Nghệ An: Quan tâm các biện pháp bảo vệ môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ

Đình Tiệp - Thành Vinh| 05/10/2022 19:14

Ngày 5/10, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã đến huyện Kỳ Sơn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa, lũ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Theo báo cáo của huyện Kỳ Sơn, mưa lũ lớn đã cuốn trôi một cháu bé ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ; 56 nhà bị trôi, sập hoàn toàn; 141 nhà bị ngập, sạt lở, hư hỏng nặng; 36 nhà phải di dời khẩn cấp. Mưa lớn cũng gây ngập lụt tại các cơ quan, đơn vị của huyện, nhà làm việc của Công an xã Tà Cạ bị sập hoàn toàn. Nhiều tài sản của người dân như ô tô, xe máy, thiết bị điện tử trong nhà bị cuốn trôi, vùi lấp trong bùn đất.

3(1).jpg
Trận lũ quét lịch sử gây thiệt hại rất nặng nề cho Kỳ Sơn.

Mưa lũ còn làm ngập và sạt lở, tắc đường rất nghiêm trọng 4 điểm tuyến Mường Xén - Tây Sơn, hiện nay xã Tây Sơn đang bị cô lập hoàn toàn. Tuyến Khe Nằn - Chiêu Lưu - Na Ngoi sạt lở 4 điểm, hiện ô tô không qua lại được. Tuyến Huồi Tụ - Na Loi - Keng Đu sạt lở 4 điểm trên địa phận xã Keng Đu. Tuyến giao thông Xiêng Thù - Bảo Thắng tiếp tục ngập cầu tràn và sạt lở ta luy dương 2 điểm thuộc địa phận bản Xiêng Thù và bản Lưu Thắng.

Sau khi nghe UBND huyện Kỳ Sơn báo cáo tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, đây là cơn lũ lịch sử, hàng chục năm nay mới xảy ra, để lại hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Đồng chí chia sẻ với cấp uỷ, chính quyền Kỳ Sơn, các xã và đặc biệt chia sẻ với người dân ở khu vực bị lũ cuốn.

1(3).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung kiểm tra hiện trường và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ quét (B.N.A).

Nhằm sớm đảm bảo ổn định đời sống cho người dân, hoạt động của các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Kỳ Sơn huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn; tập trung kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình bị lũ cuốn gây sập, hư hỏng nhà; Bố trí các nhà tạm để những gia đình có nhà bị sập tạm thời đến nơi ở an toàn.

2(1).jpg
Hiện trường vẫn ngổn ngang bùn đất dù cơn lũ đã đi qua được hơn 4 ngày.

Huyện Kỳ Sơn phải đảm bảo các điều kiện về lương thực, thực phẩm thiết yếu, không để bất kỳ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế, người già, trẻ em, người tàn tật; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở.

Yêu cầu huyện Kỳ Sơn phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng sửa chữa, khắc phục kịp thời công trình hạ tầng thiết yếu; khôi phục các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, các trụ sở cơ quan để tổ chức hoạt động.

3(2).jpg
Người dân tích cực dọn dẹp để sớm ổn định lại cuộc sống.

Cùng với đó, huyện cần quan tâm các biện pháp bảo vệ môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ; nhanh chóng khôi phục sản xuất, góp phần ổn định đời sống cho người dân; Tiếp tục tập trung theo dõi tình hình mưa lũ, tổ chức lực lượng rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Liên quan đến công tác vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh tật phát sinh sau lũ, Bs.CKII. Hoàng Quốc Kiều - PGĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, cho biết: Từ ngày 04/10, sau khi nước lũ cơ bản đã rút thì đoàn công tác của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã lên huyện biên giới Kỳ Sơn để hỗ trợ xử lý môi trường, nước và phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng tâm lũ. Sáng ngày 5/10, Đoàn công tác đã tới bản sâu nhất bị thiệt hại là bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn.

5(1).jpg
Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An kiểm tra nguồn nước (CDC).

Theo thống kê từ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, tình hình thiệt hại tại bản Sơn Hà gồm có 5 hộ gia đình bị trôi nhà; 20 hộ gia đình phải di dời khẩn cấp; 16 hộ gia đình có nhà bị hư hỏng nặng; Các công trình vệ sinh hư hỏng gần như hoàn toàn; Thiếu nước sạch sử dụng trên diện rộng tại bản. Đoàn công tác đã triển khai một số hoạt động nhằm ứng phó kịp thời.

4(1).jpg
Hướng dẫn người dân xử lý môi trường, tránh phát sinh dịch bệnh (CDC).

Đoàn đã thăm hỏi người dân gặp điều kiện khó khăn; Khám và phát thuốc phòng, điều trị các bệnh thường gặp trong bão lũ, ngập lụt (Tiêu chảy, đau mắt đỏ, các loại thuốc giảm đau, hạ sốt..).

Đoàn cũng đánh giá tình trạng vệ sinh nguồn nước và hướng dẫn người dân cách xử lý nước sinh hoạt trong mùa mưa lũ, ngập lụt; Hướng dẫn và cấp phát hoá chất vệ sinh khử khuẩn môi trường, nhà cửa sau bão lũ.

6.jpg
Kiểm tra để xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân vì hiện nay nguồn nước rất khan hiếm (CDC).

Sau khi triển khai các hoạt động hỗ trợ tại bản Sơn Hà, Đoàn trở về Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn để tổng kết, rút kinh nghiệm và bàn giao cơ số hóa chất, hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện các nội dung chuyên môn để triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ tại các địa bàn tiếp theo để đáp ứng với các tình huống y tế có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Quan tâm các biện pháp bảo vệ môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO