỳ Hợp trở nên sôi động bởi nườm nượp xe vào, xe ra nối đuôi nhau chở đá trắng, quặng, thiếc quý hiếm về xuôi, tập kết ở các bến cảng biển nước sâu để xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Cuộc sống đổi thay nhờ tiềm năng khoáng sản được tận dụng, khai thác. Nhiều đại gia nhanh chóng đổi đời, giàu lên trong một thời gian ngắn nhờ đá, quặng thiếc được tận thu, khai thác từ những vùng núi mà vốn dĩ lâu nay là nơi truyền đời canh tác phát nương, làm rẫy của đồng bào vùng cao.
Gần 10 năm trở lại đây, khi ngược lên vùng Quỳ Hợp, nơi được ví như “thủ phủ” khoáng sản của tỉnh Nghệ An, có thể dễ dàng nhận thấy các đại công xưởng chế tác đá trắng - một loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao của nước ta. Cùng với đó, hàng trăm biệt thự nguy nga lộng lẫy cũng xuất hiện ở huyện miền núi Quỳ Hợp gắn với tên tuổi các đại gia ở đây.
Theo số liệu mới nhất của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh này có 75 Giấy phép khai thác đá xây dựng với trữ lượng hơn 93 triệu m3, công suất khai thác hơn 7 triệu m3/năm; Có 61 Giấy phép khai thác cát, sỏi với trữ lượng hơn 21 triệu m3, công suất khai thác hơn 1,4 triệu m3/năm; Có 29 Giấy phép khai thác đất san lấp đủ điều kiện hoạt động với trữ lượng hơn 48 triệu m3. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn có các loại khoáng sản khác được cấp Giấy phép khai thác như đá hoa trắng, quặng thiếc, vàng, ruby, than, quặng sắt...
Trong báo cáo trước HĐND tỉnh Nghệ An vào cuối năm 2021, ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết, hiện ngành Thuế đang quản lý 294 tổ chức, doanh nghiệp có khai thác khoáng sản, nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Người đứng đầu ngành Thuế ở tỉnh Nghệ An thông tin vào năm 2020, các doanh nghiệp này đã nộp 869 tỷ đồng và trong 11 tháng năm 2021 đã nộp 1.125 tỷ đồng, bằng gần 8% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tăng trưởng qua các năm và đang đóng góp rất quan trọng vào thu ngân sách Nhà nước.
Con số đóng góp 8% tổng thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản ở tỉnh Nghệ An cho thấy, lĩnh vực này đang góp phần không nhỏ cho địa phương có bước chuyển dịch trên bình diện phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhiều loại khoáng sản quý hiếm ở Quỳ Hợp dành cho xuất khẩu chiếm tỷ trọng nguồn thu không nhỏ trong thời gian qua.
Không để tài nguyên ra đi
Theo số liệu từ Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 2/2022, huyện Quỳ Hợp có 44 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, chủ yếu khai thác đá hoa trắng, đá trắng và quặng thiếc. Trong đó, có 25 giấy phép do Bộ TN&MT cấp và 19 giấy phép do UBND tỉnh Nghệ An cấp. Hiện trên địa bàn huyện này cũng còn có hàng trăm mỏ đá xây dựng được cấp phép.
Đáng quan tâm, gần như toàn bộ các mỏ khoáng sản trên địa bàn Nghệ An đều được cấp phép khai thác trong vòng 15 - 30 năm. Điều này đồng nghĩa với việc, phải sau từng đó thời gian, công tác cải tạo, phục hồi môi trường mới được triển khai thực hiện.
Và, cũng từng đó năm, người dân địa phương sinh sống xung quanh các khu vực khai thác khoáng sản phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm cùng với nhiều hệ lụy phát sinh có thể làm xáo trộn cuộc sống của họ bất cứ lúc nào.
Bằng chứng điển hình nhất là suốt 2 năm qua, người dân xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trước hiện tượng sụt lún địa chất, liên tiếp xuất hiện các hố tử thần có thể “nuốt chửng” nhà cửa, ruộng vườn… bất cứ lúc nào. Sốt ruột trước tình trạng này kéo dài, vào cuối tháng 5/2022, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã phải thị sát và chỉ đạo cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang tạm dừng việc khai thác nước ngầm phục vụ khai thác khoáng sản để điều tra, làm rõ nguyên nhân. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn yêu cầu doanh nghiệp nói trên ngừng khai thác nước ngầm, hàng loạt giếng nước của người dân xã Châu Hồng đã có nước trở lại, hiện tượng sụt lún bất thường cũng tạm thời không xuất hiện.
Mặc dù nguyên nhân chính chưa được cơ quan chức năng công bố nhưng từ thực trạng nói trên có thể thấy, đó mới chỉ là một trong những hệ lụy nhãn tiền đã bộc lộ rõ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp mà một phần do khai thác khoáng sản gây ra. Làm sao “vá” được địa chất, bình đồ của những dãy núi, dòng sông, suối sau hàng triệu năm mới có được đang là câu chuyện đáng quan tâm cho thế hệ mai sau.
Ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra hiện tượng khai thác nhiều nhưng kê khai thuế và sản lượng thực tế khai thác rất ít. Thực trạng này, ngành Thuế địa phương đã rà soát và phát hiện ra hiện tượng nói trên nhưng ngành không đủ thẩm quyền, không có nghiệp vụ để xác định sản lượng thực tế khai thác chính xác của doanh nghiệp. Tình trạng trốn thuế, chây ì thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn còn là bài toán nan giải. Năm 2020 đã triển khai truy thu xử phạt hơn 25 tỷ, 11 tháng của năm 2021 đã truy thu xử phạt 15,6 tỷ đồng.
Chính vì vậy, để tránh tình trạng số liệu khai thác thực tế và trữ lượng, công suất khai thác theo giấy phép “vênh” nhau, rất cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chuyên môn vào cuộc, công khai ngay trong khâu thẩm định trữ lượng mỏ ban đầu. Làm được điều đó một phần cũng tránh được thất thoát thuế tài nguyên quốc gia và kiểm soát tốt hơn bức tranh cân bằng giữa kinh tế với môi trường sống tại địa phương.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương:
Giấy phép khai thác góp phần minh bạch hóa các vấn đề liên quan đến khoáng sản
Huyện Thanh Chương hiện có 9 mỏ khai thác khoáng sản còn hiệu lực khai thác. Trong đó, có 7 mỏ cát; 1 mỏ đá xây dựng; 1 mỏ đất san lấp. Hiện nay có 2 mỏ cát, 1 mỏ sét và 4 mỏ đất san lấp đang hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép khai thác.
Trước đây, khi chưa có Luật Khoáng sản 2010, việc thực hiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với các cá nhân, tổ chức còn lúng túng, bộc lộ nhiều bất cập. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Khoáng sản 2010 ra đời và có hiệu lực, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn được triển khai một cách khoa học, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện cho các các nhân, tổ chức có đủ năng lực cho hoạt động khai thác theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chống thất thu thuế trên địa bàn.
Vì vậy, từ đó đến nay, trên địa bàn huyện cơ bản đã giải quyết được vấn nạn khai thác cát trái phép xảy ra tràn lan như trước đây. Bởi vì các doanh nghiệp khi có giấy phép khai thác sẽ đi vào hoạt động theo khuôn khổ và doanh nghiệp cũng tự bảo vệ nguồn khoáng sản của mình, giảm tải áp lực cho các cấp chính quyền trong việc kiểm soát, đẩy đuổi, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp cũng sẽ góp phần minh bạch về trữ lượng, công suất khai thác và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tránh thất thu thuế.
Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp: Cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản là bắt buộc
Quỳ Hợp được coi là "rốn khoáng" của tỉnh Nghệ An với hàng trăm mỏ khoáng sản các loại. Trong đó, chủ yếu là các mỏ đá trắng và quặng thiếc. Vì thế, áp lực về việc cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác là rất lớn.
Nhiều năm trở lại đây, huyện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho hàng trăm mỏ đi vào hoạt động. Trong đó, có hàng chục mỏ đã hết hạn khai thác và phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Trước thực trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã phối hợp với doanh nghiệp thực hiện cải tạo phục hồi môi trường theo đúng đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giữa năm 2019 - 2021, huyện đã tập trung lực lượng, chỉ đạo UBND xã Châu Thành và Châu Hồng huy động các lực lượng đồng loạt tiến hành san lấp, đánh sập nhiều điểm cửa hầm lò các mỏ khai thác thiếc đã hết hạn tại khu vực Lan Toong, suối Bắc, xã Châu Thành và Châu Hồng đã có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Nghệ An.
Hiện Quỳ Hợp còn 79 giấy phép khai thác khoáng sản còn thời hạn, 78 giấy phép hết hạn và không khai thác, trong đó 50 giấy phép đã có quyết định đóng cửa mỏ, 6 giấy phép đang trong quá trình nâng cấp trữ lượng xin cấp lại. Với những đơn vị đã hết hạn giấy phép và có quyết định đóng cửa mỏ giao về cho địa phương quản lý, UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa cấp phép theo quy định. UBND huyện đang hợp đồng với đơn vị tư vấn lập phương án đánh sập các cửa hầm lò để đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm xử lý tình trạng trên.
Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong: Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là để dành tài nguyên cho tương lai
Nằm ở vùng cao biên giới của tỉnh Nghệ An, Quế Phong là khu vực có nhiều loại khoáng sản như quặng sắt, quặng thiếc, đá thạch anh, vàng, cát… chưa khai thác. Những năm trước có nhiều cá nhân, tổ chức hay lén lút vào địa bàn để khai thác các loại khoáng sản trái phép. Thực trạng trên không chỉ gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường mà còn gây thất thoát, lãng phí tài nguyên quý của quốc gia và nhiều hệ lụy không đáng có.
Điều 18, Luật Khoáng sản 2010 đã quy định rõ về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp. Trong đó quy định, UBND huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật khoáng sản tại địa phương; Chỉ đạo UBND xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.
Hàng năm, công tác tuyên truyền pháp luật về khoáng sản được thực hiện thường xuyên, liên tục. Những cuộc tuần tra, kiểm soát các địa bàn "nóng" về khoáng sản như Tri Lễ, Quang Phong, Cắm Muộn… cũng được huyện chỉ đạo phòng TN&MT, Công an huyện và các xã triển khai thường xuyên để phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại các khu vực có khoáng sản chưa khai thác. Ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép gắn liền với bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là để dành tài nguyên cho các thế hệ tương lai.