Xã hội

Nghệ An: Mong ước được "an cư"của người dân Khe Ò

Phạm Tuân - Quang Nguyễn 27/02/2024 - 14:28

Hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày phê duyệt đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ, người dân khu tái định cư Khe Ò ở xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vẫn đang phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Cho đến nay, ước mong của người dân chỉ đơn giản là “an cư” để sớm… “lạc nghiệp”.

Rời bỏ Khu TĐC cư vì lo sạt lở

Quay ngược trở lại hơn 20 năm về trước, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 19/6/2003 phê duyệt đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ và giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Với mục tiêu phát triển nguồn điện quốc gia với công suất 320MW, dự án được đã khởi công vào năm 2004 và đưa vào vận hành khai thác từ năm 2010 tại khu vực bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Dự án Thủy điện Bản Vẽ đã tiêu tốn nguồn quỹ đất khổng lồ của tỉnh Nghệ An lên đến hàng nghìn ha đất, bao gồm: Gần 90ha đất ở, hơn 500ha đất sản xuất, 7ha đất nuôi trồng thủy sản và hơn 1.400ha đất lâm nghiệp, 9ha đất phi nông nghiệp, hơn 2.000ha đất rừng sản xuất và 497ha đất các loại,… trải dài trên khắp 34 bản, 9 xã của 2 huyện miền núi Tương Dương và Kỳ Sơn.

anh-1.jpg
anh-4.jpg
Khung cảnh hoang tàn, đổ nát ở khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Bởi vậy, để có thể thực hiện dự án Thủy điện Bản Vẽ, năm 2005, hơn 3.000 hộ dân khu vực lòng hồ đã phải khăn gói rời bỏ quê hương, nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để đến các khu tái định cư mới sinh sống, nhường lại đất cho Tập đoàn EVN.

Đáng chú ý, trong số hàng nghìn hộ dân phải di cư nêu trên thì có 46 hộ dân được chính quyền địa phương bố trí đến sinh sống tại khu tái định cư Khe Ò, ngay bên dòng Nậm Nơn thuộc địa phận bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Tại nơi ở mới này, Tập đoàn EVN đã cùng chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ dân xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại và kiên cố; cùng với đó là nhiều công trình, hạng mục khác để phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con dân bản, đơn cử như: Nhà văn hóa, đường giao thông, điện lưới…; đồng thời cũng làm thủ tục giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai ổn định, lâu dài cho các hộ dân.

Có thể thấy, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt như vậy, những tưởng hàng chục hộ dân ở khu tái định cư Khe Ò sẽ sớm ổn định cuộc sống để tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Thế nhưng, thực tế lại trái ngược hoàn toàn khi vừa “an cư” chưa được bao lâu thì các hộ dân nơi đây đã phải sống trong cảnh hoang mang, lo lắng bởi hiện tượng sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến tính mạng của họ và người thân trong gia đình…

anh-2.jpg
Từ một khu tái định cư với 46 hộ dân sinh sống cùng hàng loạt cơ sở hạ tầng khang trang và hiện đại, đến nay, khu tái định cư Khe Ò chỉ còn lại vẻn vẹn 4 hộ dân bám trụ lại.

Cụ thể, qua lời kể của người dân nơi đây, vào thời điểm khoảng tháng 9/2010, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, hiện tượng sạt lở đã xảy ra tại khu tái định cư Khe Ò, khiến cho 1 tảng đá khổng lồ từ trên đỉnh đồi rơi xuống, làm sập nhà của một hộ dân. Sau khi sự việc xảy ra, do lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng, 7 hộ đã tự di dời nhà cửa đi nơi khác. Một thời gian sau đó, 36 hộ dân khác cũng lần lượt rời bỏ khu tái định cư đi đến nơi khác sinh sống.

Từ một khu tái định cư với 46 hộ dân sinh sống cùng hàng loạt cơ sở hạ tầng khang trang và hiện đại, đến nay, khu tái định cư Khe Ò chỉ còn lại vẻn vẹn 4 hộ dân bám trụ; trong đó, hầu hết là những cụ ông, cụ bà tuổi đã ngoài 60, mưu sinh bằng việc vào rừng kiếm củi, trồng rau và chăn thả gia súc, gia cầm.

Chỉ mong được an cư, lạc nghiệp

Để tìm hiểu thực hư sự việc, PV đã có mặt tại khu tái định cư Khe Ò. Qua đó, chứng kiến khung cảnh hoang tàn, đổ nát nơi đây. Theo đó, do không có người sử dụng, phần lớn những căn nhà ở khu tái định cư Khe Ò chỉ còn trơ trụi lại những bức tường bê tông; cỏ dại, cây cối mọc um tùm. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, các công trình phụ trợ khác như đường sá, nước sạch, nhà văn hóa... cũng rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Qua trao đổi với ông Vi Thanh Trung, là 1 trong 4 hộ dân còn bám trụ lại khu tái định cư và được ông chia sẻ rằng: Do con cái đều đi làm ăn ở xa hết, cùng với đó là việc tìm nơi ở mới rất khó khăn, chi phí xây dựng nhà cửa đắt đỏ nên chúng tôi vẫn phải bám trụ lại nơi đây. Mặc dù cuộc sống khó khăn chồng chất khi không có đất sản xuất, chỉ biết chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rau để trang trải qua ngày nhưng vợ chồng tôi cũng đành phải chấp nhận.

anh-3.jpg
Đại diện hai trong số bốn hộ dân nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.

Xác nhận về điều này, ông Vi Thanh Tùng – Chủ tịch UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương cho biết: Hiện tại, khu tái định cư Khe Ò ở bản Vẽ chỉ có 4 hộ dân đang sinh sống và tất cả đều thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn.

Cũng qua tìm hiểu được biết, trong số hàng chục hộ gia đình ở khu tái định cư Khe Ò tự chuyển đi đến nơi khác sinh sống, có 19 hộ dân tự dựng nhà, dựng cửa ở ven sông Nậm Nơn, phía hạ lưu nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Tuy nhiên, trong đợt xả lũ ngày 30 và 31/8/2018 đã cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa, đất đai cùng các tài sản khác của 19 hộ dân này.

Do vậy, men theo dòng Nậm Nơn, chúng tôi tìm đến hộ gia đình bà Lương Thị Tuyết (66 tuổi, là 1 trong 7 hộ dân khu tái định cư Khe Ò di cư đầu tiên) và được bà Tuyết cho biết: Năm 2012, gia đình bà chuyển ra khu vực ven dòng Nậm Nơn sinh sống để đảm bảo an toàn tính mạng do sạt lở đất gây ra. Tuy nhiên, ở đây gia đình bà vẫn không thể “an cư” được khi tiếp tục phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa lũ tràn về; gây sạt lở nghiêm trọng.

anh-5.jpg
Một Khu TĐC được đầu tư để dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi xả lũ, thiên tai ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương mới được đầu tư xây dựng xong. Tuy nhiên, những Khu TĐC này hầu như đều thiếu đất sản xuất.

Chia sẻ thêm về cuộc sống hiện tại của những hộ dân rời khu tái định cư Khe Ò về sinh sống bên dòng Nậm Nơn, bà Tuyết cho biết: “Nơi này toàn là đất rừng, đá sỏi cằn cỗi nên cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn, vất vả. Cũng bởi vì không có đất sản xuất nên lớp thanh niên, con cái trong nhà đều phải đi làm ăn xa để mưu sinh kiếm sống”. Cũng theo chia sẻ của bà Tuyết, người dân nơi đây chỉ có mong ước nhỏ nhoi là được có nơi ở an toàn và có đất sản xuất, có việc để làm…ổn định cuộc sống lâu dài.

Về vấn đề này, ông Vi Thanh Tùng – Chủ tịch UBND xã Yên Na tiếp tục chia sẻ: Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị tình trạng trên, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có biện pháp hiệu quả, giải quyết dứt điểm. Chúng tôi mong muốn sớm đưa người dân nơi đây ra khỏi những khu vực nguy hiểm để bà con yên tâm sinh sống, an cư lạc nghiệp, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Mong ước được "an cư"của người dân Khe Ò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO