Nghệ An: Người dân lo sợ vì sạt lở 2 bờ sông Lam

26/10/2018 10:08

(TN&MT) - Từ nhiều tháng qua, chính quyền và người dân một số huyện nằm hai bên bờ sông Lam như Con Cuông, Anh Sơn… hết sức lo lắng bởi tình trạng sạt lở đất nông nghiệp với diện tích lên đến hàng chục héc ta. Hiện tượng trên nếu không được đầu tư xây kè chống sạt ở những điểm xung yếu thì nguy cơ mất thêm đất là điều khó tránh khỏi.

Có mặt tại bãi bồi ven sông Lam ở xóm Thủy Khê, xã Chi Khê (huyện Con Cuông) những ngày cuối tháng 10/2018, chúng tôi ghi nhận tình trạng sạt lở đất nông nghiệp ăn sâu vào tận gần nhà dân. Hiện tượng sạt lở kéo dài hàng vài ki lô mét từ cầu treo Bãi Ổi xuống gần đến cầu treo Thành Nam.

Sạt lở phía dưới cầu treo Bãi Ổi, xã Chi Khê, huyện Con Cuông
Sạt lở phía dưới cầu treo Bãi Ổi, xã Chi Khê, huyện Con Cuông
 

Được biết, hiện tượng sạt lở đất hầu hết năm nào cũng có, thế nhưng trong các đợt mưa lũ của năm 2018 này tình trạng sạt lở diễn ra với quy mô lớn và nghiêm trọng hơn.

“Sạt lở mạnh nhất là vào 2 đợt mưa lũ tháng 7 và tháng 8 năm nay. Trước đây, diện tích đất canh tác nông nghiệp ở bãi bồi xã Chi Khê rất rộng, năm nào người dân cũng trồng ngô và các loại hoa màu khác. Thế nhưng năm nay không hiểu vì sao nước dâng cao và chảy xiết quá nên đất sạt lở hết rồi” - Anh Nam, người dân xóm Thủy Khê, xã Chi Khê cho biết.

Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng
Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng

Được biết, tại huyện Con Cuông, ngoài xã Chi Khê thì xã Bồng Khê là một trong những địa phương bị sạt lở đất nhiều nhất. Theo số liệu thống kê thì toàn xã có đến trên 5ha đất sản xuất nông nghiệp ở bãi bồi sông Lam bị sạt lở, kéo dài từ khu vực gần giáp ranh với xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn) lên gần thị trấn Con Cuông.

Ăn sâu vào đất sản xuất
Ăn sâu vào đất sản xuất
 

Anh Nguyễn Văn Tuấn, người dân thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê, phản ánh: “Năm nay mưa lũ gây sạt lở đất ghê quá. Nhà có vài sào đất nông nghiệp để canh tác hoa màu nhưng nay đã bị sạt lở gần hết. Nếu không có giải pháp làm kè chống sạt lở thì chỉ ít lâu sau vùng này sẽ hết mất đất canh tác”.

Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Con Cuông, sau đợt mưa lũ tháng 8/2018, trên địa bàn huyện có 25ha đất bên bờ sông Lam bị sạt lở (mất vĩnh viễn), 20ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp. Trong đó, xã Lạng Khê là 12ha; Châu Khê 4ha; Cam Lâm 2,5ha; Chi Khê 2,5ha và Bồng Khê là 5ha.

Kéo dài hàng ki lô mét
Kéo dài hàng ki lô mét

Ngoài ra một số vùng thuộc thị trấn Con Cuông cũng xảy ra hiện tương sạt lở đất như đã phản ánh ở trên. Điều đáng nói là tại một số điểm sạt lở khá gần với khu dân cư và đường QL7, vì thế đã gây không ít lo lắng cho người dân và chính quyền các địa phương bị sạt lở.

Một điểm sạt lở vào gần nhà dân ở xóm Thủy Khê, xã Chi Khê
Một điểm sạt lở vào gần nhà dân ở xóm Thủy Khê, xã Chi Khê

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Con Cuông, cho hay: “Hiện tượng sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của người dân ở các xã như Lạng Khê, Bồng Khê, Châu Khê… là khá lớn. Hiện tượng sạt lở trên hầu như năm nào cũng xảy ra nhưng năm 2018 là sạt lở và thiệt hại nhiều nhất. Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền đầu tư kinh phí để xây dựng kè chống sạt để người dân có đất canh tác lâu dài”.

Hơn 25ha đất sản xuất của người dân Con Cuông bị “hà bá” cuốn trôi
Hơn 25ha đất sản xuất của người dân Con Cuông bị “hà bá” cuốn trôi
 

Tại huyện Anh Sơn, hiện tượng sạt lở đất cũng xảy ra ở nhiều xã như Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn, Lạng Sơn, Thành Sơn…

Theo ghi nhận tại Thôn 5, xã Đỉnh Sơn hiện tượng sạt lở đất ven sông Lam đã ăn sâu vào nhiều mét. Đặc biệt, khu vực phía sau Nhà máy đường Sông Lam nhiều điểm bị sạt lở thêm khoảng từ 1-2m, rất nguy nhiểm. Ngoài ra, khu vực phía tên cầu Cây Chanh nối từ xã Đình Sơn sang xã Thành Sơn hiện tượng sạt lở đất cũng khá nghiêm trọng, nhiều diện tích đất trồng ngô sinh khối của người dân vốn canh tác nay đã bị sạt lở vào khá sâu, người dân hết sức lo lắng.

Điểm sạt lở ở xã Đỉnh Sơn, phía sau Nhà máy đường Sông Lam
Điểm sạt lở ở xã Đỉnh Sơn, phía sau Nhà máy đường Sông Lam
 

“Xã chúng tôi năm nào cũng bị sạt lở nhưng ít hơn, năm nay theo số liệu thống kê thì có khoảng 3ha đất bị sạt lở. Rất may là ở phía trên gần giáp với bờ rào của Nhà máy đường Sông Lam nhà nước đã đầu tư kè năm 2016 nên đợt mưa lũ năm nay không bị sạt ở vùng này, nếu không sẽ đe dọa các hộ gia đình sống sát đó” - Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, cho hay.

Còn ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, cho biết, sau 2 đợt mưa lũ vào tháng 7 và tháng 8/2018 thì địa phương này bị mất khá nhiều đất sản xuất, chưa kể số bị vùi lấp. “Một số khu vực ven sông Lam bị sạt lở rất nặng, toàn xã bị sạt lở có lẽ khoảng 5- 6 ha đất canh tác nông nghiệp của người dân, ngoài ra, một số nhà ở sát sông cũng bị hiện tượng sạt lở đe dọa”.

Hai bên bờ sông Lam sạt lở nham nhở
Hai bên bờ sông Lam sạt lở nham nhở

Trước thực trạng hai bờ sông Lam đang sạt lở nghiêm trọng và diễn biến phức tạp khiến cho hàng nghìn hộ dân sống dọc hai bờ sông đang ngày đêm lo lắng khống biết vườn tược, hoa màu, tài sản và thậm chí đến cả tính mạng đang bị dòng nước cuốn trôi bất cứ lúc nào. Rất mong UBND tỉnh Nghệ An cần có biến pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Người dân lo sợ vì sạt lở 2 bờ sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO