Xã hội

Nghệ An: Những mô hình chăn nuôi “đi đầu” ở Quế Phong

Phạm Tuân 30/09/2024 22:09

Ở huyện Quế Phong, những năm gần đây nổi lên một số mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ đó, có hiệu ứng lan tỏa với cộng đồng, góp phần giúp nhiều hộ dân làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Làm giàu trên mảnh đất tái định cư

Sau trận lũ quét lịch sử tàn phá kinh hoàng vào năm 2007 cướp đi sinh mạng của 13 con người ở bản Pục và bản Méo (xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), có tới 65 hộ dân ở hai bản này phải dời xa quê cha đất tổ vào khu tái định cư bản Piêng Lâng để gây dựng lại cuộc sống.

Sau vài năm “khởi nghiệp”, Trang trại nuôi gà bản địa dưới tán rừng quế của gia đình anh Quang Văn Trung nay trở thành một trong những mô hình kinh tế rất tiêu biểu của xã Nậm Giải. Dưới tán rừng quế được quây lưới rộng hàng nghìn mét vuông, hàng trăm con gà bản địa đã đến tuổi xuất chuồng đang thỏa sức tìm mồi dưới tán cây quế. Con nào lông cũng óng mượt, sạch sẽ, khỏe mạnh khiến ai nhìn vào cũng cảm thấy rất đã mắt.

a1.jpg
Gà con của anh Quang Văn Trung.

Anh Quang Văn Trung phấn khởi cho biết, trước đây anh đã từng đầu tư nuôi các giống gà lai được chuyển từ miền xuôi lên nhưng đều thất bại do không phù hợp với khí hậu khắc nghiệt trên địa phương này. Sau những thất bại đó, năm 2019, anh quyết định chuyển sang nuôi gà bản địa. Để có nguồn con giống, anh đến từng gia đình trong các bản mua những con gà bản địa về nuôi gom để nhân giống. Gà bản địa có trọng lượng nhỏ, số lượng trứng của gà mái sinh sản hàng năm thấp, chỉ có 90 - 100 quả/năm. Tuy nhiên, ưu điểm là giống gà bản địa có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh và chịu được khí hậu ở đây, nên đàn gà phát triển ổn định.

a3.jpg
Mô hình khởi nghiệp của anh Trung rất có triển vọng.

Khi đàn gà được nhân lên hàng trăm con mái đẻ, anh Trung đầu tư mua lò ấp trứng để cho ra con giống, ngoài phục vụ chăn nuôi tại gia, anh còn cung cấp cho nhiều gia đình trong xã nuôi. Chăn nuôi ngày càng phát triển, đặc biệt nhiều thanh niên có ý chí vươn lên trong cuộc sống, anh nảy ra ý tưởng thành lập HTX chăn nuôi, nhằm chủ động cung ứng lượng gà thịt hàng hóa lớn để cung cấp ra thị trường. Năm 2022, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Tâm ra đời với 18 thành viên; với lượng gà mái đẻ luôn duy trì trên 500 con, mỗi năm cho xuất chuồng gần 20.000 con giống cho thị trường.

a2.jpg
Những con gà bản địa thương phẩm có giá trị kinh tế cao.

Các xã viên xây dựng hệ thống chuồng trại thành 2 - 3 ngăn, nhằm mục đích nuôi theo hình thức gối lứa. Bởi vậy, thời điểm nào trong năm HTX cũng có nguồn gà thịt cung ứng cho thị trường. Loại gà bản địa này, nuôi sau 5 - 6 tháng là xuất chuồng, trọng lượng gà chỉ đạt từ 1,2 - 1,5kg/con, do nuôi theo hình thức bán thả đồi, thức ăn chủ yếu các sản phẩm nông nghiệp do bà con làm ra: Ngô, lúa, sắn… nên chất lượng đảm bảo, khách hàng ưa thích. Do đó, dù với giá gà thịt hơi 145.000 đồng/kg nhưng vẫn bán rất chạy.

a4.jpg
Nhiều người đến học hỏi mô hình anh Trung.

Anh Quang Văn Trung, cho biết: “Thị trường chủ yếu hiện nay của bọn em mới chỉ khu vực thị trấn Kim Sơn, chưa mở rộng ra các huyện, thành phố. Do vậy, tới đây em có định hướng mở rộng thị trường bằng cách đầu tư lò giết mổ tại chỗ, với mục đích cung ứng cho khách hàng thịt gà làm sẵn. Theo đó, sản phẩm gà làm sẵn được đóng bao bì hút chân không để thuận lợi cho việc vận chuyển. Đây cũng là giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và thuận lợi hơn cho khách hàng, đặc biệt là các nhà hàng và khách từ miền xuôi lên”.

Đàn trâu, bò “khủng” của ông Pó

Ông Pó cầm gói muối, đứng trên một hòn đá cao nhất ở đỉnh Pú Thăm Tạp rồi khua tay gọi trâu, bò. Chưa đầy 5 phút, đàn trâu, bò với gần 70 con lũ lượt chạy về khu vực ông đứng để ăn muối. Vừa vuốt ve lũ trâu, bò, ông Pó vừa giải thích với tôi, phải cho chúng ăn muối để tăng thêm khoáng chất, tăng sức đề kháng. Đồng thời, khi chúng đã “nghiện” muối thì rất dễ gọi về, vừa để kiểm đếm, vừa kiểm tra bệnh tật.

b2.jpg
Khu vực chăn nuôi gia súc của ông Pó.

Ông Pó tiếp tục giảng giải về kỹ thuật chăn nuôi trâu bò. “Cái giống này là rất kỵ giá rét, mà thời tiết trên này thì các anh biết rồi đấy, rét lắm. Nuôi trâu, bò mà không có chuồng trại che chắn thì dễ bị mất trắng. Và vào mùa rét thì cây cỏ cũng gần như chết hết, nếu không dự trữ thức ăn thì chúng làm sao đủ sức chống chọi với mùa đông” - ông Pó giảng giải.

Chỉ tay về sườn núi bên kia, rằng có cả một khu rừng thế này rồi mà ta vẫn cứ phải dành một số diện tích lớn để trồng cỏ voi, không có nó thì trâu, bò làm sao mà đủ no cái bụng được. Rồi như chợt nhớ ra một bí quyết nhà nghề, nét mặt của ông trở nên nghiêm trang, giọng đanh lắm: “Muốn có trâu, bò tốt thì phải có giống tốt. Cho nên cứ ba, bốn năm là phải thay con đực một lần, có thế thì bê, nghé sinh ra mới khoẻ mạnh, chất lượng cao”.

b3.jpg
Ông Pó gọi đàn gia súc về "thảo nguyên".

Ăn muối xong, trâu bò lững thững trở về với đồng cỏ của chúng. Chúng tôi cũng rời đỉnh Pú Thăm Tạp về với căn chòi của ông Pó dựng lên giữa lưng chừng núi để canh giữ đàn trâu, bò.

Trong căn chòi tạm, vợ ông Pó là bà Thò Y Chia tâm sự rằng, ông bà có hai con gái, hai trai, đứa nào cũng có gia đình rồi và cuộc sống cũng rất ổn. “Con trai đầu của ta học giỏi, nó đi làm thầy giáo, được về dạy ở trường của xã Tri Lễ đó. Ngôi nhà to vừa mới xây sát ngay nhà ta là nhà của nó đấy…” - bà Thò Y Chia tự hào khoe.

b4.jpg
Hơn 70 con trâu, bò là gia sản tiền tỷ của gia đình ông Pó.

Theo tiết lộ của ông Pó, thời điểm này, giá một con trâu thịt nặng khoảng 1,5 tạ có giá 30 triệu đồng, con bò khoảng 1 tạ có giá 17-18 triệu đồng. Tính bình quân, đàn trâu, bò của ông Pó có giá trị khoảng hơn 1,2 tỷ đồng nhưng ông chưa nhận mình là giàu. Điều khiến ông tự hào nhất là nhờ chăn nuôi, bản thân đã thoát nghèo, trả hết nợ và nuôi dạy con cái trưởng thành.

Đánh giá về mô hình chăn nuôi của ông Lỳ Nỏ Pó, ông Lữ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, phấn khởi cho hay: "Trang trại của ông Pó có quy mô tổng đàn nhiều nhất xã, có thời điểm lên tới hơn 100 con gia súc các loại. Không chỉ làm kinh tế giỏi, được báo cáo điển hình tại hội nghị nông dân giỏi toàn tỉnh, ông Pó nhiều năm liền được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

b1.jpg
Ông Pó tươi cười chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình.

Làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Pó còn nhiệt tình truyền kinh nghiệm chăn nuôi cho nhiều hộ dân trong xã. Từ mô hình kinh tế hiệu quả của ông Pó, Đảng ủy, chính quyền xã Tri Lễ đã tổ chức các hộ dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm để từ đó nhân rộng ra địa bàn toàn xã. Tính đến nay, xã biên giới Tri Lễ có hơn 100 mô hình chăn nuôi, mặc dù quy mô còn nhỏ, lẻ nhưng đã và đang chứng tỏ hướng đi đúng trong phát triển kinh tế ở địa phương vùng biên này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Những mô hình chăn nuôi “đi đầu” ở Quế Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO